Việt Nam tuyên phạt blogger Phạm Thị Đoan Trang 9 năm tù về tội gì?
20:39 14.12.2021 (Đã cập nhật: 19:28 15.12.2021)
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNBị cáo Phạm Thị Đoan Trang lĩnh án 9 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Đăng ký
Phạm Thị Đoan Trang (hay Phạm Đoan Trang), blogger, nhà báo, nhà hoạt động dân chủ vừa bị tòa án Việt Nam tuyên phạt 9 năm tù giam. Phạm Thị Đoan Trang đã phạm những tội gì?
Theo VKS, Phạm Thị Đoan Trang đã tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối chính sách của Việt Nam, phát ngôn với luận điệu “chiến tranh tâm lý”, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, phạm tội nhiều lần, cố ý và không thành khẩn.
Blogger Phạm Thị Đoan Trang bị tuyên 9 năm tù giam
Hôm nay, 14/12, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Đoan Trang.
Như Sputnik thông tin trước đó, bà Phạm Thị Đoan Trang, sinh năm 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội bị cáo buộc tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội xhủ nghĩa Việt Nam.
Tội danh của bà Trang được quy định tại Điều 88, khoản 1, điểm a, b, c-Bộ luật Hình sự năm 1999.
Do Phạm Thị Đoan Trang là blogger dân chủ nổi tiếng ở Việt Nam nên phiên tòa này thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận quốc tế, đặc biệt là Tổ chức HRW.
Tuy nhiên, với những cáo buộc từ phía cơ quan chức năng của Việt Nam, hành vi của bà Phạm Thị Đoan Trang gây nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với mục đích cố ý”.
Sau một ngày xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định rằng, hành vi xuyên tạc đường lối chính sách, phỉ báng chính quyền của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân nên tuyên phạt bị cáo 9 năm tù giam.
Vụ Phạm Thị Đoan Trang: Gây ‘chiến tranh tâm lý’
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 16/11/2017 đến ngày 5/12/2018, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang có hành vi làm, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, việc bị cáo Phạm Thị Đoan Trang còn trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài (như kênh BBC News Tiếng Việt, Đài Á Châu tự do RFA), cơ quan chức năng khẳng định, nội dung này xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân.
Cụ thể, theo cáo buộc, ngày 9/8/2018, Phạm Thị Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt. Qua đó, có phát ngôn các nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang dư luận nhân dân thông qua bài phát trực tiếp “Bàn tròn trực tuyến – BBC News Tiếng Việt (thứ Năm ngày 9/8/2018).
Đến ngày 5/12/2018, bà Phạm Thị Đoan Trang lại có hành vi trả lời phỏng vấn trên Đài Á Châu tự do (RFA) với phát ngôn tuyên truyền các nội dung thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phỉ báng chính quyền nhân dân tại bài “Phạm Thị Đoan Trang: “Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam không có khát khao dân chủ và tự do” đăng ngày 5/12/2018 kèm theo tư liệu file âm thanh (định dạng mp3).
Tại cơ quan Công an, bị cáo Phạm Thị Đoan Trang xác nhận đã cùng nhóm tác giả có hành vi tàng trữ các tài liệu như “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”, “Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam”, “Báo cáo đánh giá về luật tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam” bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt, đăng tải trên các trang điện tử do mình lập ra.
“Các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý”, cơ quan Công tố tái khẳng định, đồng thời nhấn mạnh bà Trang đã phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNBị cáo Phạm Thị Đoan Trang lĩnh án 9 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang lĩnh án 9 năm tù về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Phạm Thị Đoan Trang nói về việc trả lời BBC, RFA
HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện với lỗi cố ý xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, xã hội, xâm phạm đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
“Bản thân bị cáo là người có trình độ nhận thức nhất định, bị cáo hiểu và biết rõ hậu quả hành vi vi phạm của mình nhưng vẫn tích cực thực hiện trong một thời gian dài, do vậy cần phải xử phạt nghiêm minh”, chủ tọa nhấn mạnh.
TAND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo Phạm Thị Đoan Trang ‘không thành khẩn’, phạm tội nhiều lần nên quyết định áp dụng hình phạt tù với thời hạn nhất định mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.
“Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo không khai báo thành khẩn, phạm tội nhiều lần, cần thiết xử phạt nghiêm minh”, HĐXX nêu rõ.
Tại phiên xét xử, trong phần thẩm vấn, HĐXX đã cho phép bị cáo Phạm Thị Đoan Trang ngồi vì bị đau chân.
Đối đáp lại quan điểm của HĐXX về cáo buộc trả lời phỏng vấn các hãng báo chí nước ngoài với nội dung chống đối, xuyên tạc, bà Đoan Trang cho hay bản thân không nhớ hết.
“Tôi là nhà báo, từng phỏng vấn và được phỏng vấn bởi trăm, nghìn người. Phóng viên BBC Tiếng Việt, RFA là đồng nghiệp, những lần trao đổi họ có thể là tư cách bạn bè, có thể là trả lời báo chí chính thức, tôi không nhớ hết”, nữ blogger khẳng định.
Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang 7-8 năm tù về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật Hình sự 1999.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm người bào chữa cho Phạm Thị Đoan Trang nhấn mạnh, việc vắng mặt giám định viên tư pháp, điều tra viên, cũng như một số người có tư cách tham gia tố tụng khác không ảnh hưởng đến cáo buộc nhưng ảnh hưởng đến quá trình bào chữa.
Ông Mạnh cho rằng, việc quy kết tội danh cho thân chủ mình – bà Phạm Thị Đoan Trang là động thái phủ nhận điều 25 Hiến pháp và các Công ước quốc tế.
Đối đáp lại, phía công tố viên giữ nguyên quan điểm truy tố, khẳng định việc quy kết tội danh với bị cáo Phạm Thị Đoan Trang “không hề mâu thuẫn Hiến pháp”.
“Điều này dựa trên hai căn cứ. Đó là lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra và kết quả giám định các tài liệu, băng ghi âm, ghi hình”, phía cơ quan Công tố nhấn mạnh.
Blogger Phạm Thị Đoan Trang là ai?
Như đã biết, Phạm Đoan Trang hay tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, sinh 27/5/1978 tại Hà Nội, là tác giả, blogger, nhà báo, nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam.
Trước khi được biết đến như một blogger dân chủ, bà Phạm Thị Đoan Trang từng công tác cho các báo điện tử trong nước như VnExpress, Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Vietnamnet, Pháp luật TP.HCM…
Theo Bộ Công an, năm 2013, sau khi bị báo Pháp luật TP.HCM buộc thôi việc vì xuất cảnh đi Philippines không xin phép, bà Trang bị tiêm nhiễm tư tưởng phản động, chống đối của các tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, VOICE. Phạm Thị Đoan Trang nổi lên là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”.
Cơ quan chức năng Việt Nam chỉ rõ, việc hình thành Mạng lưới blogger, cho đến việc tham gia đoàn vận động nhân quyền do Việt Tân vẽ ra nhằm phản đối Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Trang cũng tham gia vào việc vận động chính giới phương Tây gây áp lực để Việt Nam thay đổi chính sách nhân quyền. Ở góc độ pháp lý tại Việt Nam, Phạm Thị Đoan Trang là một yếu tố trong trò chơi dân chủ nhằm chống phá Việt Nam.
Bộ Công an khẳng định, Phạm Thị Đoan Trang trực tiếp thành lập, điều hành nhiều hội nhóm như “Du ca Sài Gòn”, “Tuổi trẻ làm đẹp quê hương”, thường xuyên cấu kết với các phần tử chống đối, phản động trong và ngoài nước. Trong đó, các hội, nhóm chống đối sử dụng chiêu trò “phản biện xã hội” để thể hiện chính kiến trước những sự kiện chính trị – xã hội của đất nước, các vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Việt Nam xác định thực chất đây là lợi dụng để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kích động, cổ súy các hành vi chống đối, biểu tình, vi phạm pháp luật nhằm chống Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, Phạm Thị Đoan Trang còn lập và điều hành các trang mạng, như blog “Luật khoa tạp chí”, “Phamdoantrang.com”, “The Vietnamese”, để viết, tán phát các nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động chống đối, kêu gọi biểu tình, lật đổ chế độ tại Việt Nam.
Trong đó, bị can Phạm Thị Đoan Trang cùng Trịnh Hội – đối tượng cầm đầu VOICE lập ra cái gọi là “Luật khoa tạp chí”, nhằm hướng đến chống lại hệ thống luật pháp Việt Nam, theo Bộ Công an.
Phạm Thị Đoan Trang còn viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.
Trong đó, chủ yếu tập trung đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng dẫn "kỹ năng", cách thức đối phó với cơ quan an ninh Việt Nam như Cẩm nang truyền thông”, “Cẩm nang pháp lý dành cho các bạn hoạt động xã hội”, “Từ facebook xuống đường”. “Anh Ba Sàm”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Chính trị bình dân”, “Toàn cảnh thảm họa môi trường Formosa ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”,"Học chính sách công qua chuyện luật khu” nhằm kích động lật đổ chế độ.
Từ tháng 8/2018 đến khi bị bắt, Phạm Thị Đoan Trang huy động các đối tượng phản động của VOICE ở trong nước thành lập trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do” nhằm xuất bản các đầu sách “nâng cao dân trí” cho giới Dân chủ Việt.
Với sự tài trợ của VOICE, Phạm Thị Đoan Trang cùng đám đàn em trong nhóm “Green Trees” gồm: Cao Vĩnh Thịnh, Nguyễn Trường Thịnh, Trần Vũ Anh Bình, Hoàng Thành Nhân, Đặng Vũ Lượng, Nguyễn Đình Hà tổ chức in lậu hàng ngàn cuốn sách.
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVNBị cáo Phạm Thị Đoan Trang được lực lượng chức năng dẫn giải về trại giam sau khi kết thúc Phiên tòa
Bị cáo Phạm Thị Đoan Trang được lực lượng chức năng dẫn giải về trại giam sau khi kết thúc Phiên tòa
© Ảnh : Phạm Kiên - TTXVN
Theo Bộ Công an, năm 2017, NGO PIN của Séc, là một tổ chức luôn có cái nhìn thù địch với Việt Nam đã công khai trao tặng đối tượng cái gọi là giải thưởng nhân quyền Homo Homini. Đến năm 2019 được Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF đề cử giải thưởng tự do báo chí.
Cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định, hoạt động chống phá của Phạm Thị Đoan Trang làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận và nhân dân.
Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được về hoạt động chống đối của đối tượng, ngày 7/10/2020, cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp các đơn vị của Bộ Công an và Công an TP Hồ Chí Minh, thi hành lệnh bắt để tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang (khi đang lẩn trốn tại phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh), thu giữ nhiều tang vật liên quan.
Sau đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vụ án hình sự Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.