Quan hệ Việt-Mỹ đang nồng ấm nhưng chính Hoa Kỳ lại thích “chọc gậy bánh xe”

Với một quốc gia chỉ thích ngợi ca nhân quyền như Mỹ, việc đưa Việt Nam vào danh sách đen buôn người hay cáo buộc Hà Nội chưa nỗ lực để xử lý tình trạng tội phạm buôn người là không hề bất ngờ.
Sputnik
Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người sẽ chỉ gây tổn hại cho quan hệ Hà Nội – Washington.

Mỹ liệt Việt Nam vào danh sách đen buôn người

Như Sputnik đã thông tin, hôm 19 tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về tình hình buôn người năm 2022, trong đó liệt Việt Nam vào “danh sách đen” – bậc ba về buôn người.
Thực chất, báo cáo tình hình buôn người được Mỹ tổng hợp hàng năm theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ năm 2000 do Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền Washington trình lên Quốc hội thông qua. Trong báo cáo này có đánh giá, nhận xét và cả “quy kết” về công tác phòng chống nạn mua bán người (tội phạm mua bán người) của 188 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, qua đó Mỹ kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện nghiêm túc Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung.
Trong báo cáo hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Mỹ phàn nàn với Hà Nội vì Việt Nam đã không có hành động nào quyết đoán để xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia (Ả Rập Saudi) bị cáo buộc có liên quan đồng lõa đến hoạt động mua bán người với chính những công dân đồng bào mình. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng quan ngại trước việc Hà Nội dường như đã giảm các vụ truy tố, xét xử liên quan đến các vụ phạm tội mua bán người vào năm 2021. Trên thực tế, cho dù quan hệ giữa Hà Nội và Washington đang vô cùng nồng ấm, Việt Nam – Mỹ xích lại gần nhau hơn bao giờ hết trên nhiều phương diện, cấp độ, tuy nhiên, Hoa Kỳ chưa bao giờ “buông tha” cho các đối tác gần gũi hay cả đồng minh thân cận của mình về vấn đề buôn người hoặc nhân quyền.
Mỹ tin rằng, chỉ có gây áp lực như vậy mới có thể khiến các Chính phủ “phải hành động” để bảo vệ quyền con người. Ngoài Việt Nam, Mỹ cũng lên án Trung Quốc, Nga, Triều Tiên, Malaysia, Cuba, Afghanistan, Iran, Myanmar, Syria, Venezuela, Nam Sudan, Eritrea, Guinea-Bisau và Nicaragua vào danh sách này.
Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam
3 người Việt bị bắt vì buôn bán động vật hoang dã
Trung Quốc lên tiếng phản bác gay gắt cáo buộc về buôn người của Mỹ. Bắc Kinh cho rằng, Washington không có quyền chỉ trích nước khác vì chưa nỗ lực ngăn chặn thành công tệ nạn buôn người khi chính người Mỹ trong lịch sử của mình đã phân biệt chủng tộc.
“Bắc Kinh kiên quyết phản đối những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ đối với Trung Quốc dựa trên những lời nói dối và tin đồn không chính xác”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố và nhắc lại, Hoa Kỳ không có tư cách đưa ra các chỉ trích về nhân quyền nhằm bôi nhọ nước khác cũng như can thiệp vào công việc nội bộ.
Theo Bắc Kinh, chính người Mỹ đã phân biệt chủng tộc giữa những người da trắng – da đỏ - da đen và theo ông Uông, rất ít người bị buôn bán sang Mỹ chịu cưỡng bức được giải cứu.
“Điều mà Mỹ cần làm là nghiêm túc soi xét lại mình, sửa chữa những vi phạm nhân quyền về nạn diệt chủng, phân biệt chủng tộc và lao động cưỡng bức”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân gay gắt nói.

Việt Nam nói báo cáo của Mỹ “không đúng”

Không gay gắt như Bắc Kinh, tuy nhiên, đại diện chính quyền Việt Nam cũng đã đưa ra phản ứng tương thích của mình.
Theo đó, trả lời báo giới tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao hôm 21/7, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã bình luận về “Báo cáo nạn buôn người năm 2022” của Bộ Ngoại giao Mỹ và cho rằng, Hoa Kỳ có đánh giá không chính xác.
“Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Như đã nêu, trong báo cáo tình hình buôn người năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Việt Nam trong nhóm 3, tụt 18 bậc so với năm 2021 (năm 2021, đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 2) cùng với các nước như Brunei, Campuchia, Malaysia, Myanmar tại Đông Nam Á và một số nước khác như Trung Quốc, Cuba, Venezuela. Theo báo cáo của chính quyền Washington, những nước nằm trong nhóm 3 như Việt Nam có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Hoa Kỳ trong tương lai. Tuy vậy, trên thực tế, báo cáo này của giới chức Hoa Kỳ lại có những nhận xét không khách quan, không phản ánh những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người trong thời gian qua.

Việt Nam có tiến bộ rõ rệt

Trên tờ Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an Việt Nam lưu ý rằng, việc nhìn nhận, đánh giá một vấn đề cần phải dựa trên những thông tin xác thực, có các hoạt động kiểm chứng, khảo sát thực tế, nếu không sẽ đưa ra những nhận xét thiếu khách quan, phiến diện.
Đặc biệt, chính những báo cáo phiến diện, thiếu khách quan này, sẽ tác động không tốt đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời, gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Chưa hết, hệ lụy của những báo cáo không chính xác tương tự như thế này có thể còn tạo cớ để các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc về công cuộc phòng, chống tội phạm mua bán người ở Việt Nam nói riêng, công tác đảm bảo quyền con người nói chung mà Hà Nội nỗ lực suốt thời gian qua.
Pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng về tội phạm buôn người, việc phòng, chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời, Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mua bán người. Những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người thời gian qua là toàn diện, rõ nét và đạt được những tiến bộ nhất định.
Về phương diện pháp luật, tại Điều 150 và Điều 151, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ về tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi. Đặc biệt, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã quy định khung pháp lý quan trọng làm cơ sở cho công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Nghị định số 62/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ. Ngày 11/2/2019, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về “Tội mua bán người”; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/2/2020. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/12/2021 của Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là các phương án, kế hoạch, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm trong và sau dịch bệnh COVID-19.
Mỹ thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người là không có cơ sở
Hay như hôm 18/7 vừa qua, hướng đến ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người, liên Bộ Công an, Ngoại giao, Quốc phòng, Lao động, Thương binh và Xã hội đã cùng ký quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, tiến hành xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người. Cùng với đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, phát huy vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, hồi hương công dân Việt Nam là nạn nhân bị mua bán trở về nước.
Các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống mua bán người mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của LHQ.
Đồng thời, Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế, trong đó đề ra các giải pháp toàn diện và bao trùm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người di cư nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của thực trạng mua bán người.
Về hỗ trợ nạn nhân mua bán người, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, phối hợp liên ngành tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Việt Nam cũng lồng ghép chương trình phòng chống tội phạm mua bán người vào hệ thống các chương trình hoạt động chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ quyền trẻ em, quyền con người…

Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để chống mua bán người

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới hiện nay, tình trạng mua bán người còn rất phức tạp. Chống tệ nạn buôn người là công việc chung khó khăn, trở ngại, cần sự phối hợp lẫn nhau giữa các nước, tổ chức, khu vực.
Do đó, Việt Nam đã chủ trương tăng cường hợp tác với các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Số liệu từ Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho thấy, từ năm 2010-2020,Việt Nam đã điều tra, khám phá 4.116 vụ, khởi tố 6.012 bị can phạm tội mua bán người ra nước ngoài; trong số này có 419 vụ, 476 bị can mua bán trẻ em ra nước ngoài. Báo cáo từ các Tòa án nhân dân, kết quả xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự từ năm 2016 đến năm 2021 về tội mua bán người đã giải quyết là 450 vụ/506 vụ án đã thụ lý; tội mua bán người dưới 16 tuổi đã giải quyết là 190 vụ/225 vụ án thụ lý. Đây là những nỗ lực rõ nét của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với tội phạm buôn người.
Trước những cáo buộc phi lý được nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh rằng, Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ trong thời gian tới hợp tác chặt chẽ hơn nữa để có đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.
“Chúng tôi cũng sẵn sàng trao đổi với các nước, trong đó có cả Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về các vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người, buôn người “với sự tập trung cao độ” của tất cả các bộ, ngành, từ trung ương đến địa phương, theo đại diện Bộ Ngoại giao.
Thảo luận