Theo cơ quan này, hiện đang diễn ra việc thỏa thuận với các công ty Nhật Bản tham gia dự án là Mitsui và Mitsubishi.
Kế hoạch tiếp tục tham gia Sakhalin-2 đã được Thủ tướng Fumio Kishida và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Koichi Hagiuda công bố trong cuộc điện đàm hôm qua. Đồng thời, cơ quan này lưu ý rằng việc bảo toàn đầu tư phụ thuộc vào quyết định của phía Nga, vì vậy vẫn còn phải xem liệu Tokyo có thể hiện thực hóa ý định của mình hay không.
Ngày 30/6, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng. Ông đã ra lệnh thay đổi đơn vị điều hành dự án Sakhalin-2 thành một pháp nhân mới của Nga, do vậy việc người nước ngoài nắm giữ cổ phần trong dự án này hiện đang bị đặt dưới dấu hỏi. Trong nhà điều hành cũ là Sakhalin Energy, Gazprom sở hữu 50% cộng một cổ phiếu, Shell sở hữu 27,5% trừ một cổ phiếu, Mitsui 12,5% và Mitsubishi 10%.
Hồi cuối tháng 2, Shell thông báo quyết định rút khỏi các liên doanh với Gazprom và Gazprom Neft, bao gồm cả Sakhalin-2. Công ty Anh-Hà Lan ước tính thiệt hại liên quan đến việc rút khỏi Nga là 4 tỷ đô la. Phía Nhật Bản nhấn mạnh ý định tiếp tục tham gia dự án vì điều này cho phép cung cấp nguồn năng lượng ổn định.
Tại sao Nhật Bản cần Sakhalin-2?
Sakhalin-2 là một dự án dầu khí phát triển hai mỏ dầu khí ở phía đông bắc của thềm Sakhalin - Piltun-Astokhskoye (chủ yếu là dầu) và Lunskoye (chủ yếu là khí). Cơ sở hạ tầng bao gồm ba giàn khoan ngoài khơi, một cơ sở chế biến tích hợp trên bờ, một khu cảng xuất khẩu dầu và một nhà máy LNG với công suất thiết kế 9,6 triệu tấn mỗi năm.
Dự án cung cấp cho Nhật Bản khoảng 9% tổng lượng LNG mà nước này nhập khẩu.