Châu Phi - hướng hợp tác chiến lược mới của Nga

Ngày 24/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bắt đầu chuyến công du châu Phi với cuộc hội đàm tại Ai Cập. Ngay ngày hôm sau, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Nga đã đến Cộng hòa Congo, tiếp theo Ethiopia và Uganda.
Sputnik
Các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các nước châu Phi cho thấy, ngoại trưởng Nga vẫn là một vị khách được hoan nghênh tại các nước này và sức mạnh ảnh hưởng của Điện Kremlin đối với lục địa này. Hơn nữa, có thể thấy rõ rằng, nước Nga không tự cô lập mình và không thể bị cô lập một cách nghiêm ngặt trong thế giới hiện đại.
Vậy ông Sergei Lavrov đi châu Phi lần này để làm gì? Kết quả chuyến công du này là gì và thể hiện điều gì?
Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế nổi tiếng Nguyễn Minh Tâm về những vấn đề trên.
Ngoại trưởng Nga: Các biện pháp trừng phạt không ngăn được Nga cung cấp năng lượng cho châu Phi

Thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các quốc gia tại “Lục địa đen”

Sputnik: Kính chào ông Nguyễn Minh Tâm! Cách đây không lâu, hồi đầu tháng 6/2022, tại Sochi, tại cuộc hội đàm với Tổng thống Senegal – Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói về quan hệ Nga-Châu Phi như sau: Đang mở ra một hướng phát triển chiến lược mới và châu Phi là hướng phát triển chiến lược mới của Nga. Theo đánh giá của ông, mục đích chính chuyến công du lần này tới châu Phi của ngoại trưởng Sergei Lavrov là gì? Ông có cho rằng nó liên quan tới nội dung phát biểu của Tổng thống Nga hay không?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Lẽ ra các chuyến công cán của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và nhiều quan chức khác của nhà nước Nga đã có thể đã diễn ra sớm hơn trong các năm 2020 và 2021, nếu như Đại dịch COVID-19 không xảy ra.
Trong lịch sử các quốc gia quan trọng ở Châu Phi như Ai Cập, Algeria, Angola, Cộng hòa Congo, Ethiopia, Mozambique, Tanzania.v.v… đều là bạn bè truyền thống với người Nga từ thời Liên Xô trước đây. Hiện tại, Nam Phi đang cùng tham gia với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong khối BRICS, một liên minh kinh tế đang được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng với G7.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Ai Cập
Trước đây gần 3 năm, Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/10/2019 dưới sự đồng chủ trì của Nga và Ai Cập - nước Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Phi (AU) đã kết thúc rất tốt đẹp. Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Nga với các nước Châu Phi. Hiện nay, để phát triển và đơn giản các mối hợp tác đôi bên cùng có lợi với các quốc gia, Châu Phi nằm trong số những ưu tiên về chính sách đối ngoại của Nga.

Tổng thống Putin cam kết: “Các công ty Nga sẵn sàng hợp tác với các đối tác Châu Phi để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển công nghệ viễn thông và kỹ thuật số, đảm bảo an ninh thông tin và cung cấp các công nghệ và giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhất. Và tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục đào tạo cán bộ quốc gia có trình độ cao cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của các quốc gia Châu Phi”.

Vladimir Putin
Tổng thống Nga
Do đó, lý do đầu tiên cho chuyến công du Châu Phi lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov là để cụ thể hóa Tuyên bố chung Nga – Châu Phi được ký kết tại Sochi ngày 24/10/2019 và cũng là nối lại lịch trình tổ chức luân phiên Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi 3 năm một lần như “Tuyên bố chung Sochi 2019” đã hoạch định. Tuyên bố chung Nga – Châu Phi 2019 và chuyến công du của ông Lavrov lần này thể hiện rõ, châu Phi là hướng hợp tác chiến lược mới của Nga.
Diễn đàn kinh tế và hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi tại Sochi
Theo đó, Nga có cả một lộ trình dài để thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các quốc gia tại “Lục địa đen”, nơi mà chính Liên Xô chứ không ai khác đã trợ giúp rất nhiều cho các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Algeria, ở Ethiopia, ở Angola, ở Mozambique… giúp họ thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũng như giúp đỡ cách mạng Nam Phi lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, giúp Ai cập chống lại cuộc xâm lăng của Israel.v.v… Và đây là một trong những nguyên nhân khiến cho không một quốc gia Châu Phi nào hưởng ứng các lệnh cấm vận Nga của Mỹ và phương Tây.
Lý do thứ hai là ba cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới đang đe dọa trực tiếp lên “Lục địa đen”. Đó là khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực và khủng hoảng tài chính.
Cuối cùng, chuyến đi của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới các quốc gia chủ chốt trong Liên minh Châu Phi AU còn là một bước chuẩn bị xúc tiến cho Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi lần thứ hai sẽ được tổ chức vào năm 2023 sau khi bị chậm trễ một năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nga cần thị trường châu Phi

Sputnik: Chúng ta hiểu thời Liên Xô giúp châu Phi. Còn hiện tại, chắc phải gần 10 năm nay Nga đã đề cập tới vấn đề trở lại châu Phi. Vậy ngày nay, Nga cần châu Phi để làm gì?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Nga cần thị trường. Trước hết là thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của Nga, đặc biệt là hiện nay, trong thời đại chiến tranh kinh tế, thời đại các lệnh trừng phạt. Trong bối cảnh hiện nay, việc linh hoạt chuyển hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Đó là thị trường lương thực, năng lượng, tài chính, và cả vũ khí.
"Bí mật chính": Các chuyên gia giải thích lý do Ngoại trưởng Nga tới châu Phi
Ở trên, tôi đã đề cập tới ba cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới đang đe dọa trực tiếp lên “Lục địa đen”.
Đầu tiên phải nói đến vấn đề lương thực. Dư luận nhiều nước cứ đổ riệt cho Nga về khủng hoảng lương thực do nước này mở Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina. Tuy nhiên, nạn đói ở Châu Phi đã diễn ra từ giữa năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản; không chỉ lúa mỳ từ Nga và Ukraina mà còn là lúa mỳ từ Canada, Pháp và Đức, ngô từ Mỹ và Mexico, gạo từ Việt Nam và Thái Lan.v.v… Vì vậy, ngay sau khi đạt được thỏa thuận song phương về mở xuất khẩu lúa mỳ với Ukraina, Nga đã tranh thủ được sự thuận lợi đó cho việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của mình ra thị trường thế giới, trong đó có châu Phi.
Khác với Mỹ và các quốc gia phương Tây, việc Nga ký kết các hợp đồng cung cấp nông sản với các quốc gia Châu Phi không đơn giản chỉ là vấn đề thương mại mà quan trọng hơn, đó còn là nghĩa vụ, là trách nhiệm chính trị của Nga đối với thế giới nói chung và Châu Phi nói riêng.
Ngoại trưởng Nga đã nói: “Nga nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cung cấp các sản phẩm có ý nghĩa xã hội, bao gồm cả thực phẩm, cho nhiều quốc gia trên thế giới. Nga có mối quan hệ tốt đẹp lâu đời với châu Phi kể từ thời Liên Xô. Và trong chuyến công du này, điều quan trọng là tất cả các bạn bè châu Phi sẽ hiểu rằng Nga vẫn tiếp tục thực hiện một cách thiện chí nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng quốc tế về xuất khẩu thực phẩm, phân bón, vận chuyển năng lượng và các hàng hóa khác quan trọng tới châu Phi”.
Sergei Lavrov
Ngoại trưởng Nga
Vấn đề cung cấp năng lượng cho các quốc gia Châu Phi cũng được phía Nga rất quan tâm. Trong điều kiện tài nguyên nhiên liệu hóa thạch khá dồi dào của Châu Phi, Nga không chỉ đặt vấn đề cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho “Lục địa đen” mà tích cực giúp các quốc gia Châu Phi phát triển năng lượng xanh và sạch.
Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập thảo luận về các cuộc tiếp xúc của Cairo với BRICS
Tại điểm dừng chân đầu tiên của đoàn đại biểu Nga là Ai Cập, Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom đã bắt tay vào việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này ở El Dabaa theo một hợp đồng đã ký vào cuối năm 2021. Tại Ethiopia, quốc gia đồng minh cũ và là đối tác quan trọng của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa đảm bảo rằng, Nga sẽ không thay đổi các nghĩa vụ cung cấp lương thực cho các nước châu Phi, bất chấp các lệnh trừng phạt của châu Âu. Ông tin tưởng rằng, chính sách trừng phạt như vậy chỉ làm xói mòn nền tảng của an ninh lương thực và năng lượng thế giới.
Về tài chính và đầu tư, Nga hoan nghênh sáng kiến của các nước Liên minh Châu Phi AU khi họ tạo điều kiện cho hàng nghìn doanh nghiệp của Nga hoạt động. Trong đó, riêng tại thị trường Ai Cập đã có có 470 doanh nghiệp Nga hoạt động với khoản đầu tư lên tới 8 tỷ USD. Vào cuối năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 4% và lên tới 4,8 tỷ USD. Hiện tại, Khu công nghiệp của Nga trên bờ kênh đào Suez cũng đang từng bước hoàn thành và ngày càng trở nên có tương lai hứa hẹn hơn trong bối cảnh Liên minh châu Phi vừa thông qua Nghị quyết về việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do lục địa.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Ethiopia

Châu Phi tin tưởng vào Nga hơn là vào Mỹ

Sputnik: Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova đã nói rằng, các nhà ngoại giao Mỹ đang chạy từ nhà này sang nhà khác ở các quốc gia khác nhau và cầu xin mọi người đừng chụp ảnh với ông Sergei Lavrov để những bức ảnh này không bị Nga sử dụng làm bằng chứng để chứng minh rằng Nga không bị thế giới cô lập. Thực tế tiếp đón ngoại trưởng Nga ở các nước châu Phi thể hiện điều gì, theo ông?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Giống như hai hình ảnh chuyến đi thăm Arabia Saudi của Tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Joe Biden; trong đó, Tổng thống Nga thu được thành công tốt đẹp, còn tổng thống Mỹ thì “thất bại toàn tập”. Một sự tương phản rất lớn cũng đã diễn ra ở Châu Phi vừa qua. Sát trước với chuyến đi thăm Châu Phi của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bổ nhiệm đại sứ Mike Hammer làm đặc phái viên vùng Sừng Châu Phi.
Tuy nhiên, các quốc gia khu vực này chẳng mấy để ý đến ông đặc phái viên này. Thậm chí là phớt lờ khuyến cáo của người Mỹ, Ethiopia còn mở chiến dịch quân sự tiêu diệt phần lớn lực lượng phiến quân Tigray (TPLF), giải phóng hoàn toàn các khu vực Đông Amhara và Afar ở miền Bắc Ethiopia. Điều này chứng tỏ uy tín của Mỹ ngày càng đi xuống đối với khu vực này.
Đối chiếu với các chuyến thăm của các nhà ngoại giao Mỹ thời khu vực Bắc Phi những năm 2011-2015, chúng ta có thể thấy, Mỹ và phương Tây hô hào đem “dân chủ” và “nhân quyền” đến cho các nước Bắc Phi nhưng kết quả là chính những thứ “dân chủ” và “nhân quyền” giả hiệu đó đã tạo nên sự đổ nát tan hoang của nhiều quốc gia từng là đầu tàu phát triển kinh tế ở Châu Phi. Còn bây giờ, Châu Phi, với kinh nghiệm lịch sử của mình lại hướng về người bạn truyền thống là nước Nga với sự hợp tác có chất lượng mới trong điều kiện hoàn cảnh mới. Đây chính là điều mà nhiều quốc gia Châu Phi mong đợi tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – Châu Phi lần tới sẽ được tổ chức năm 2023. Và chuyến đi của ngài Sergei Lavrov chính là một bước chuẩn bị cho Hội nghị quan trọng đó.
Chỉ ra nguyên nhân thành công của Nga ở châu Phi
Vì thế, chính sự đón tiếp thịnh tình của các nhà lãnh đạo bốn quốc gia chủ chốt trong AU, đặc biệt là Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia Demeke Mekonnen cho thấy hai quốc gia đang tranh cãi nhau về quyền lợi nguồn nước sống Nil do dự án thủy điện Đại Phục Hưng (được Mỹ đầu tư) tin tưởng vào Nga hơn là vào Mỹ. Cũng như vậy, các quốc gia có tầm quan trọng ở trung tâm Châu Phi như Uganda hay Cộng hòa Congo cũng đặt niềm tin vào sự chia sẻ lợi ích một cách hài hòa khi hợp tác với Nga.

Ý nghĩa về hợp tác kinh tế cùng với kết quả nổi bật về chính trị quốc tế

Sputnik: Đánh giá của ông về kết quả chuyến công du này, những kết quả nổi bật nhất là gì?
Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm:
Trong khi người Mỹ đang loay hoay khắc phục những hậu quả bất ổn chính trị ở Sudan cũng như tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề liên quan đập thủy điện Đại Phục Hưng thì Nga đã có một “kịch bản dài hơi hơn” để thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Mặc dù tiềm lực kinh tế của Nga không thể sánh được với hai cường quốc kinh tế hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc, nhưng Nga lại có lợi thế ở mức độ tin cậy chính trị rất cao giữa các nước trên lục địa Châu Phi. Vì vậy, ngoài ý nghĩa về hợp tác kinh tế thì chuyến đi của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov còn đem lại kết quả nổi bật về chính trị quốc tế.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Congo
Chuyến đi của ngoại trưởng Nga đến Châu Phi lần này đã đem lại hình ảnh một cường quốc Liên bang Nga có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với “Lục địa đen” chứ không phải là một hình ảnh của những tay “buôn người bán súng chiếm đoạt tài nguyên” như các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Với chủ thuyết độc lập không chỉ có giá trị về chính trị mà còn có giá trị về kinh tế, xã hội và văn hóa, Nga đã không nhầm khi tin rằng, chủ thuyết mới về độc lập, tự chủ của họ chắc chắn sẽ được các quốc gia Châu Phi ủng hộ. Và “Lục địa đen” sẽ lại một lần nữa đứng lên, chặt đứt những “cái vòi bạch tuộc” của các công ty xuyên quốc gia đến từ Mỹ và phương Tây. Qua đó, thoát khỏi sự bóc lột tài nguyên và sức lao động của chủ nghĩa thực dân mới để xây dựng cho mình một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hòa nhập một cách bình đẳng vào hệ thống kinh tế toàn cầu.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian cho Sputnik.
Thảo luận