Bóng đá Đông Nam Á đang bước vào thời kỳ "hoàng kim" mới?

MOSKVA (Sputnik) - Sau nhiều năm thi đấu kém cỏi, những chồi non xanh tốt đã xuất hiện ở các giải đấu khu vực Đông Nam Á và cấp quốc gia, The Diplomat viết.
Sputnik
Sự thật thì Đông Nam Á đang tụt hậu so với bóng đá thế giới. Nói trắng ra, trong nhiều thập kỷ qua, bóng đá trong khu vực này thật sự chìm lấp trong "thời kỳ đen tối". Bất chấp thực tế là có 4 quốc gia nằm trong top 20 thế giới về dân số và công chúng say mê bóng đá, các đội tuyển quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lại thể hiện rất kém trong các giải đấu quốc tế. Không có đội Đông Nam Á nào đủ điều kiện tham dự FIFA World Cup kể từ khi Indonesia – khi đó là Đông Ấn thuộc Hà Lan - tham gia giải đấu năm 1938. Năm 1972, Thái Lan và Cộng hòa Khmer (nay là Campuchia) lọt vào bán kết Cúp bóng đá khu vực châu Á, đây là lần cuối cùng có quốc gia Đông Nam Á lọt vào bán kết giải này.
Không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á đều đứng cuối bảng xếp hạng thế giới do FIFA tổng kết. Là nước đứng đầu danh sách các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam được xếp thứ 97 trong bảng xếp hạng thế giới của FIFA. Thái Lan đứng thứ 111, tiếp theo là Philippines (thứ 134), Malaysia (thứ 147) và Indonesia (thứ 155). Lào, Brunei và Đông Timor nằm trong top 30 từ dưới lên trong số 211 quốc gia trên thế giới.

Điều gì đang kìm hãm bóng đá các nước Đông Nam Á phát triển?

Có nhiều lý do kìm hãm bóng đá các nước Đông Nam Á phát triển, The Diplomat viết. Đầu tư không đủ, chỉ gần đây mới xuất hiện các học viện bóng đá dành cho trẻ em. Mức lương thấp ngăn cản những người trẻ tuổi chấp nhận rủi ro để phấn đấu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Một số người đổ lỗi cho quá khứ: ở một số nước trong khu vực, môn thể thao này đã ngừng phát triển bởi những cuộc tàn sát dã man. Bóng đá Campuchia từng trải qua thời kỳ "hoàng kim" vào những năm 1960, nhưng đã bị chế độ diệt chủng Khmer Đỏ hủy diệt vào những năm 1970.
Chính trị và tham nhũng cũng kìm hãm sự phát triển của bóng đá ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Trong năm tới, Đông Timor bị đình chỉ tham dự AFC Asian Cup sau khi phát hiện ra rằng những cầu thủ không đủ tiêu chuẩn đã vào sân trong các trận đấu vừa qua. Tháng 10 năm ngoái, AFC đã cấm 22 cầu thủ Campuchia và Lào thi đấu sau nhiều năm điều tra về hành vi dàn xếp tỷ số ở giải quốc nội của Lào. Và nhiều hiệp hội bóng đá trong khu vực, nơi tổ chức các trận đấu trong nước và quốc tế, có liên quan đến chính trị. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Campuchia là Sao Sokha, người đứng đầu quân cảnh. Kể từ năm 2016, Liên đoàn bóng đá Thái Lan được dẫn dắt bởi Somyot Poompanmoung, cựu Tổng ủy viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.
Ông Gian Chansrichawla, nhà báo kiêm biên tập viên Football Tribe có trụ sở tại Bangkok, cho biết: “Sự thiếu chuyên nghiệp ở các giải đấu quốc nội là vấn đề chính đã kiềm chế các quốc gia này”.
Sau khi trao đổi với các huấn luyện viên từ nước ngoài, nhà báo Gian Chansrichawla nói rằng hầu hết họ coi trình độ và cơ cấu phát triển của các cầu thủ trẻ Đông Nam Á thua kém trình độ và cấu trúc của nước nhà.
“Họ nói rằng trẻ em Thái Lan tài năng không kém gì các đồng nghiệp châu Âu, nhưng không được tạo điều kiện đào tạo ở thời thiếu niên và không được tạo cơ hội để chuyển sang các cơ sở có chuyên môn cao khi trở thành người lớn. Tôi tin rằng các khu vực khác của Đông Nam Á cũng có câu chuyện tương tự”, - nhà báo Gian Chansrichawla nói.
FIFA, báo Hàn Quốc khen hết lời hành trình vòng loại World Cup của đội tuyển Việt Nam

Bước ngoặt

Thời điểm trọng đại diễn ra vào ngày 18/4, ở lượt trận thứ hai AFC Champions League năm nay, khi ba đội bóng đến từ Đông Nam Á - BG Pathum United, Johor Darul Ta'zim và Lion City Sailors của Singapore - đánh bại các đội bóng đến từ Hàn Quốc vốn có uy tín lớn trong giải đấu này. Theo ông Gian Chansrichawla, "trong vài năm qua, dấu hiệu lớn nhất của sự tiến bộ ở Đông Nam Á, và đặc biệt là Thái Lan, là sự quan tâm đến các cầu thủ nước ngoài của chúng tôi."

Điều này rất quan trọng vì nó cho chúng ta thấy rằng khoảng cách chất lượng giữa ASEAN và các đội mạnh nhất châu Á đang thu hẹp, tạo cơ hội cho các ngôi sao của các đội tuyển quốc gia cải thiện và chơi ở trình độ cao hơn, mà không cần chờ đợi giải đấu bản địa bắt kịp với họ”, - ông nói thêm.

Thành công của đội tuyển Việt Nam

Ngôi sao sáng nhất của bóng đá Đông Nam Á là Nguyễn Quang Hải của Việt Nam, hiện đang giữ danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất của Liên đoàn bóng đá ASEAN. Anh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chuyển đến câu lạc bộ bóng đá Pháp và là một trong số ít cầu thủ Đông Nam Á thi đấu ở châu Âu.

“Nguyễn Quang Hải chuyển đến châu Âu là một bước tiến vào điều vô định mà rất ít người làm được. Nhưng yếu tố quan trọng ở đây là anh đã thực hiện điều đó. Phải có nhiều cầu thủ hơn chấp nhận mạo hiểm như vậy để mở đường cho các cầu thủ đến châu Âu trong thập kỷ tới”, - nhà báo chuyên viết về bóng đá ở châu Á Martin Lowe nói.

Những cải tiến trong bóng đá nội bộ dường như có tác động đến cấp độ quốc gia. Thái Lan và Việt Nam lần lượt vượt qua vòng cuối cùng của vòng loại FIFA World Cup 2018 và 2022. Dù không giành được suất tham dự các giải đấu thực tế, nhưng họ đã tiến sâu vào vòng loại hơn hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Hồi tháng 1, Việt Nam đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên giành chiến thắng trong trận đấu cuối cùng của vòng loại World Cup.
“Việt Nam được cho là đi đầu trong việc đầu tư đáng kể vào cơ cấu trẻ và nhất quán trong cách tiếp cận ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Mặc dù những thành công ở đất nước này vẫn diễn ra liên tục, nhưng bản sắc của họ vẫn không thay đổi trong suốt thời gian qua, tuy có những kẻ gièm pha nhưng điều này lại tạo ra môi trường ổn định cho sự phát triển của các cầu thủ”, - nhà báo Martin Lowe chuyên viết về bóng đá ở châu Á cho biết.

Bóng đá Đông Nam Á có đang bước vào ngưỡng thành công?

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào AFC Asian Cup năm sau, trong đó Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã vượt qua vòng loại. Chỉ có hai quốc gia Đông Nam Á vượt qua vòng loại giải đấu năm 2019 và không có quốc gia nào tham dự giải đấu năm 2015. Cũng có khả năng có quốc gia Đông Nam Á có thể tham dự FIFA World Cup lần đầu tiên kể từ năm 1938. Việt Nam và Thái Lan có cơ hội tốt.
Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế số một Đông Nam Á
Bóng đá Đông Nam Á có đang bước vào thời kỳ “hoàng kim” mới hay không vẫn là điều còn phải xem xét.

“Asian Cup năm tới và các chiến dịch AFC Champions League tiếp theo sẽ cho chúng ta thấy đây chỉ là một sự cố cá biệt hay đó là dấu hiệu cải thiện tổng thể trong nền bóng đá ASEAN”, - nhà báo Jian Chansrichawla kết luận.

Thảo luận