Triển vọng quan hệ kinh tế và và vị thế của New Delhi trong khu vực châu Á, yếu tố Ấn Độ có thể phát huy vai trò ra sao trên thị trường thế giới – đó là đề tài trong cuộc đàm đạo của Sputnik Vietnam với GS-TSKH Kinh tế Karamurzov Renat từ bộ môn Kinh tế và Địa lý Kinh tế, Viện Các nước Á-Phi thuộc ĐHTH Quốc gia Matxcơva (MGU).
Trước hết, GS nhận xét rằng hiện tại có thực tế không thể chối cãi là những thay đổi toàn cầu diễn ra trên thế giới không chừa lại không gian cho sự im lặng. Ở trung tâm sự kiện là thị trường năng lượng.
"Bây giờ có thể nói là thời khắc của sự thật, thời khắc quyết định. Về nhiều mặt, bất hoà với Nga có nghĩa là thành ra không có nhiên liệu năng lượng để tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đã chín muồi, và chẳng có gì ngạc nhiên khi nhận chân tất cả các sắc thái. Ấn Độ cuối cùng đã giành vị trí độc lập mà họ đã phấn đấu", - GS Karamurzov lưu ý.
Nhu cầu năng lượng ở Ấn Độ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực chỉ ngày một tăng. Tương ứng, nhu cầu về dầu mỏ và khí đốt cũng ngày càng lớn, khi qua thời gian nguồn cung trở nên hạn chế. Nguồn cung cấp nhiên liệu năng lượng đáng tin cậy là yêu cầu bức thiết rõ ràng.
Liệu có cần đến «sản xuất bẩn»?
GS Karamurzov đánh giá như sau về vị trí của «năng lượng xanh» trong tiến trình phát triển kinh tế bền vững:
"Tương lai thuộc về năng lượng xanh, điều đó là hiển nhiên, nhưng hiện thời nó vẫn đắt giá mà kém hiệu quả, còn bản thân việc sản xuất các tấm pin mặt trời thì khá bẩn. Hơn thế nữa, các nước đang phát triển có nhận thức đủ căn cứ xác đáng rằng «chương trình nghị sự xanh» cũng là một đòn bẩy áp lực".
Chuyên gia lưu ý rằng trở thành thủ lĩnh dẫn đầu với nền công nghiệp phát triển nhờ vào năng lượng xanh là chuyện không mấy dễ dàng. Hơn nữa, một mặt các nước phát triển đã không tính đến thành tố môi trường trong quá trình phát triển của mình, còn mặt khác hoạt động «sản xuất bẩn» lại dời chuyển sang các nước đang phát triển. Trong bối cảnh đó, những lời kêu gọi giảm phát thải thán khí bị coi là tức cười hoặc thậm chí là sự nhạo báng.
«Trước các nước ASEAN cũng như trước Ấn Độ và Trung Quốc là những nhiệm vụ gắn với đấu tranh chống đói nghèo, sản xuất công nghiệp và vì điều này, cần phải sử dụng năng lượng hiệu quả, tức là dầu mỏ và khí đốt. Cuộc đấu vì nhiên liệu năng lượng đang ngày càng trở nên sắc nét hơn», - GS Karamurzov kết luận.
Đối thủ hay đối tác?
Nếu bùng phát cuộc cạnh tranh về tài nguyên ngày càng gay gắt, thì một câu hỏi tự nhiên nảy sinh: ai đấu với ai? Người đàm đạo với Sputnik Vietnam cho rằng các quốc gia Nam, Đông Nam và Đông Á không phải là đối thủ của nhau theo nghĩa thông thường. Các tổ chức như SCO, ASEAN, và thậm chí EAEU và BRICS hẳn là sẽ bổ sung cho nhau khi giải quyết những vấn đề cụ thể. Ví dụ, việc xây dựng Thỏa thuận về Khu thương mại tự do giữa EAEU và Ấn Độ sẽ dẫn đến kích hoạt hành lang kinh tế Bắc-Nam lịch sử, vốn cũng có thể thu hút sự quan tâm của cả các nước ASEAN.
«Các tuyến đường trung chuyển đã không hề thay đổi trong hàng nghìn năm, đây là dự án rất thú vị, nếu tính đến ưu điểm không gặp khó khi đi theo tuyến đường này. Đối với hàng hóa công nghiệp nhẹ, thậm chí đây là lựa chọn lý tưởng - đi qua bờ biển phía tây của Ấn Độ, tới Iran đến biển Caspi, và từ đó đến sông Volga và Baltic».
Xét thành phần chiến lược và bức tranh tổng thể, chuyên gia nhận thấy thời điểm lịch sử trong những gì đang diễn ra - sự trở lại của ảnh hưởng quá vãng đối với toàn bộ khu vực.
«Nhìn chung, có cảm giác rằng các nước phương Đông đang trở lại với sự tự nhận thức của các nền văn minh thiên niên kỷ, và lần đầu tiên sau nhiều thập niên những trung tâm này đang thách đố tranh quyền bá chủ của phương Tây. Để so sánh, trong những sự kiện ở Nam Tư không hề có gì như vậy, còn bây giờ tiếng nói của các nước phương Đông đang vang lên đầy trọng lượng», - GS-TSKH Renat Karamurzov kết luận.