Cụ thể, trong 447 ứng viên do Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố ngày 22/8, 51 người được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư và 396 phó giáo sư.
Ngành Kinh tế có 59 ứng viên được đề nghị: 53 phó giáo sư, 6 giáo sư.
Ngành Y học có 45 ứng viên phó giáo sư, 8 giáo sư (tổng 53 người). Đáng chú ý, ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm đã tạo ra 50 ứng viên: 3 giáo sư và 47 phó giáo sư.
Bên cạnh đó, một số ngành không đề cử giáo sư là Giáo dục học, Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao, Dược học, Ngôn ngữ học, Văn học, Luyện kim và Tâm lý học. Đây cũng là những ngành có số đề cử phó giáo sư thấp, chỉ 1 đến 15 người.
Hội đồng giáo sư ngành Khoa học quân sự và Khoa học An ninh không công khai ứng viên.
Theo quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, các đại học thành lập Hội đồng cơ sở để xét duyệt những ứng viên nộp hồ sơ. Thành viên của Hội đồng sau đó thẩm định hồ sơ, nghe ứng viên trình bày báo cáo khoa học tổng quan, đánh giá về chuyên môn, nghiệp vụ, và kiểm tra năng lực ngoại ngữ. Sau khi thông qua danh sách ứng viên đủ điều kiện, Hội đồng cơ sở báo cáo kết quả lên Hội đồng Nhà nước.
Hội đồng Nhà nước nhận danh sách, giao cho Hội đồng ngành, liên ngành thẩm định và loại những người không đạt. Sau đó, Hội đồng Nhà nước sẽ xem xét và thông qua danh sách đạt tiêu chuẩn được công nhận chức danh.
Khi được công nhận chức danh, giáo sư, phó giáo sư được hưởng các quyền của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục.
Từ 2019, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 37/2018 của Thủ tướng với những tiêu chuẩn cao hơn trước đó. Ứng viên bắt buộc phải có "bài báo khoa học quốc tế" thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học như trước. Ứng viên giáo sư phải là tác giả chính của ít nhất năm bài báo khoa học quốc tế, phó giáo sư ba bài đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus hoặc danh mục khác do Hội đồng Nhà nước quyết định.