Có hàng chục cuốn sách và chuyên khảo, bài báo và giáo trình bằng tiếng Nga về đề tài Việt Nam. Thời Xô-viết đã hình thành trường phái nghiên cứu về lịch sử Cổ-Trung đại Việt Nam do GS Dega Deopik ở trường MGU khởi xướng và đang tiếp tục nghiên cứu. Chính nhờ sự nỗ lực của những nhà khoa học này mà bộ chính sử biên niên đồ sộ của Việt Nam – «Đại Việt sử ký toàn thư» - đã được dịch sang tiếng Nga, cung cấp thêm những chú giải bình luận vô giá về nghiên cứu lịch sử và đất nước học. Năm nay, tập cuối cùng của ấn bản 8 tập này đã được in xong, hoàn thành hai chục năm cần mẫn dịch tổng tập đầu tiên biên niên sử Việt Nam sang ngôn ngữ châu Âu.
Để biết và ghi nhớ
Thời nay, có thể thấy một điểm chung là những sinh viên trẻ nhận tấm bằng tốt nghiệp các trường đại học của Nga, với chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam và tiếng Việt, phần lớn không vội đi vào khoa học mà thấy sự hấp dẫn cuốn hút trong thực hành nhiều hơn. Có không ít lý do cho trào lưu này. Để bảo tồn những gì mà nhiều thế hệ chuyên gia Việt Nam học đã làm, cách đây ít lâu, nhà nghiên cứu văn hoá-lịch sử Việt Nam nổi tiếng là TS Anatoly Sokolov đã đề xướng xuất bản cuốn sách về Lịch sử ngành Việt Nam học tại Nga. Ý tưởng này đã được người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (nay là Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại – ICCARAS) TSKH Vladimir Mazyrin hoan nghênh và trình bày với ban lãnh đạo Viện. Đề xuất nhận được sự ủng hộ, và chuyên khảo của tập thể tác giả «Nghiên cứu Việt Nam ở Nga: Lịch sử và hiện đại» đã nhận được quy chế dự án xuất bản cơ bản của ICCARAS. Tập sách sẽ ra mắt vào năm 2024 và gồm khoảng 600-700 trang.
Cấu trúc sách
GS-TSKH Mazyrin nói: «Sách chuyên khảo sẽ bao gồm bốn phần. Trong phần thứ nhất nói về khởi đầu của ngành Việt Nam học ở Nga, nguồn gốc ngành học cùng những trung tâm qua bước đường hình thành và phát triển. Chúng tôi bắt đầu với những ấn tượng của du khách Nga về xứ Đông Dương thuộc Pháp hồi cuối thế kỷ 19, điều mà học giả Anatoly Sokolov đã viết. Sau đó, sẽ cho biết tình hình nghiên cứu về Việt Nam thời kỳ những năm 1920-1930 trong các trường đại học và tổ chức khoa học ở Liên Xô như Đại học Cộng sản Phương Đông, Trường Quốc tế Lenin, Viện Nghiên cứu Các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Viện Đông phương Leningrad, Viện Nghiên cứu Phương Đông Matxcơva mang tên Narimanov, Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô».
Tiếp theo sẽ tái hiện tổng thể trường phái Việt Nam học Xô-viết. Độc giả sẽ được biết về công việc của các nhà khoa học và giảng viên ở các cơ sở khoa học như Viện Kinh tế của hệ thống xã hội thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, Viện Nghiên cứu Phương Đông và Viện Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học, và nhiều trường đại học có chuyên ngành nghiên cứu Việt Nam và tiếng Việt. Đó là các cơ sở ở thủ đô như Viện các nước Á-Phi thuộc ĐHTH Quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov, Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva, ĐHTH Nhân văn Quốc gia, Trường Kinh tế Cấp cao, ĐHTH Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva và Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Đó là Khoa Đông phương của ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg, Phân hiệu Peterburg của Trường Kinh tế Cấp cao, Viện Phương Đông-Trường nghiên cứu khu vực và quốc tế thuộc ĐHTH Liên bang Viễn Đông, ĐHTH Quốc gia Kursk và ĐHTH Liên bang Kazan.
Phần thứ hai của bộ chuyên khảo dành cho những hướng nghiên cứu khoa học cơ bản về Việt Nam: lịch sử, sử liệu học và khảo cổ học, chính sách đối nội và đối ngoại, kinh tế và nhân khẩu học, văn hóa và nghệ thuật, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, dân tộc học và ngữ văn trong đó có công việc biên soạn Từ điển.
Cuốn sách sẽ dành nhiều chú ý cho đề tài hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu của Liên Xô / Nga và Việt Nam DCCH / CHXHCN Việt Nam trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và nhân văn. Một số điển hình nổi bật của quá trình hợp tác đó là biên soạn bộ Đại Từ điển Việt-Nga mới khổ lớn, các chuyến điền dã thực tế nghiên cứu và mô tả ngôn ngữ chưa thành văn của các dân tộc ít người ở Việt Nam, hoạt động độc đáo của Trung tâm Nghiên cứu Nhiệt đới Nga-Việt và Trung tâm Công nghệ chung.
Phần thứ ba của tập chuyên khảo nói về các hình thức phổ biến khác trong ngành Việt Nam học ở Nga: phối hợp dịch và xuất bản tài liệu-văn học, đào tạo cán bộ Việt Nam trong các trường đại học dân sự và quân sự của Liên Xô / Nga, tiến hành các chương trình phát thanh từ Matxcơva bằng tiếng Việt, hoạt động của Hội Hữu nghị Xô-Việt / Nga-Việt.
GS Vladimir Mazyrin tiếp tục câu chuyện:
«Phần thứ tư của cuốn sách có giá trị lớn - tiểu sử tóm tắt của các nhà Việt Nam học Xô-viết và Nga hàng đầu, những người có đóng góp đáng kể cho việc nghiên cứu Việt Nam và tiếng Việt…Một tiểu sử sẽ được kèm theo một danh sách các công trình chính của một nhà khoa học hoặc giáo viên. Kèm theo phần tiểu sử ngắn gọn, điểm nhấn cơ bản sẽ là danh mục công trình nghiên cứu chính của mỗi chuyên gia hoặc giảng viên ngành Việt Nam học ở Nga. Trong phần kết luận, chúng tôi muốn mô tả đóng góp của các nhà Việt Nam học ở Nga cho nền khoa học thế giới».
Việc biên soạn, tạo ra cuốn sách chuyên khảo là thành quả tham gia của tập thể khoảng 40 người - các nhà khoa học và giảng viên Việt Nam học ở Nga. Một vài phần của cuốn sách được bao hàm trong các tác phẩm đã công bố, nhưng vẫn còn nhiều «điểm trắng», đòi hỏi phải làm việc công phu trong các kho lưu trữ và thư viện, gặp gỡ thân nhân và đồng nghiệp của các nhà khoa học đã tạ thế.
Lịch sử sinh động
Nhà sử học Andrei Fedorin thành viên Ban biên tập chuyên khảo cho biết thêm: «Ngoài chỉ dẫn theo bảng chữ cái ghi tên họ, thư mục và bảng chú giải thuật ngữ, chuyên khảo sẽ có một phụ lục quan trọng khác – đó là các cuộc phỏng vấn và hồi ký, thứ mà ngày nay được gọi là «lịch sử sống». Hơn nữa, phụ lục này không chỉ ở dạng in mà còn có thể ở dạng ghi âm và video hình ảnh. Những tư liệu này sẽ được bố trí trong mục riêng trên trang web của Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại ICCARAS và bạn đọc dễ dàng tìm thấy theo đường dẫn trong sách. Cũng trên trang web của Viện, chúng tôi muốn kết cấu tất cả những bài viết của các nhà khoa học mà tiểu sử sẽ được đưa vào sách».
Phần tiểu sử cần được viết xong vào cuối năm 2022. Năm 2023 sẽ dành để chuẩn bị tư liệu cho ba phần còn lại của cuốn sách, rồi cả năm 2024 sẽ tập trung biên tập và chuẩn bị in ấn. Trong sách sẽ chứa nhiều ảnh từ lưu trữ của các tác giả chuyên khảo và các «nhân vật lịch sử» khác. Việc xuất bản đã bắt đầu, tiểu sử và các phần đang được soạn, tư liệu đang được tập hợp. Phía trước còn là giai đoạn lao động khoa học không giản đơn và đầy trách nhiệm. Nhưng khi cuốn sách hoàn thành, chắc chắn chuyên khảo sẽ chiếm vị trí xứng đáng trong thư viện của bất kỳ ai ở Nga và các nước, quan tâm, yêu thích hoặc dành cả cuộc đời cho đất nước và con người Việt Nam.