Đại dịch COVID-19

Việt Nam có nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" trong khi vaccine vẫn ở giai đoạn thử nghiệm

HÀ NỘI (Sputnik) - Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trong thời gian 5 loại vaccine vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
Sputnik
Theo Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm nay, thế giới ghi nhận hơn 291 triệu ca mắc Covid-19 mới, đưa tổng số ca mắc vượt 582 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến chủng Omicron và các biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1.
Đặc biệt Việt Nam đã ghi nhận các biến thể phụ BA.4, BA.5 và đang dần chiếm ưu thế tại các tỉnh phía Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Bên cạnh đó, số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Theo thống kê, trong nước, 7 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11.000 ca tử vong (0,1%).
Riêng trong tháng 7.2022, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới, 6 ca tử vong; số mắc mới trung bình 1.000 ca mắc mỗi ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 2 ca, tỷ lệ tử vong/mắc là 0,02% (trung bình thế giới là xấp xỉ 1,2%).
Multimedia
Lò thiêu quá tải: ở Ấn Độ, thiêu xác những người chết vì COVID hàng loạt trên giàn hỏa táng
Trước tình hình dịch bệnh trên, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Trong tờ trình, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đồng thời, bộ đưa ra hai tình huống ứng phó dịch COVID-19 năm 2022-2023.
Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.
Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; cách ly/ theo dõi sức khỏe; khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.
Người đứng đầu WHO cho biết châu Âu có nguy cơ cao bùng phát bệnh đậu mùa khỉ

Tiến độ nghiên cứu 5 loại vaccine của Việt Nam

Theo TTXVN, tính đến thời điểm tháng 8/2022 cả 5 loại vaccine của Việt Nam đều vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm.
1. Vaccine Nanocovax: Đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Sau khi nhận đủ hồ sơ báo cáo cập nhật kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Hội đồng Đạo đức Quốc gia sẽ tổ chức họp thẩm định. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thông báo để Nhà tài trợ và Tổ chức nhận thử hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép.
2. Vaccine Covivac: Ngày 20/4/2022, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp thẩm định đề cương nghiên cứu giai đoạn 3. Hội đồng đã xem xét hồ sơ, đề cương và có Giấy chứng nhận chấp thuận đề cương nghiên cứu.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các đơn vị để khi điều kiện phù hợp có khuyến cáo về hướng đi tiếp theo đối với ứng viên vaccine Covivac.
Đại dịch COVID-19
Biến thể phụ BA.5 lây lan nhanh, vaccine mũi 4 vẫn có tác dụng
3. Vaccine ARCT-154: Ngày 20/4/2022, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp đánh giá báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn I/II/IIIa/IIIb.
Tổ chức nhận thử và nhóm nghiên cứu đã tiếp thu hoàn thiện hồ sơ báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I/II/IIIa/IIIb vaccine ARCT-154 phiên bản 5.0 ngày 09/5/2022 và đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia chấp thuận bằng giấy chứng nhận.
Bộ Y tế đang tiếp tục tổng hợp các tài liệu để xem xét, cấp phép lưu hành vaccine ARCT-154 theo quy định.
4. Vaccine COVID-19 HIPRA: Đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho 256 người tình nguyện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn IIb với 2 liều cơ bản, dữ liệu nghiên cứu, mẫu bệnh phẩm nghiên cứu đã được chuyển về Tây Ban Nha để phân tích kết quả. Hoạt động nghiên cứu tại Việt Nam vẫn đang được triển khai theo đúng đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt.
5. Vaccine S-268019 của Shionogi: Nghiên cứu đã triển khai giai đoạn III tại 15 tỉnh. Số lượng người tham gia nghiên cứu đã tiêm mũi 1 là 9.870 người, đã tiêm mũi 2 là 9.090 người.
Tổ chức nhận thử nghiệm gồm Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Nghiên cứu đang được triển khai theo đúng tiến độ, nội dung của đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt và sẽ kết thúc vào tháng 12/2023.
Thảo luận