Trước đó, vị trí xây dựng sân bay thứ 2 vùng thủ đô liên tục được thay đổi đề xuất, bao gồm các vị trí tiềm năng như huyện Ứng Hoà hay huyện Thường Tín.
Nghiên cứu năng lực vùng trời phía đông nam
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) báo cáo năng lực khai thác vùng trời của sân bay vùng thủ đô.
Đây là yêu cầu nhằm phục vụ chương trình công tác của lãnh đạo Chính phủ.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo hồ sơ Quy hoạch sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình lên Thủ tướng Chỉnh phủ.
Theo báo cáo này, cảng hàng không thứ hai vùng thủ đô dự kiến được nghiên cứu ở khu vực phía nam, đông nam Hà Nội.
Trong văn bản, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VATM nghiên cứu, báo cáo khả năng tổ chức vùng trời tại khu vực phía nam, đông nam Hà Nội. Đồng thời, đánh giá công suất tối đa có thể khai thác của vùng trời khu vực này và tác động đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Khu vực phía nam và đông nam Hà Nội hiện nay bao gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa... Xa hơn nữa là các tỉnh giáp ranh như Hải Dương, Hà Nam và một phần tỉnh Hòa Bình.
Trước yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, VATM cho biết, hiện nay năng lực tối đa vùng trời sân bay Nội Bài khoảng 95 lần chuyến/giờ. Các yếu tố quyết định năng lực tối đa của sân bay thứ 2 vùng thủ đô gồm có: vị trí sân bay, địa hình, cầu hình đường cất hạ cánh. Tuy nhiên, hiện những dữ kiện này chưa rõ ràng.
Sau khi có thêm thông tin về vị trí chi tiết sân bay thứ 2 vùng thủ đô, Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Sân bay thứ 2 vùng thủ đô sẽ đặt ở đâu?
Liên quan đến vấn đề này, TS.Nguyễn Tùng Bách, chuyên gia quy hoạch hàng không, cho biết việc đặt sân bay vùng thủ đô ở vị trí nào sẽ phải cân nhắc rất kỹ, bởi sân bay vùng thủ đô phục vụ cho cả vùng (bao gồm 9 tỉnh) chứ không chỉ phục vụ riêng cho Hà Nội.
Vì vậy, sân bay này không nhất thiết đặt trong địa giới Hà Nội mà có thể đặt ở các tỉnh thuộc vùng thủ đô. Các tỉnh này bao gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai. Trong bối cảnh hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.
Sân bay thứ 2 cho Hà Nội sẽ giúp giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Dự kiến, đến năm 2050, lượng khách qua sân bay quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt/năm. Khi đó, dù đã mở rộng, sân bay Nội Bài cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của vùng thủ đô.
Về vị trí đặt sân bay thứ 2, UBND TP.Hà Nội đề xuất đặt tại phía nam thành phố, mà cụ thể là huyện Thường Tín.
Đây là vị trí có thể tránh được các dãy núi ở khu vực phía tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về sân bay Nội Bài. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu hướng đường cất - hạ cánh song song với đường cất hạ cánh của sân bay Nội Bài. Mặc dù vậy, vị trí xây dựng chi tiết chỉ có thể xác định khi có quy hoạch cụ thể.
Một điểm nữa, đó là vị trí xây dựng sân bay thứ 2 vùng thủ đô liên tục được thay đổi đề xuất. Trước đó, tháng 10/2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội từng có kiến nghị gửi UBND TP.Hà Nội giao các sở, ngành liên quan dự thảo văn bản, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét bố trí sân bay này tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Trước đó, đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 tại Quyết định 768), có đến 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho Vùng thủ đô.
4 phương án được nói đến bao gồm sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km).
Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị cân nhắc lựa chọn vị trí sân bay tại huyện Ứng Hoà vì có nhiều điểm thuận lợi, khoảng cách và thời gian di chuyển đến trung tâm Hà Nội hợp lý.