Theo ấn phẩm, sáng kiến quy định rằng nếu khí đốt từ Nga bị cắt thì tất cả các quốc gia trong cộng đồng, kể cả nhữngnước ít bị phụ thuộc hơn vào khí đốt của Nga, chẳng hạn như Tây Ban Nha, sẽ buộc phải quy định hạn mức tiêu thụ năng lượng. Brussels dự kiến sẽ công bố kế hoạch của mình vào thứ Tư. Đề xuất của EC sẽ được đệ trình để thảo luận tại Hội đồng bất thường của các Bộ trưởng Năng lượng EU vào tuần tới.
Theo dự án, đầu tiên Brussels sẽ đề xuất giảm tiêu thụ khí đốt tự nguyện, bước đi này có thể được kích hoạt từ ngày 1 tháng 8 năm nay đến ngày 31 tháng 3 năm sau trong bối cảnh dự kiến cắt giảm nguồn cung từ Liên bang Nga. Sáng kiến này cũng trao cho EC thẩm quyền tuyên bố tình trạng sẵn sàng chung, để nếu cần sẽ áp dụng mức giảm tiêu dùng khí đốt bắt buộc đối với tất cả các thành viên của cộng đồng. Đề xuất nêu rõ rằng biện pháp tương ứng sẽ có hiệu lực "vào ngày đầu tiên của tháng sau kể từ khi có thông báo báo động, và sẽ kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2023."
Dự thảo vẫn chưa chỉ ra tỷ lệ phần trăm cắt giảm, nhưng các nguồn tin trong EC cho biết hiện đang xem xét mức 15%, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất công nghiệp ở hầu hết các nước EU. Tuy nhiên, một số quốc gia trong cộng đồng tin rằng việc phân bổ mức tiêu thụ khí đốt bắt buộc theo quyết định của Brussels có thể được coi như là sự can thiệp vào chính sách quốc gia. Điều này cũng sẽ buộc tất cả các nước EU phải chia sẻ tác động kinh tế của việc cắt giảm nguồn cung khí đốt, gây ảnh hưởng đáng kể đến Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Tất cả các thành viên của cộng đồng sẽ phải trả giá cho những sai lầm trong chính sách năng lượng của Berlin, tờ báo viết.