Việt Nam xử y án với blogger Phạm Thị Đoan Trang

Việt Nam giữ y án sơ thẩm với Phạm Thị Đoan Trang - blogger, người được báo chí phương Tây gọi là “nhà hoạt động nhân quyền”, về tội tuyên truyền chống Nhà nước.
Sputnik
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang trước đó đã có đơn kháng cáo bản án 9 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Phạm Thị Đoan Trang tuyên truyền chống phá Việt Nam

Ngày 25/8, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Cáo trạng cho biết, từ năm 2017 đến 2018, Phạm Thị Đoan Trang đã làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo đó, Phạm Thị Đoan Trang đã tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về Luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam".
Bị cáo còn trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài, đưa ra các phát ngôn có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang dư luận.
Phạm Thị Đoan Trang và ‘lằn ranh đỏ’ của Việt Nam
Nhà chức trách xác định, các tài liệu trên chứa đựng nội dung tuyên truyền, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tháng 12 năm 2021, TAND TP.Hà Nội đã xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên án 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Y án sơ thẩm đối với Phạm Thị Đoan Trang

Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang đã có đơn kháng cáo.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang kêu oan, cho rằng mình không phạm tội. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Trang đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Tuy nhiên, toà cho rằng, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang không thành khẩn khai báo, có thái độ chống đối. Căn cứ lời khai, tài liệu, kết quả giám định và quá trình làm việc tại phiên xử, tòa phúc thẩm nhận định, có đủ cơ sở để kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.
HĐXX cho rằng, việc tòa sơ thẩm tuyên mức án 9 năm tù đối với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đúng người, đúng tội, không oan, phù hợp với hành vi phạm tội.
Hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, được thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
HĐXX nhận định, bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, có đủ năng lực để hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do đó cần có biện pháp xử phạt nghiêm minh.

Phạm Thị Đoan Trang là ai?

Phạm Thị Đoan Trang, 44 tuổi, là một blogger, “nhà hoạt động nhân quyền” nổi tiếng của Việt Nam (theo cách gọi của Tổ chức nhân quyền Quốc tế và giới truyền thông phương Tây).
Phạm Thị Đoan Trang từng công tác tại các báo điện tử như VnExpress, Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Vietnamnet và Pháp luật TP.HCM.
Theo thông báo chính thức từ Bộ Công an, Phạm Thị Đoan Trang từ năm 2013, sau khi bị báo Pháp luật TP.HCM buộc nghỉ việc vì tự ý xuất cảnh đi Philippines không xin phép, bà Phạm Thị Đoan Trang đã bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động, chống đối của các tổ chức phản động lưu vong từu Việt Tân, VOICE.
Theo cơ quan điều tra, từ việc hình thành Mạng lưới blogger, Phạm Thị Đoan Trang còn liên quan đến việc tham gia đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân bày ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, đồng thời vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền, tôn giáo.
Cùng với đó, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang thường xuyên cấu kết với các phần tử chống đối, phản động trong và ngoài nước; các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề đang được xã hội quan tâm nhưng thực chất là lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Bộ Công an cho biết, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang đã cùng với Trịnh Hội – đối tượng cầm đầu VOICE lập ra cái gọi là “Luật khoa tạp chí”, “đội lốt” phân tích hệ thống luật pháp các nước nhưng thực tế lại là định hướng chống lại hệ thống luật pháp Việt Nam.
Không chỉ vậy, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn "kỹ năng", cách thức đối phó với cơ quan An ninh như Cẩm nang truyền thông”, “Cẩm nang pháp lý dành cho các bạn hoạt động xã hội”, “Từ facebook xuống đường”. “Anh Ba Sàm”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”, "Học chính sách công qua chuyện luật khu”... kích động lật đổ chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo.
Việt Nam tuyên phạt blogger Phạm Thị Đoan Trang 9 năm tù về tội gì?
Hồi tháng 10 năm 2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Phạm Thị Đoan Trang về tội: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 và Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã ra Quyết định phê chuẩn các Quyết định của cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang.
Thảo luận