Mỹ đang ám chỉ thép Việt Nam là hàng Trung Quốc “trá hình”?

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế đối với ống thép Việt Nam.
Sputnik
Hoa Kỳ nghi ngờ thép nhập khẩu từ Việt Nam về bản chất là “hàng Trung Quốc” trá hình với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm tránh bị đánh thuế hay áp lệnh trừng phạt.
Theo DOC, nguyên đơn cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, ngoài Mỹ, Mexico cũng đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.

Mỹ khởi xướng điều tra thép Việt Nam

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, ngày 29 tháng 7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam.
Hoa Kỳ nghi ngờ Việt Nam nhập thép từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ
Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cũng xác nhận vụ việc Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với ống thép Việt Nam.
Trên thực tế, như Sputnik đã từng thông tin, rằng, các phàn nàn về phòng vệ thương mại hay các vụ kiện thương mại liên quan đến sản phẩm thép Việt bắt nguồn từ việc chính quyền Mỹ nghi ngờ Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ về rồi chỉ “hô biến” bằng hình thức “gia công đơn giản” thành ống thép và xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế cao.
Trước đó, hôm 11/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã thông tin về việc Mỹ tiếp tục gia hạn điều tra ống thép của Việt Nam. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đồng ý gia hạn điều tra được kép dài đến ngày 28 tháng 7 năm 2022. Thời hạn mới được DOC tính là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ thông tin bổ sung của nguyên đơn (ngày 28/6/2022).

Thép Việt có phải hàng Trung Quốc “trá hình”?

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, kinh tế, thương chiến Mỹ - Trung chưa có hồi kết kể từ thời cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, chính quyền Washington tỏ ra vô cùng nhạy cảm trước những trò “gian lận xuất xứ”, nguồn gốc hàng hóa – tức hàng Trung Quốc “đội lốt”, “trá hình” hàng hóa nước khác để tìm đường vào Mỹ mà không bị áp thuế cao.
Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ đã nhận đơn đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép Việt Nam.
Trước đó, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá ống thép dạng vuông/chữ nhật và ống thép carbon dạng tròn có đường hàn, nhập từ Trung Quốc với mức lần lượt là hơn 69-86% và 249-265%, áp thuế chống trợ cấp là 30-616% và 2,2-201% từ năm 2008.
Nga-Ukraina và Trung Quốc: điều gì khiến giá thép Việt Nam tăng cao sát đỉnh lịch sử?
Riêng với Hàn Quốc, mức thuế chống bán phá giá ống thép carbon dạng tròn được Mỹ áp là 4,91-11,63% từ 1992.
Đối với vụ việc trên của thép Việt, nguyên đơn trong vụ việc này gồm các doanh nghiệp sản xuất ống thép lớn tại Mỹ (như Nucor Corporation, Bull Moose Tube, Maruichi Steel Corporation…) cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) - vốn là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Doanh nghiệp và nhà chức trách Hoa Kỳ cho rằng, số cán thép nóng này sau đó lại được gia công, “chế biến đơn giản” thành ống thép và xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Bộ Công Thương khuyến cáo

Theo quy định pháp luật của Mỹ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Mỹ.
Đồng thời, theo Cục Phòng vệ Thương mại Bộ Công Thương, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ống thép liên quan tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ.
“Thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc”, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.
Ngoài Mỹ, Mexico cũng bắt đầu khởi xướng điều tra thép Việt Nam. Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế Mexico đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Bộ Công Thương: Đã đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu trong nước
Sản phẩm bị nhà chức trách Mexico cáo buộc điều tra chống bán phá giá là các sản phẩm thép cán nguội có mã HS: 7209.16.01, 7209.17.01, 7209.18.01, 7209.26.01, 7209.27.01, 7209.28.01, 7209.90.99, 7211.23.03, 7211.29.99, 7211.90.99, 7225.50.07, và 7226.92.06.
Sau khi chính thức khởi xướng vụ việc, Cơ quan điều tra đã gửi Bản câu hỏi điều tra tới các doanh nghiệp bị nêu tên trong đơn kiện. Thời hạn trả lời là 6/9/2022 (có thể được gia hạn).
“Việc trả lời bản câu hỏi là bắt buộc, nếu các doanh nghiệp không muốn bị áp dụng mức thuế bất hợp tác ở mức cao”, Bộ Công Thương lưu ý.
Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, các tài liệu do Cơ quan điều tra Mexico gửi bằng tiếng Tây Ban Nha và các tài liệu do các bên nộp cho Cơ quan điều tra cũng phải được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định hiện hành.
Dự kiến, cơ quan điều tra Mexico sẽ ra kết luận sơ bộ trong vòng 130 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan chủ động rà soát các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm thép cán nguội liên quan sang Mexico, nghiên cứu, tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục điều tra CBPG của nước này.
“Hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra của Mexico và trao đổi thông tin với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Dệt may Việt Nam: Vì sao đơn hàng nhiều nhưng vẫn lo?

Vì sao Mỹ thường xuyên nhắm vào hàng Việt Nam?

Thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho thấy, trong năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm bị đề nghị điều tra của Việt Nam sang Mỹ khoảng 57,6 triệu USD.
Theo ITC, tính đến hết năm 2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 208 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 161 vụ, chiếm tỷ lệ 77%.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã từng đề cập nhiều đến vấn đề này và kêu gọi các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, cảnh giác, trang bị đầy đủ kỹ năng chống các biện pháp phòng vệ thương mại. Thực tế, Hoa Kỳ là quốc gia có số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam với 41 vụ, Ấn Độ là 28 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 24 vụ, Canada 18 vụ, Indonesia 11 vụ, Malaysia 10 vụ, Thái Lan 8 vụ.
Bộ Công Thương cũng nêu một trong những nguyên nhân khiến Mỹ điều tra nhiều sản phẩm của Việt Nam là do mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam với thế giới.
Thảo luận