Theo quyết định này, đường nhập khẩu từ tất cả các công ty sản xuất, xuất khẩu của Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, với mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%.
Biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày quyết định được ban hành cho đến ngày 15/6/2026, trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo các quyết định khác của Bộ Công thương.
Quyết định điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường mía nhập khẩu bắt nguồn từ việc Bộ ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT tháng 6/2021 áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức với mức thuế 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.
Kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đã có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua một số nước ASEAN, kim ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN (ngoại trừ Thái Lan) tăng mạnh dẫn đến tồn tại thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời, các chỉ số kinh tế cũng cho thấy hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm mía đường có xuất xứ từ Thái Lan hiện đang bị suy giảm do tác động của đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nói trên.