Được Mỹ tài trợ 14,2 triệu USD: Đại học Việt Nam vẫn kêu khó

HÀ NỘI (Sputnik) - Ngày 1.8, Mỹ chính thức khởi động dự án hợp tác kéo Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (ĐH) dài 5 năm với 3 trường ĐH lớn của Việt Nam, với ngân sách 14,2 triệu USD. Tuy nhiên, theo các ĐH hưởng lợi từ dự án, mục tiêu của dự án là 'khó nhằn' bởi mô hình ĐH Việt Nam quá khác với Mỹ.
Sputnik
Dự án PHER kéo dài trong 5 năm, từ 2022-2026. Trong 5 năm đó, ĐH Indiana của Mỹ sẽ giúp 3 ĐH hàng đầu Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực quản trị, để 3 ĐH trở thành các hình mẫu của nền giáo dục ĐH hiện đại tại Việt Nam.
Theo đó, 3 ĐH hưởng lợi từ dự án gồm: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Đà Nẵng. Ước tính có khoảng hơn 200.000 sinh viên được hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án PHER.
Dự án sẽ hỗ trợ để các ĐH đối tác đạt được 3 mục tiêu: tăng cường bền vững tài chính và tự chủ; cải thiện chất lượng giáo dục và nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Các hoạt động chính của dự án sẽ giúp tăng cường năng lực quản trị và hệ thống tài chính tại các trường, hỗ trợ đào tạo giảng viên về thiết kế các khóa học hiện đại, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn và các cơ chế khuyến khích hợp tác mạnh mẽ giữa các trường ĐH và khu vực tư nhân.
Vừa hoàn thành lộ trình tăng học phí, Bộ Giáo dục lại đề xuất miễn học phí
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đây là cơ hội không chỉ cho 3 ĐH hưởng lợi dự án, mà còn giúp lan tỏa những kinh nghiệm trong triển khai đổi mới giáo dục ĐH cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với báo Thanh Niên, PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nếu trong quá trình triển khai dự án, phía Mỹ áp nguyên mô hình của ĐH Indiana để các ĐH Việt Nam học hỏi thì dự án rất khó thực hiện do có sự khác biệt rất lớn về hệ thống của 2 nền ĐH.
“Chúng ta có một hợp phần về tự chủ và quản trị ĐH, nhưng chúng ta lại có sự khác biệt về vấn đề này. Ví dụ, về công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, Việt Nam khác với Mỹ. Tôi là giám đốc ĐH quốc gia nên hằng ngày vẫn phải ký các hợp đồng liên quan tới đấu thầu thiết bị, các hợp đồng tài chính. Tôi cần tìm một người có năng lực, có chuyên môn, tư vấn giúp tôi việc này; nhưng người đó phải thỏa mãn các điều kiện khác. Thế thì không dễ chút nào!”, PGS Vũ Hải Quân nêu vấn đề.
PGS Vũ Hải Quân cũng đưa ra một số ví dụ khác cho thấy về quản trị ĐH có sự khác biệt giữa 2 hệ thống giáo dục ĐH nên không dễ gì Việt Nam học được Mỹ.
Chẳng hạn ở Mỹ, ĐH tự bổ nhiệm GS, PGS cho mình là bình thường; còn ĐH Việt Nam phải đi theo đủ quy trình của Hội đồng GS Nhà nước là phải qua 4 cấp hội đồng thì mới có thể bổ nhiệm GS, PGS.
Ngoài ra, các ĐH Việt Nam cũng không có khoản ngân sách dành riêng cho chuyển đổi số. Muốn có thì phải xây dựng đề án, nhưng khi vận hành thì cũng không có khoản kinh phí cụ thể cho việc này.
Vụ thí sinh ngủ quên bị 0 điểm: Giám thị có thể linh động?
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, các thầy cô đều phải đảm nhiệm một khối lượng công việc giảng dạy rất lớn. Có những thầy cô suốt cả tuần phải dạy, dạy cả sáng, cả chiều, thậm chí phải đi đến các cơ sở khác để dạy. Nguồn thu nhập chính của các thầy cô là từ giảng dạy. Nên khi được yêu cầu đổi mới giảng dạy, đa phần các thầy cô e ngại, vì khối lượng công việc nhiều hơn mà lại có nguy cơ giảm thu nhập.
Bên cạnh đó, đa phần các ĐH Việt Nam đều không có kinh phí để cho sinh viên học sau ĐH, người học phải đóng phí và không có học bổng, nên tỷ lệ học sau ĐH hiện nay rất ít. Các ĐH cũng không có chính sách chung để có những người chuyên làm nghiên cứu. Đa phần thầy cô vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, nhưng phần giảng dạy quá lớn như đã nói ở trên nên ít thời gian dành cho nghiên cứu. Đó là lý do tại sao năng suất nghiên cứu của giáo viên ĐH ở Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng chung.
“Có rất nhiều khác biệt. Nếu chúng ta không có chung nhận thức về sự khác biệt này thì sẽ rất khó đi cùng nhau. Chúng ta có thể học được từ ĐH Indiana nhiều bài học về quản trị, nhưng khi đưa vào Việt Nam thì không áp dụng được”, PGS Vũ Hải Quân nói.
Vì vậy, thông qua dự án này, lãnh đạo của các trường ĐH cũng mong muốn có những tác động tới chính sách để làm thế nào cả xã hội cũng như Chính phủ có sự quan tâm tới giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH.
Thảo luận