Vì sao chỉ Thủ tướng mới được nắm quyền phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí chứ không phải Bộ Công Thương hay PVN?
Thủ tướng sẽ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí
Một trong những thông tin đáng chú ý nhất liên quan đến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đó là việc thống nhất nội dung quy định về việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.
Thông tin này được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022.
Theo kết luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, về cơ bản, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)tới đây. Kết luận cho thấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Luật Dầu khí chỉ điều chỉnh điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn, trong khi đó, hoạt động dầu khí trung nguồn (vận chuyển, tồn trữ và phân phối) và hạ nguồn (xử lý, chế biến) thực hiện theo quy định của các luật khác.
Nhằm giải quyết được các vấn đề trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, cần thiết có quy định tại Luật Dầu khí về trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thì áp dụng Luật Dầu khí.
“Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định áp dụng Luật Dầu khí để bao quát tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn, bảo đảm khả thi, không gây vướng mắc trong thực hiện, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật”, kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản của dầu khí. Trong đó, lưu ý khái niệm và nội dung điều tra cơ bản về dầu khí bảo đảm thống nhất; tính chất tổng hợp, liên ngành, liên khu vực của công tác quản lý về điều tra cơ bản về dầu khí; các vấn đề về kinh tế hóa ngành tài nguyên, điều tra cơ bản về dầu khí và cơ chế quản lý thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện bởi các nguồn kinh phí khác nhau.
Các vấn đề cần lưu ý còn là cơ chế thống nhất về quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu điều tra cơ bản về dầu khí; kinh phí cho việc điều tra cơ bản về dầu khí nói chung, cơ chế xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng đầu tư trở lại cho hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân; quy định những nội dung có tính đặc thù về tiêu chuẩn, đánh giá năng lực và lựa chọn các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào điều tra cơ bản về dầu khí.
Vì sao?
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nội dung quy định về việc giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.
“Vì tính chất đặc biệt của hợp đồng dầu khí là thoả thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia thực hiện hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn, có thể kéo dài 20-30 năm, có nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền...”, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 16/8, phát biểu tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, nên để Thủ tướng phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí và nhấn mạnh yêu cầu của việc phê duyệt hợp đồng dầu khí là phải rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm.
Quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ Công Thương và PVN
Kết luận cũng nhấn mạnh, cần phải tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ, đồng thời, theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính.
Trong đó, quy định rõ trách nhiệm phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm thẩm định của Bộ Công Thương và trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả hợp đồng dầu khí.
Liên quan đến việc thực hiện chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định theo hướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo cơ chế chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, củng cố luận cứ bảo đảm thuyết phục, hoàn thiện các quy định về: kiểm soát chặt chẽ doanh thu, chi phí; việc quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư trong cùng diện tích hợp đồng; đầu tư bổ sung để khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu, thu dọn công trình dầu khí và xử lý sau thu dọn khi kết thúc hoạt động khai thác.
“Xử lý kỹ thuật lập pháp theo đúng quy định để đồng bộ với Luật Thuế tài nguyên”, kết luận đề cập.
Cùng với đó, yêu cầu tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hoàn thiện các quy định về ghi chép, hạch toán kế toán, lập báo cáo tài chính đối với thuế thu nhập trong hoạt động dầu khí “bảo đảm minh bạch, dễ hiểu, đúng bản chất các khoản thuế phát sinh”.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế quản lý, theo dõi, sử dụng, xử lý tài chính đối với tài sản và tiếp nhận quyền lợi tham gia từ nhà thầu vì lý do đặc biệt; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản dầu khí và hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Kết luận cũng nêu việc tiếp tục rà soát các Chương, điều của dự thảo Luật và chỉnh lý kỹ thuật lập pháp dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
“Nên để Thủ tướng phê duyệt”
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế), Cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương), cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm được chất lượng.
Ông Cường cũng cho hay, các tài liệu báo cáo, dự thảo Luật tại phiên họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đánh giá phù hợp các nội dung tiếp thu, giải trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định, bảo đảm chất lượng cao nhất và đạt được sự đồng thuận cao nhất khi trình Quốc hội.
Trong đó, Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ tiếp tục tập trung vào một số nội dung như cần nêu rõ dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện đã bảo đảm đến mức độ nào các mục tiêu, quan điểm, định hướng, chính sách lớn của việc xây dựng dự án Luật về “thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí”; “có cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước”; “đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư”; “giải quyết hiệu quả những vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trên thực tế”….
Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh phát sinh các vấn đề mới trong quá trình triển khai thực hiện có nguyên nhân từ các quy định của Luật.
Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc “chịu trách nhiệm đến cùng” về dự thảo Luật.
“Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, bảo đảm thời gian tiếp thu trình Quốc hội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 75 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, kết luận lưu ý.