Tổng thống Vladimir Putin hôm 19/7 đã có chuyến thăm Tehran một ngày để tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia bảo đảm tiến trình Astana nhằm giải quyết xung đột tại Syria. Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh, nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Nga đã có các cuộc hội đàm ba bên với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đồng thời tiến hành các cuộc tiếp xúc riêng với các nguyên thủ quốc gia Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm Iran diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Israel và Saudi Arabia.
Tổng thống Nga đã đánh giá Thượng đỉnh với hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Tehran là "thực sự hữu ích, thực chất". Vậy kết quả của chuyến thăm và Thượng đỉnh Nga-Iran –Thổ Nhĩ Kỳ là gì? Ý nghĩa của những thỏa thuận đã đạt được?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp ở Tehran
© Sputnik / Sergei Savostyanov/Pool
/ Tuyên bố của 3 nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sau Thượng đỉnh
Để hiểu được ý nghĩa của kết quả chuyến thăm cũng như kết quả Thượng đỉnh Nga-Iran –Thổ Nhĩ Kỳ, trước hết, Sputnik nêu những điểm chính trong tuyên bố của 3 nhà lãnh đạo.
Những điểm chính trong tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin sau Thượng đỉnh của “Nhóm 3 Astana” diễn ra ở thủ đô của Iran:
Sau Thượng đỉnh tại Tehran, Tổng thống Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã ra Tuyên bố chung;
Người Syria phải tự quyết định về tương lai của Syria, không thể có áp đặt bất kỳ công thức hay mô hình nào từ bên ngoài;
Nga ủng hộ việc cùng Đông Bắc của Syria trở lại dưới sự kiểm soát của chính phủ hợp pháp của Syria;
Trong trường hợp nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran, tất cả các bên tham gia phải được đảm bảo quyền bình đẳng để phát triển hợp tác.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Syria dẫn đến kết quả thảm hại, không thể chính trị hóa viện trợ nhân đạo cho quốc gia này;
Bất chấp những khác biệt hiện có liên quan tới vùng Đông Bắc Syria, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thống nhất rằng, Hoa Kỳ phải rời khỏi khu vực này.
Moscow và Tehran có quan điểm trùng hợp về rất nhiều vấn đề;
Liên bang Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraina, nhưng tất cả các hạn chế đối với việc xuất khẩu ngũ cốc của Nga phải được dỡ bỏ;
Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc của Nga nếu họ muốn cải thiện tình hình trên thị trường lương thực;
Tập đoàn "Gazprom" của Nga đã luôn hoàn thành và sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình về cung cấp khí đốt;
Việc Ukraina khóa một trong những tuyến đường cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu đã diễn ra hoàn toàn vô căn cứ, vì lý do chính trị;
Giá dầu sẽ tăng vọt nếu các hạn chế áp dụng đối với nguồn cung từ Nga;
Khởi động hoạt động của “Nord Stream 2” là một trong những cách để tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu, mặc dù một nửa công suất của đường ống dẫn khí này đã được dành cho tiêu dùng trong nước;
Liên bang Nga nhận thấy rằng, chính quyền Ukraina không có mong muốn thực hiện các thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul;
Liên bang Nga biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Ả Rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quốc gia khác đã đề nghị vai trò trung gian cho hòa giải tại Ukraina.
Một số tuyên bố của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được đưa ra sau Thượng đỉnh:
Tại Hội nghị thượng đỉnh về Syria các bên đã nhất trí rằng, Mỹ cần phải rời khỏi Syria;
Các bên của định dạng Astana sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Syria;
Định dạng Astana đã cho thấy hiệu quả của nó, hoạt động theo định dạng này sẽ được tiếp tục;
Các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phải giúp đỡ những người tị nạn Syria trở về đất nước của họ
Những điểm chính trong tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan:
Quá trình Astana là một cơ chế quan trọng để giải quyết vấn đề Syria;
Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi sự giúp đỡ từ Nga và Iran trong việc chống lại các nhóm khủng bố ở Syria;
Hỗ trợ nhân đạo cho Syria là nhiệm vụ quan trọng nhất của các quốc gia bảo đảm tiến trình Astana;
Thổ Nhĩ Kỳ mong đợi từ Nga và Iran sự hỗ trợ nghiêm túc hơn nữa cho những nỗ lực bảo vệ an ninh của nước này;
Để giải quyết vấn đề Syria cần thiết có sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế;
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng chống khủng bố, phía đông vùng Euphrates phải sạch bóng quân khủng bố.
Những điểm chính trong Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ:
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Syria;
Không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột Syria;
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ giữcam kết vềchủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria;
Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ lên án sự gia tăng hiện diện và hoạt động của các tổ chức khủng bố ở Syria, cũng như các sáng kiến tự quản bất hợp pháp ở nước này với lý do chống khủng bố;
Ba nhà lãnh đạo quyết định tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên tiếp theo tại Nga theo lời mời của Tổng thống Putin;
3 Tổng thống nhất trí mở rộng định dạng ba bên liên quan tới các vấn đề quốc tế khác ngoài vấn đề Syria.
Một thử nghiệm lịch sử mới trong hợp tác quốc tế
Các vấn đề trọng tâm của đàm phán Nga-Iran lần này là xây dựng dự thảo mới hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế trong bối cảnh chịu áp lực trừng phạt từ phương Tây, phát triển các tuyến vận tải và hậu cần, bao gồm cả hoạt động của hành lang vận tải Bắc-Nam và những vấn đề khác.
“Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Tehran, có thể nói, là một bước ngoặt trong quan hệ Nga-Iran. Khả năng ký kết một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và việc triển khai sâu hơn nữa sẽ phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa giới tinh hoa chính trị của Nga và Iran. Hai bên đã thể hiện sự hiểu biết lẫn nhau ở mức độ cao và điều đó tạo động lực to lớn cho sự phát triển hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
Nhiều nhà bình luận và phân tích nước ngoài và Nga đã có đánh giá cao về kết quả Thượng đỉnh của “Nhóm 3” Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran ngày 19/7 vừa qua. Họ đã gọi nó là “Tehran - 22”, khi so sánh nó với “Tehran-43” (“Tehran-43” là Hội nghị của 3 nguyên thủ quốc gia Liên Xô, Mỹ và Anh tại Tehran năm 1943. Hội nghị diễn ra vào cuối năm 1943, thời điểm bước ngoặt trong cuộc chiến có lợi cho liên minh chống Hitler, và đặc biệt là Liên Xô, đã trở nên rõ ràng. Hội nghị được được tổ chức để phát triển một chiến lược cuối cùng cho cuộc đấu tranh chống lại Đức và các đồng minh của nó. Những vấn đề thảo luận là: Việc mở mặt trận thứ 2 tại Tây Âu; vấn đề Đức; vấn đề Ba Lan; trật tự thế giới sau chiến tranh và các vấn đề an ninh thế giới sau chiến tranh).
“Tất nhiên, về tầm cỡ thì “Tehran - 22” thấp hơn “Tehran-43”, nhưng “Tehran - 22” có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tình hình thế giới hiện nay. Những phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cho thấy họ sẽ cùng đóng vai trò quan trọng tại Trung Cận Đông, cùng với Saudi Arabia. Tổng thống Tayyip Erdogan còn nói rằng xem Iran là dân tộc anh em và hai nước phải cùng nhau xây dựng một tương lai chung. Còn về vấn đề Syria thì cả ba Tổng thống đều nhất trí tự giải quyết vấn đề này, không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Có nghĩa là, Hoa Kỳ phải rời khỏi Syria”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
“Chuyến thăm của Tổng thống Putin thực sự thành công, càng có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Mỹ mất ảnh hưởng ở khu vực này. Chuyến thăm Iran chỉ diễn ra vài ngày sau chuyến thăm thất bại của Tổng thống Mỹ Biden tới Israel và Saudi Arabia. Chuyến đi của J. Biden đến Trung Cận Đông vừa qua đã không dẫn đến việc đạt được mục tiêu liên kết các nước Ả Rập chống Iran. Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ tới khu vực Trung Cận Đông để xin (tăng sản lượng khai thác dầu)chứ không phải để đe dọa. Điều này cho thấy rõ, một thế giới mới đang hình thành”, - TS Lê Hòa chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik.
Chúng ta đã thấy, chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo ba nước rất phong phú. Nó bao gồm cả vấn đề giải quyết hòa bình xung đột ở Syria và mở rộng hợp tác thương mại, kinh tế và quân sự-chính trị.
“Hợp tác ba bên Nga-Iran và Thổ Nhĩ Kỳ như là một thử nghiệm lịch sử. Rõ ràng là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia rất khác nhau về lịch sử, tôn giáo và các giá trị văn hóa. Trong các mục tiêu chính sách đối ngoại, ba nước này cũng có sự khác biệt. Mô hình hợp tác ba bên này là một thách thức mở đối với phương Tây mà vốn tin rằng, chỉ những quốc gia gần gũi về mặt giá trị mới có thể phát triển các mối quan hệ chặt chẽ”, - TS Lê Hòa nhấn mạnh với Sputnik.