Trong khi các nước trong khu vực ủng hộ các cam kết về khí hậu, cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy các chính sách dài hạn, chẳng hạn như đẩy mạnh các nỗ lực trung hòa carbon và khai thác các mỏ khoáng sản quan trọng, ấn phẩm phân tích Fulcrum viết.
Các nhà xuất khẩu chính
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Donbass đã khiến giá hàng hóa nguyên liệu thô tăng cao bởi vì cả hai nước Nga và Ukraina đều là những nhà xuất khẩu chủ chốt cung cấp nhiên liệu hóa thạch, ngũ cốc, phân bón và kim loại. Việc gián đoạn nguồn cung các mặt hàng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, ASEAN đã nhập khẩu 9,7% lượng phân bón từ Nga và 9,2% lượng ngũ cốc từ Ukraina. Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc xung đột sẽ dẫn đến việc giá năng lượng sẽ tăng 50%, nông sản tăng 18% trong năm 2022. Tỷ lệ lạm phát ở ASEAN sẽ tăng từ 3,1% vào năm 2021 lên 4,7% vào năm 2022.
Ngoài việc tăng trưởng kinh tế chậm lại, cuộc khủng hoảng hàng hóa nguyên liệu thô cũng đang làm xói mòn tham vọng về khí hậu của Đông Nam Á. Để giảm bớt áp lực lạm phát, Philippines đã tăng gấp đôi các khoản trợ cấp nhiên liệu giao thông công cộng và có kế hoạch tăng cường sử dụng than để phát điện. Ở Malaysia, các khoản tiền trợ cấp xăng dầu có thể lên tới hơn 6 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó Indonesia đang đẩy mạnh xuất khẩu than. Thái Lan và Việt Nam gần đây cũng đã tăng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Những nỗ lực của ASEAN đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 23% vào năm 2025 cũng bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong việc cung cấp các khoáng sản quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh. Trong khi các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Mátxcơva chưa được áp dụng đầy đủ, Nga vẫn là nước xuất khẩu niken và palladium lớn nhất thế giới. Niken là một thành phần quan trọng trong pin xe điện, và palađi được sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác của hệ thống xả ô tô, giúp giảm mức độ gây hại của khí thải ra môi trường. Giá niken tăng 60% và giá palladium tăng 25% sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, điều đó làm dấy lên lo ngại về khả năng kinh tế của các công nghệ năng lượng tái tạo. Ukraina là nhà cung cấp khí neon hàng đầu thế giới, mà khí neon được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, các thành phần quan trọng của xe điện và công nghệ truyền thông.
Fulcrum viết rằng, các chính trị gia ở Đông Nam Á có thể sử dụng cuộc khủng hoảng hàng hoá nguyên liệu thô để thúc đẩy chương trình trung hòa carbon như một mô hình phát triển hấp dẫn về mặt kinh tế, đặc biệt nếu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Donbass sẽ còn kéo dài. Theo kịch bản kinh doanh thông thường, đến năm 2040, Đông Nam Á phải tăng khối lượng nhập khẩu dầu thô thêm 65% so với mức hiện tại, khi đó những cú sốc về nguồn cung sẽ có tác động tiêu cực lớn hơn những gì mà khu vực này đang cảm thấy hiện nay.
Sự hợp tác của các nước Đông Nam Á trong ASEAN
Southeast Asia Energy Outlook 2022 (Triển vọng Năng lượng Đông Nam Á 2022) cho thấy việc khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo đáng kể của khu vực có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Báo cáo của Trung tâm Năng lượng ASEAN đề xuất hợp tác giữa Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trong việc sản xuất các tấm pin mặt trời và mở rộng năng lực sản xuất nhiên liệu sinh học ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Các mạng lưới truyền tải xuyên biên giới như Dự án tích hợp điện năng rộng hơn có sự tham gia của 4 nước Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore (Dự án LTMS-PIP) mới được triển khai gần đây có thể giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ngoài khu vực và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Dự án LTMS-PIP cũng là bước đầu tiên hướng tới hiện thực hóa thương mại năng lượng đa phương trong Hệ thống liên kết năng lượng của ASEAN.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo khu vực tái tập trung hợp tác trong tương lai về năng lượng tái tạo và khoáng sản để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, Fulcrum nhấn mạnh.
Mục tiêu tạo ra sự hội nhập thị trường chung ở Đông Nam Á về năng lượng tái tạo đòi hỏi sự hỗ trợ của môi trường pháp lý mạnh mẽ và các giải pháp chính sách hỗ trợ thương mại đa phương. Việc Malaysia đã cấm xuất khẩu điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo cho Singapore vào năm 2021 là một bước lùi trong vấn đề này. May mắn thay, lệnh cấm không áp dụng đối với nhập khẩu điện từ các quốc gia khác và sẽ không ảnh hưởng đến dự án LTMS-PIP.
Cuộc khủng hoảng mang lại cơ hội nào cho các nước Đông Nam Á?
Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) chỉ ra rằng, việc các nước phát triển không thực hiện nghĩa vụ tài trợ cho các chương trình khí hậu làm suy yếu các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu trong khu vực. Cuộc khủng hoảng hiện nay tạo cơ hội cho các nước Đông Nam Á sử dụng các lập luận địa chính trị để thuyết phục các nước phát triển tài trợ cho các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu quy mô lớn (không chỉ dưới dạng các khoản vay hoặc công cụ nợ, mà cả dưới dạng các khoản viện trợ không hoàn lại). Sau khi Nga mở chiến dịch đặc biệt ở Donbass, Liên minh châu Âu cam kết ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga cho đến năm 2030, trong trường hợp này Mátxcơva có thể chuyển hướng cung cấp sang châu Á. EU và các đối tác của họ có thể cản trở sự tăng trưởng ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Nga bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á và những khu vực khác.
Biển Đông là đối tượng tranh chấp và bất đồng giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á
Cuộc khủng hoảng hàng hóa nguyên liệu thộ cũng làm rõ tầm quan trọng của việc tiếp cận không bị gián đoạn các khoáng sản trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Việc kiểm soát các khoáng sản này tập trung nhiều hơn so với nhiên liệu hóa thạch, trong đó Trung Quốc đóng vai trò chi phối trong sản xuất và chế biến chúng. Sự thống trị này có thể được sử dụng để gia tăng ảnh hưởng địa chính trị, ví dụ, Trung Quốc đã ra lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản sau “đụng độ tàu” vào năm 2010.
Trong khi các cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á tiếp tục leo thang, các nước trong khu vực nên hợp tác để khai thác các mỏ trong nước, kể cả các mỏ đất hiếm của Myanmar và Việt Nam, cũng như mỏ niken ở Philippines. Mặc dù khu vực này giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng, đầu tư vào ngành khai khoáng đã giảm trong những năm gần đây. Nếu các nước Đông Nam Á bất đầu khai thác các mỏ khoáng sản hiện có, điều này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng sản có tiềm năng tạo ra doanh thu 60 tỷ USD đến năm 2050.
Cho đến nay, khi sắp xếp thứ tự ưu tiên dựa trên mức độ quan trọng để ứng phó với cuộc khủng hoảng hàng hóa nguyên liệu thô, các nước Đông Nam Á tập trung vào các mục tiêu kinh tế ngắn hạn thay vì nỗ lực trung hòa carbon dài hạn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo khu vực tái tập trung hợp tác về năng lượng tái tạo và khoáng sản trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Điều này là cần thiết cho sự phát triển bền vững, để bảo vệ khỏi những cú sốc về nguồn cung trong tương lai khi phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng trong môi trường toàn cầu và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn.