Theo các chuyên gia, Vịnh Cam Ranh, Vịnh Nha Trang có nhiều điểm tương đồng với Vịnh San Francisco nơi có thung lũng Silicon Valley của Hoa Kỳ, do đó, Việt Nam cần có thêm cơ chế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, những “ông lớn”, “kỳ lân” công nghệ hàng đầu thế giới về Vịnh Cam Ranh nếu muốn biến cảng nước sâu này thành ‘Silicon Valley của Việt Nam’.
...Vịnh Cam Ranh có thể thành thung lũng Silicon Valley của Việt Nam?
Chủ đề đưa Vịnh Cam Ranh – vốn nổi tiếng với vai trò quân cảng nước sâu chiến lược của Việt Nam thành “thung lũng Silicon Valley” tập trung phát triển công nghệ cao và quy tụ “những bộ óc thiên tài thế giới” của quốc gia Đông Nam Á đang thu hút được sự chú ý của dư luận.
Kế hoạch và kỳ vọng đưa Vịnh Cam Ranh thành thung lũng Silicon Valley Việt Nam được thảo luận sôi nổi hơn nhất là sau kế hoạch xây dựng Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Cam Lâm của Vingroup và sự kiện chương trình Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022.
Phát biểu tại chương trình Techfest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022 do UBND tỉnh Khánh Hoà phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, thời gian tới, Việt Nam cần có những cơ chế để thu hút lực lượng tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước. Cục trưởng Phạm Hồng Quất cho biết, cũng từ đó, những "kỳ lân" công nghệ trong tương lai của Việt Nam sẽ tăng lên.
“Hiện, những doanh nghiệp có định giá trên 100 triệu USD của chúng ta khá nhiều, trong đủ các lĩnh vực, đây chính là sự khởi đầu của một ngành kinh tế mới dựa trên trí tuệ, dựa trên tài năng trẻ”, - Nhà đầu tư dẫn phát biểu của ông Quất nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang có rất nhiều điểm tương đồng với Vịnh San Francisco (thung lũng Silicon của Mỹ). Trong đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đầu tư rất nhiều tiền để các trung tâm hỗ trợ, các trường đại học nghiên cứu tạo ra vật liệu silicon và làm nên một cuộc cách mạng về máy tính tại Silicon Valley.
Trên nền tảng đó, các nghiên cứu quốc phòng được chuyển sang dân sự với rất nhiều mô hình kinh doanh đã được phát triển từ thung lũng Silicon khi vốn công nghệ của an ninh - quốc phòng được chuyển sang cho các “nhà đầu tư thiên thần” để biến thành các sản phẩm dân sinh, phục vụ cho các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cũng cho hay, có một tập đoàn bất động sản chuyển sang đầu tư công nghệ.
“Tôi có liên tưởng các tập đoàn như Sungroup, Vingroup, các tập đoàn này hiện cũng đang đầu tư vào Khánh Hòa và tạo nên một lợi thế rất đặc biệt. "Bộ não" của VinFast đang đặt ở Hòn Tre, chứ không phải nhà máy ở Hải Phòng vì chuyên gia quốc tế họ thích "khung trời, cửa biển" ở Khánh Hòa", - ông Phạm Hồng Quất cho biết.
Quân đội cũng đang đầu tư vào Vịnh Cam Ranh
Nhấn mạnh việc Vịnh Cam Ranh sở hữu vị trí chiến lược của quốc phòng - an ninh(trong vai trò quân cảng hay cảng biển quân sự), hiện Bộ Quốc phòng đang đầu tư rất nhiều vào khu vực này, do đó, ông Quất kỳ vọng các tập đoàn cũng sẽ đầu tư vào khu vực vịnh Cam Ranh để biến đây thành một điểm đến hấp dẫn cho một nền kinh tế sáng tạo mới của Việt Nam.
Đáng chú ý, mới đây, Công viên Phần mềm Quân đội cũng đã có sáng kiến hợp tác với Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia để phát triển Tổ hợp Khởi nghiệp lưỡng dụng quốc gia, thí điểm đầu tiên tại Khánh Hòa.
Đây là khởi điểm tốt để hướng đến kế hoạch xây dựng “thung lũng Silicon của Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh, Vịnh Nha Trang.
“Vì không gian của Công viên Phần mềm Quân đội đã được Bộ Quốc phòng đầu tư và con người ở đó rất tuyệt vời. Bây giờ đưa thêm chuyên gia, cố vấn, mạng lưới các làng công nghệ vào thì có thể đây là điểm xuất phát đầu tiên để chúng ta xuất hiện một tổ hợp tương tự như thung lũng Silicon ở San Francisco”, - ông Quất khẳng định.
Trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2022 năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà cũng đã phát động Giải thưởng Đại sứ đổi mới sáng tạo Việt Nam - Vietnam In2spire Award. Theo ông Phạm Hồng Quất, giải thưởng này đặc biệt có ý nghĩa để tìm kiếm, hỗ trợ và vinh danh các gương mặt đại diện (đại sứ hình ảnh thương hiệu) của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp Việt Nam, doanh nghiệp có nhiều nỗ lực trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ giải quyết các vấn đề của xã hội, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ông Quất bày tỏ, Việt Nam có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều ý tưởng mới, sản phẩm tốt. Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, năng lực truyền thông nên nhiều thương hiệu, sản phẩm đổi mới sáng tạo ít tiếp cận đến cộng đồng.
“Học tập kinh nghiệm xây dựng mạng lưới đại sứ đổi mới sáng tạo của thung lũng Silicon, Hoa Kỳ, vốn đã rất thành công trong việc mang thương hiệu của các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp đi toàn cầu, Vietnam In2spire Award đã được phát động tại Techfest Vietnam 2022”, - theo ông Phạm Hồng Quất.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ nhấn mạnh, giải thưởng cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi tư duy về hoạt động truyền thông thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việt Nam cần làm chủ kinh tế biển
Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, không gian biển, kinh tế biển trở thành một lợi thế vượt trội của khu vực Nam Trung Bộ nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đang định hướng phát triển không gian kinh tế biển và phát triển kinh tế biển bền vững theo tinh thần Nghị quyết 36 của Trung ương năm 2018, cũng như Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đối với tỉnh Khánh Hòa, trong đó, phát triển địa phương đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng của phát triển xanh và bền vững. Khánh Hòa cũng đã được gợi mở để chuyển dịch từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh dựa trên các thế mạnh khai thác thủy hải sản, cảng biển với logistic, du lịch.
Theo ông Hồi, ở Việt Nam, trên đất liền có hàng ngàn doanh nghiệp công ty, tập đoàn lớn; nhưng trên biển, các tập đoàn, công ty chuyên về kinh tế biển và đóng vai trò dẫn dắt “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam lưu ý, phát triển kinh tế biển hiệu quả phải nhìn ra xa hơn, xuống sâu hơn và đây là không gian hết sức quan trọng của kinh tế biển. Tuy nhiên, muốn ra xa, xuống sâu, phải có công nghệ (do đó, kế hoạch hướng tới một trung tâm công nghệ như thung lũng Silicon của riêng Việt Nam là hoàn toàn cần thiết – PV).
“Chúng ta đi thuyền thúng ra đó thì không thể nói rằng chúng ta mạnh về biển được”, - ông Nguyễn Chu Hồi thẳng thắn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, muốn có đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển kinh tế biển phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng và đầu tư vào kinh tế biển hiệu quả. Do đó, cần phải có sự thay đổi, trong đó Nghị quyết 09 đã gợi ý, cho phép Khánh Hòa thời gian tới thành lập Trung tâm nghiên cứu Quốc gia về công nghệ đại dương.
Ông Hồi cho biết thêm, đây là trung tâm mà Trung ương Đảng kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, cơ chế chính sách và chức năng nhiệm vụ. Đây là trung tâm gắn với đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mới những công nghệ về đại dương, giải quyết các thách thức và phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế biển.
“Muốn là chủ các công nghệ này trong tương lai, chúng ta phải bắt đầu ngay từ hôm nay. Ai kiểm soát được không gian ngầm dưới đáy biển sẽ làm chủ được kinh tế biển, sẽ khai thác được kinh tế biển một cách hiệu quả”, - ông Nguyễn Chu Hồi khẳng định.
Vingroup nói gì về thung lũng Silicon của Việt Nam?
Như Sputnik đã thông tin, hôm 20 tháng 8, phát biểu tại Hội nghị về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup đã tiết lộ về kế hoạch Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại tỉnh Khánh Hoà và Việt Nam sẽ có một thung lũng Silicon.
Theo ông Nguyễn Việt Quang, trong vòng 3 năm tới, Vingroup sẽ mở ra Trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu tại Cam Lâm (Khánh Hòa) nhằm quy tụ những “bộ óc lớn nhất của thế giới”, những chuyên gia đang sở hữu những bằng sáng chế, các nghiên cứu chuyên sâu.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ phát triển để đưa vào ứng dụng để Việt Nam có một khu “thung lũng Silicon” nơi quy tụ tinh hoa của thế giới”, - đại diện lãnh đạo Vingroup cho hay.
Cùng với đó, lãnh đạo Vingroup cũng cho biết hiện tổng số lao động của tập đoàn này là 45.000 người, nhưng dự kiến sẽ tăng lên 150.000 người trong 2 năm tới và Vingroup cần bổ sung đến 100.000 nhân sự, trong đó có 20% là nhân sự cấp cao đã qua đào tạo, tối thiểu là trình độ đại học, đặc biệt, có 10% trong số này sẽ được đưa qua các nhà máy, cơ sở kinh donah của VinFast ở Mỹ và EU.
Trao đổi với Thủ tướng, Tổng Giám đốc Vingroup bày tỏ ước vọng tiên phong mang sản phẩm công nghệ, công nghiệp của Việt Nam ra thế giới và tin rằng Chính phủ sẽ có chương trình đồng hành với các doanh nghiệp có khát vọng. Vingroup cũng sẵn sàng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ với các doanh nghiệp về chương trình này.
“Để xây lực lượng lao động hiện đại bền vững, hội nhập, trong ngắn hạn, cách tiếp cận của chúng tôi là học nhanh nhất từ những người giỏi nhất”, - ông Nguyễn Việt Quang nói và cho biết, trong dài hạn Vingroup sẽ đầu tư cho chất lượng nhân sự và nâng cao chất lượng giáo dục.