Bộ Y tế có văn bản gửi Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Việt Nam chưa tuyên bố hết dịch Covid-19, đồng thời, chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành.
WHO: Việt Nam là một trong 4 nước có số ca Covid cao nhất tuần qua
Lần đầu tiên sau nhiều tháng, theo báo cáo của WHO, Việt Nam bị xếp vào nhóm quốc gia có ca mắc mới coronavirus cao nhất thế giới trong tuần qua.
Cụ thể, ở cấp độ quốc gia, Việt Nam có số ca mắc mới hàng tuần tới hơn 571.000 ca, chỉ xếp sau Nhật Bản (1,4 triệu ca), Mỹ (gần 760.000 ca) và Hàn Quốc (hơn 713.000 ca).
Như vậy, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước có số ca mắc mới cao nhất toàn cầu. Dù vậy, Việt Nam không nằm trong danh sách các nước có số ca tử vong cao nhất tuần. Những nước ghi nhận nhiều ca tử vong do Covid-19 nhất bao gồm Mỹ (hơn 2.700 ca), Brazil (hơn 1.400 ca), Nhật Bản (1.002 ca) và Tây Ban Nha (654 ca).
Xét riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ ba về số ca mắc mới, sau Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng cũng không nằm trong số các nước có số ca tử vong cao nhất. Ở khu vực này, những nước có số ca tử vong cao nhất là Nhật Bản, Australia và Trung Quốc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, số ca mắc tại Việt Nam tăng cao có một phần nguyên do là từ các báo cáo bổ sung của một số tỉnh từ trước đó (trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến nay). Số liệu của Bộ Y tế ghi nhận, trong tuần qua, Sở Y tế Hải Phòng đăng ký bổ sung 402.830 ca, Thái Nguyên bổ sung 152.485 ca. Số ca mắc trên cả nước trong 7 ngày trở lại đây vào khoảng 2.000 ca/ngày.
Số ca mắc mới cao gấp 3 lần
Trong hôm nay ngày 11/8, bản tin cập nhật của Bộ Y tế cho biết, số ca nhiễm mới đã tăng vọt trở lại, lên mức 6.775 ca, cao gấp ba so mức bình quân tuần trước.
Trên thực tế, số ca ghi nhận trong ngày là hơn 2.300 ca, có tăng so với ngày trước (hơn 2.000 ca). Tuy nhiên, số ca bất ngờ tăng mạnh là do Nghệ An báo cáo bổ sung 4.408 ca trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh, sau khi triển khai rà soát thông tin. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, cần phải thận trọng khi diễn giải và báo cáo xu hướng tử vong do Covid-19 ở thời điểm hiện tại.
“Nhiều quốc gia đang dần thay đổi chiến lược xét nghiệm. Khi số lượng xét nghiệm tổng thể thấp hơn, số ca nhiễm được ghi nhận cũng thấp hơn so với thực tế”, - WHO cho biết.
WHO lưu ý, BA.5 vẫn là biến chủng chủ đạo trong làn sóng lây nhiễm mới, theo WHO. Các biến chủng phụ khác như BA.4, BA.2 đã giảm về tỷ lệ lưu hành. Trong khi đó, biến chủng BA.5 lại ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều đột biến bổ sung.
Đồng thời, WHO khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi mọi biến chủng mới phát sinh, bao gồm cả những biến chủng nguy hiểm để cảnh báo xu hướng lây nhiễm toàn cầu cũng như những thay đổi của virus SARS-CoV-2.
Việt Nam chưa tuyên bố hết Covid-19
Trong văn bản trình Chính phủ, Bộ Y tế nêu rõ, trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc, hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11.000 ca tử vong (0,1%). Bộ này cũng lưu ý, trên thế giới, hiện các biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh và các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa. Đặc biệt, biến thể BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
“Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng... đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính”, - Bộ Y tế lưu ý.
Do đó, Bộ Y tế đề xuất vẫn nên coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch.
“Hiện nay WHO vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là tình trạng đại dịch trên toàn cầu. Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, việc duy trì công bố dịch COVID-19 như hiện nay đảm bảo được sự quan tâm và huy động nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch”, - Bộ này khẳng định.
Bộ Y tế lưu ý, cần cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Đồng thời Bộ Y tế cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình để có điều chỉnh phù hợp và không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.
Việt Nam chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành
Lý giải bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc có tỉ lệ mắc bệnh (hiện mắc/mới mắc) tương đối cao trong một khu vực địa lý hoặc trong một quần thể nhất định.
Cụ thể, theo Bộ Y tế, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể: có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỉ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Trong khi đó, đối với dịch Covid-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới. Các biển thể mới liên tục xuất hiện, miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
“Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên số ca mắc đã có xu hướng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị”, - Bộ Y tế nhận định và cho hay, Việt Nam cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Bộ cũng đề ra phương án ứng phó với các kịch bản dịch bệnh Covid-19 năm 2022-2023 theo hai tình huống. Thứ nhất, Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Trong khi đó, tình huống thứ hai là khi xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
“Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong”, - Bộ Y tế khẳng định.