Tính chung 7 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 764 triệu USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng Bảy tăng 8,9%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 3,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,8%.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 chỉ đạt 30,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm 7,4% đã tác động đến kim ngạch chung.
Đáng chú ý, mức giảm xuất hiện ở hầu hết các mặt hàng nông sản, (trừ rau quả và cao su), trong đó giảm nhiều nhất là phân bón các loại (giảm 33,3%).
Tương tự, nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 7/2022 cũng chứng kiến mức giảm 7,2% so với tháng, chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 22,6%; sắt thép các loại giảm 23,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 15,4%.
Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như: Xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giầy dép các loại giảm 2,7%; dây điện và cáp điện giảm 2,3%; hàng dệt và may mặc chỉ tăng 0,4%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng này.
Tính trong 7 tháng, nhóm hàng công nghiệp chế biến thu về 185,8 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 116,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao (xuất khẩu dầu thô tăng 57,4%; xăng dầu tăng 53%; quặng và khoáng sản khác tăng 13,2%).
Như vậy, tính đến hết tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu đã vượt 200 tỷ USD (đạt 216,35 tỷ USD) và tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là điểm sáng trong tăng trưởng xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 66,7 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 30,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 30,42 tỷ USD, tăng 6,5%; EU ước đạt 27,67 tỷ USD, tăng 21,1%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, cả nước đã chi 215,59 tỷ USD, để nhập khẩu hàng hóa, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng vẫn là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 191,6 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 125,7%; dầu thô tăng 31,2; khí đốt hoá lỏng tăng 43,3%...
Với kết quả trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 764 triệu USD.
Theo Vietnam Plus, nhằm tạo đà cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, đặc biệt là khai thác tốt tại những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... bên cạnh các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.