Theo đó, đây là mức điều chỉnh tăng thêm so với đề xuất trước đó là 8%.
Bộ Tài chính cho biết so với nhiều nước, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40 - 55% đối với xăng và 35 - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn).
Vì vậy, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tỉ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.
Đánh giá tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết hiện mặt hàng xăng của Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn so với mức thuế MFN.
Điều này đồng nghĩa, việc giảm thuế không khuyến khích cho doanh nghiệp mở rộng nhập khẩu từ thị trường MFN để hưởng ưu đãi, nhưng đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác.
Theo thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%). Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.
Có thể thấy với tỉ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay rất thấp, nên việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.