Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở kịch bản tăng trưởng thấp, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2030 sẽ đạt hơn 7.000 USD/người, tương đương GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2020, của Trung Quốc năm 2013, thấp hơn của Malaysia năm 2010 đến gần 2.000 USD.
GDP bình quân đầu người Việt Nam đang ở đâu so với các nước khu vực?
Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ nhưng làm sao để tránh bị tụt hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới? Khi nào GDP bình quân đầu người Việt Nam theo kịp các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia?
Từ 1995 – 2021, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng từ 277 USD (năm 1995) lên 3.743 USD năm 2021. Sau hơn 26 năm, GDP bình quân của Việt Nam đã tăng 14 lần, nhưng vẫn còn khoảng cách rất xa đối với các nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Cụ thể, cũng trong năm ngoái 2021, GDP bình quân của Việt Nam xếp thứ 6/10 các quốc gia ở Đông Nam Á nhưng vẫn thấp hơn nhiều lần so với Singapore (16 lần), Brunei (8 lần), Malaysia (3 lần), Thái Lan (2 lần) và Indonesia (1,2 lần).
Hay như năm 2020, GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt 3.561 USD, dự báo đến 2030 sẽ đạt 7.000 - 7.500 USD, tương đương GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2019 và thậm chí mới chỉ theo kịp của Malaysia năm 2007 (7,243.46 USD).
Tại hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, do Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng khá ấn tượng từ mức 1.562 USD lên 3.561 USD, tăng thêm 1.999 USD.
Trong giai đoạn 10 năm này, GDP bình quân đầu người của Thái Lan tăng thêm 2.113 USD, Malaysia tăng thêm 1.361 USD, Indonesia tăng thêm 747 USD, Philippines tăng thêm 1.081 USD, Singapore tăng thêm tới 12.561 USD hay như người láng giềng phía Bắc của Việt Nam là Trung Quốc cũng tăng thêm 5.950 USD (cần lưu ý Cộng hoa Nhân dân Trung Hoa là nước đông dân nhất thế giới, với hơn 1,3 tỷ người). Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, so với các quốc gia ngay trong khu vực (trừ Lào, Campuchia, Myanmar..), GDP bình quân đầu người của Việt Nam có điểm xuất phát khá thấp.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2010 GDP bình quân đầu người của Việt Nam được ghi nhận ở mức 1.562 USD. Trong khi GDP bình quân đầu người năm 2010 của Thái Lan 5.076 USD, Malaysia 9.041 USD, Singapore 47.237 USD, Indonesia 3.112 USD, Philippines 2.217 USD, Trung Quốc 4.550 USD. Như vậy, GDP bình quân đầu người Việt Nam khi đó thua Singapore tới 30,2 lần, Malaysia 5,7 lần, Thái Lan 3,2 lần và Trung Quốc vào khoảng 2,9 lần.
Thực tế, nhờ nỗ lực đổi mới, cải cách, phát triển kinh tế, Việt Nam đang đi đúng hướng. Cụ thể, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 đạt 3.561 USD, đã vượt mức GDP bình quân đầu người của Philippines, 3.229 USD, và gần đuổi kịp GDP bình quân đầu người của Indonesia 3.870 USD.
Mặc dù vậy, cùng thời điểm năm 2020 GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thua xa GDP bình quân đầu người của Thái Lan (đạt 7.189 USD, tức 2 lần), Malaysia (10.402 USD, 2, 9 lần), Trung Quốc (10.500 USD, xấp xỉ gần 3 lần), Singapore (59.798 USD, 16,7 lần).
Các kịch bản GDP bình quân đầu người của Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo mới đây về dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố 3 kịch bản thu nhập bình quân vào năm 2030 và năm 2050 của Việt Nam.
Theo ông Trần Hồng Quang, năm 2030, dân số Việt Nam được dự báo vào khoảng 105 triệu người, đến năm 2050 tăng lên 115 triệu người.
Kịch bản đầu tiên (Phương án 1), với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế Việt Nam khoảng 6,34%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người của đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030. Nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm.
Kịch bản thứ hai (Phương án 2), với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,05%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030. Tiếp đó, trong giai đoạn 2031-2050, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nền kinh tế đạt 7,3%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD. Trong giai đoạn 2031-2050, nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của nền kinh tế chỉ đạt 6,7% thì GDP bình quân đầu người của cả nước vào năm 2050 sẽ đạt 27.000 USD.
Cũng theo dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong giai đoạn từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia như tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tứ giác động lực TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Về mục tiêu lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS. Quang cho biết, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững. Trong đó, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong khi đó, dự thảo báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu hai kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Bộ KH&ĐT, đầu tiên - kịch bản tăng trưởng thấp, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,26%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và đạt bình quân 6,34%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,30%/năm. Giai đoạn 2031 - 2050 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,49%/năm. Theo đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2030 sẽ đạt hơn 7.000 USD/người, tức mức này chỉ tương đương GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2020, của Trung Quốc năm 2013, thấp hơn của Malaysia năm 2010 đến gần 2.000 USD.
Cũng theo kịch bản tăng trưởng thấp thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam thua Malaysia khoảng 20 năm, thua Thái Lan khoảng 10 năm. Bên cạnh đó, kịch bản này của Bộ KH&ĐT cũng đưa ra dự báo đến năm 2040 GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 13.000 USD/người và đạt khoảng 25.000 USD/người đến năm 2050.
Trong khi đó, tiếp theo - ở kịch bản phấn đấu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước định rằng, trong bối cảnh thế giới thuận lợi, các vấn đề hạn chế nội tại của nền kinh tế được khắc phục, đà cải cách được duy trì và thúc đẩy thì tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 6,63%/năm, đạt bình quân 7,48%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030, GDP tăng trưởng bình quân 7,05%/năm, giai đoạn 2031-2050 GDP tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm.
Và với kịch bản 2, dự báo đến năm 2030 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 7.500 USD/người, đến năm 2040 đạt hơn 14.500 USD/người, và năm 2050 đạt khoảng 32.000 USD/người.
Nhà chức trách cũng nhấn mạnh, với cả hai kịch bản tăng trưởng này thì đến năm 2040 Việt Nam sẽ lọt vào nhóm các nước có thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới - nhóm các nước có thu nhập cao có GDP bình quân đầu người lớn hơn hoặc bằng 12.376 USD/năm, theo công bố của WB năm 2021.
Thoát bẫy thu nhập trung bình
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng thẳng thắn đánh giá rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa. Do đó, nếu không cải cách, tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Nguy cơ Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về năng suất so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí có nguy cơ khó thoát bẫy thu nhập trung bình.
Để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, Việt Nam phải dựa vào khả năng tự lực, tự cường của chính mình, đến từ khối các doanh nghiệp trong nước, tự làm chủ nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.
Trong khi đó, các chuyên gia của WB thì khuyến nghị Việt Nam nên thực hiện các giải pháp quan trọng như thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học vì Việt Nam cần có một lực lượng lao động với năng lực tốt hơn chứ không thể dựa mãi vào nguồn nhân công giá rẻ.
Việt Nam cần đặc biệt tập trung vào công nghệ mới, sáng tạo, xóa bỏ các rào cản thiên vị giữa doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân để cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh, đồng thời, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc như dịch bệnh, xung đột, khủng hoảng và ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt mức tăng trưởng bền vững.