Biển Đông

Việt Nam và ASEAN bàn về Biển Đông, bà Pelosi thăm Đài Loan: Tránh tính toán sai lầm

Trong tuyên bố chung được đưa ra, các ngoại trưởng ASEAN đã kêu gọi các bên liên quan nỗ lực làm ổn định tình hình xoay quanh những căng thẳng ở eo biển Đài Loan.
Sputnik
Động thái trên được đưa ra sau khi Trung Quốc có một loạt các hành động quân sự tại khu vực này, sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhắc ASEAN kiên trì lập trường về Biển Đông, sớm thúc đẩy đàm phán COC.

ASEAN bàn về Biển Đông, Myanmar, Đài Loan, Ukraina

Sáng 3/8, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 55 ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Cũng tại sự kiện này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đến chào xã giao Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Hội nghị diễn ra trên tinh thần “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”, các nước cam kết nỗ lực triển các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025.
Tại sự kiện, các đại biểu cùng nhau thảo luận về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác hàng hải, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng… Các bên nhất trí rằng, ASEAN cần phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, hành động thống nhất và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành ngoại giao các nước ASEAN nhấn mạnh hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, củng cố hệ thống y tế. Bên cạnh đó, cần nỗ lực kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng.
Về đối ngoại, các ngoại trưởng khẳng định, ASEAN cần có cách tiếp cận cân bằng, có tiếng nói chung, phát huy hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đề cao đối thoại, thúc đẩy tin cậy và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Myanmar, đồng thời hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch ASEAN và Đặc phái viên của Chủ tịch trong hỗ trợ thực hiện Đồng thuận 5 điểm.
Multimedia
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Campuchia
Ngoại trưởng các nước đã dành thời gian trao đổi để về các giải pháp nhằm giúp ASEAN tham gia hiệu quả hơn nữa, góp phần xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại ở Myanmar.
Các đại biểu cũng thảo luận về những vấn đề đang nổi lên tại khu vực, đặc biệt là những diễn biến mới trên Biển Đông, trong sự cạnh tranh nước lớn, về xung đột Ukraina và tình hình bán đảo Triều Tiên.
Các nước tham dự kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh mọi hành động gây phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tinh thần và nguyên tắc các văn kiện chung như Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982…
Tại hội nghị, các ngoại trưởng ASEAN đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện mở rộng TAC cho Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar.

Việt Nam kêu gọi ASEAN kiên trì lập trường về Biển Đông

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chia sẻ nhận định về duy trì đoàn kết và cân bằng của ASEAN, nhất là vai trò “trung gian thực tâm”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam khuyến khích các nước kiên trì lập trường chung về Biển Đông, phấn đấu duy trì môi trường thuận lợi cho Bộ Quy tắc Ứng xử COC hiệu lực và hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.
Bộ trưởng cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó bao gồm vấn đề xung đột tại Ukraina, cạnh tranh nước lớn và tình hình Myanmar.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta, Bộ trưởng Thương mại quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và xúc tiến xuất khẩu Canada Mary Ng và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Amanda Milling. Các bên đã trao đổi thúc đẩy hợp tác và phối hợp lập trường tại các hội nghị.
Làm việc với phái đoàn New Zealand, hai bộ trưởng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, triển khai các cơ chế thường niên; đưa hợp tác kinh tế đạt tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược. Bên cạnh đó, nhất trí khôi phục các lĩnh vực hợp tác như giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19...
Bộ trưởng Nanaia Mahuta nhấn mạnh, New Zealand sẽ duy trì ODA và các suất học bổng cho Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác tại khu vực sông Mekong.
Với đoàn Canada, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn nước này hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, viện trợ phát triển và chào đón các doanh nghiệp Canada tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Hai bên cũng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất trí triển khai nhiều biện pháp như tăng cường tiếp xúc cấp cao, triển khai các cơ chế đối thoại song phương, tận dụng hiệu quả Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP).
Làm việc với phái đoàn Vương quốc Anh, hai bên đã nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, đẩy mạnh hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư, triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA), hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ vào năm 2023.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Vương quốc Anh ủng hộ Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Nhóm G7, hỗ trợ Việt Nam về tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị;
Bộ trưởng cũng mong muốn các doanh nghiệp Anh sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam.
Về phần mình, bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh, nhất trí đây sẽ là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong thời gian tới.

ASEAN kêu gọi kiềm chế về vấn đề Đài Loan sau chuyến thăm của Pelosi

Cũng tại buổi khai mạc AMM-55, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề căng thẳng quanh eo biển Đài Loan.
"Tình hình có thể dẫn đến tính toán sai lầm, đối đầu nghiêm trọng, xung đột mở và hậu quả khó lường giữa các cường quốc", tuyên bố chung của ASEAN có đoạn.
Việt Nam-Campuchia nỗ lực củng cố đoàn kết và thống nhất trong ASEAN
Cùng tham gia các cuộc họp với ASEAN, ông Josep Borrell, quan chức cấp cao EU phụ trách đối ngoại, đã lên án phản ứng của Trung Quốc.
"Không có lý do gì để lấy chuyến thăm (của bà Pelosi đến Đài Loan) làm lý do cho hoạt động quân sự gây hấn ở eo biển Đài Loan. Các nhà lập pháp từ các nước chúng tôi đi công du là bình thường và thường xuyên", ông Borrell phát biểu.
Thứ trưởng ngoại giao Campuchia kiêm người phát ngôn ASEAN Kung Phoak đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan nỗ lực làm ổn định tình hình.
"Chúng tôi hy vọng tình hình ở eo biển Đài Loan sẽ giảm leo thang và bình thường trở lại", ông Kung Phoak nhấn mạnh.
Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan cũng lên tiếng kêu gọi các bên "cẩn thận" và cảnh báo bất cứ hành động nào cũng có thể làm gia tăng căng thẳng.
Cũng tại phiên khai mạc AMM-55, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng tình hình khu vực và quốc tế ngày càng khó lường, thách thức ngày càng gia tăng từ tác động của Covid-19 đến đối đầu giữa các nước lớn, từ nguy cơ chạy đua vũ trang tới diễn biến phức tạp tại Myanmar và Ukraina.
Một số quốc gia ở ASEAN có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, như Myanmar, Campuchia hay Lào. Trong khi đó, một số quốc gia khác có quan điểm cảnh giác hơn với Bắc Kinh.
Cho đến nay, không có quốc gia ASEAN nào chính thức công nhận Đài Loan hay bày tỏ ủng hộ Đài Loan trước Trung Quốc.
Như Sputnik thông tin, ngày 3/8, Trung Quốc đã thông báo tập trận lớn ở 6 khu vực quanh đảo Đài Loan, bắt đầu từ 12h ngày 4/8. Đây được cho là phản ứng của Bắc Kinh trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Hoạt động này có thể là đợt tập trận lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc quanh đảo Đài Loan.
Thảo luận