Chuyên gia so sánh sự leo thang do chuyến thăm của bà Pelosi với khủng hoảng Caribe

Sự leo thang căng thẳng gây ra bởi chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi về nhiều mặt gợi nhớ đến cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 giữa Liên Xô và Hoa Kỳ.
Sputnik
Trong điều kiện hiện tại, các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung cần thể hiện cách tiếp cận có trách nhiệm, nhưng ngay bây giờ Bắc Kinh khó có thể đi tới giải quyết vấn đề Đài Loan bằng con đường vũ lực. Đó là nhận xét của Giáo sư Alexei Maslov Giám đốc Viện Các nước Á-Phi thuộc ĐHTH Quốc gia Matxcơva mang tên M.V. Lomonosov.

Liệu Trung Quốc có huy động vũ lực?

«Không ngẫu nhiên nếu nói rằng những gì đang diễn ra hiện nay rất giống với cuộc khủng hoảng Caribe, khi mà điều quan trọng là phải ngồi xuống nói chuyện tay đôi hoặc dùng điện đàm, thảo luận xem cả hai bên đã sẵn sàng chưa để hạ nhiệt tình hình toàn cầu, và điều đó sẽ rất nghiêm trọng đối với tất cả, các nước này dù sao vẫn phải gánh chịu trách nhiệm nhất định về số phận thế giới. Như vậy có thể giải quyết vấn đề trong khoảng thời gian dài, và bằng con đường hòa bình», - GS Maslov lưu ý tại hội thảo bàn tròn về quan hệ Trung-Mỹ, tổ chức tại trụ sở tập đoàn truyền thông «Rossiya Segodnya» trong bối cảnh chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan.

Theo quan điểm của chuyên gia, chính quyền Trung Quốc khó có thể dùng đến vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Hội thảo bàn tròn về quan hệ Trung-Mỹ, tổ chức tại trụ sở tập đoàn truyền thông «Rossiya Segodnya»

«Tôi nghĩ rằng phương án sau chót mà Trung Quốc tính đến là sử dụng vũ lực, tức là tấn công trực tiếp vào Đài Loan, nhưng phải hiểu rằng sắp tới sẽ có Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc, là sự kiện cực kỳ quan trọng... ban lãnh đạo của ông Tập Cận Bình cần giải thích cho người dân Trung Quốc gồm 90 triệu đảng viên về những sự kiện đang diễn ra và xu hướng phát triển tiếp theo sẽ như thế nào», - GS Maslov nói.

Chuyên gia nhắc rằng trong những năm gần đây, tình hình địa chính trị xung quanh Trung Quốc trở nên khá tồi tệ, bởi «Hoa Kỳ luôn cố gắng xây dựng củng cố liên minh chống Trung Quốc, và điều này làm xấu đi tình hình chung ở Trung Quốc cũng như ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương».

«Về thực chất chuyến công du của bà Pelosi đã chia tình hình thế giới hiện tại trên bình diện lịch sử thành «trước chuyến thăm» và «sau chuyến thăm», mà tựu trung sẽ chỉ đẩy nhanh việc sáp nhập Đài Loan. Nghĩa là Bắc Kinh đã thông qua quyết định chính trị, mà theo nhãn quan của tôi và ở nhiều khía cạnh, mọi thứ chỉ còn phụ thuộc vào thời điểm diễn ra sáp nhập», - chuyên gia kết luận.

Chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bay đến Đài Bắc vào chiều tối thứ Ba và sáng thứ Tư, bà đã hội kiến với nhân vật đứng đầu Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đến Đài Loan kể từ năm 1997. Sau cảnh báo của nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng «chơi với lửa có nguy cơ bị thiêu rụi», chính quyền Hoa Kỳ cam kết tôn trọng chính sách «một Trung Quốc» nhưng giữ khoảng cách về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện, tuyên bố rằng nữ chính khách cấp cao tự quyết định về chuyến công cán này. Hôm thứ Tư, bà Pelosi đã kết thúc chuyến thăm Đài Loan kéo dài 20 giờ của mình và bay khỏi hòn đảo.
Chuyên gia chỉ ra nguy cơ bùng phát xung đột khu vực sau chuyến thăm của Pelosi
CHND Trung Hoa coi đảo Đài Loan là một tỉnh của nước mình và luôn phản đối mọi cuộc tiếp xúc giữa đại diện Đài Bắc với các quan chức đương nhiệm, đặc biệt là các quan chức cấp cao hoặc các nhà quân sự từ các nước mà Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao. Trung Quốc sẽ không chừa chỗ cho hành động của các thế lực ủng hộ «nền độc lập» của Đài Loan, - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sáng nay để đáp lại chuyến thăm của nữ chính khách cấp cao Hoa Kỳ đến hòn đảo. Ông Vương cũng nói rằng việc thống nhất Đài Loan về Trung Quốc là tất yếu lịch sử, còn những toan tính sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại. Bắc Kinh kêu gọi Washington ngừng chơi con bài Đài Loan trong nỗ lực kiểm soát Trung Quốc.
Thảo luận