Vì sao huỷ thành lập hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh?
Lãnh đạo huyện uỷ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vừa thu hồi quyết định cho phép thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ.
SputnikTrước đó, với những dư luận trái chiều về việc thành lập Hội Tướng lĩnh, Bí thư huyện Đức Thọ Trần Quang Tuấn còn đề nghị cơ quan chức năng xử lý các cá nhân có quan trái với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước,…
Huỷ quyết định thành lập Hội Tướng lĩnh
Chiều 29/8, một lãnh đạo
Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã báo cáo với Ban Bí thư T.Ư Đảng, Ban Tổ chức T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các bộ ngành liên quan về việc thu hồi quyết định thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ.
“Qua soát xét, cơ quan chức năng nhận định, do hồ sơ thành lập Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ chưa đảm bảo các quy định, vi phạm những điều đảng viên không được làm nên UBND huyện Đức Thọ đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định việc thành lập Ban vận động và hủy bỏ quyết định cho phép thành lập Hội tướng lĩnh huyện Đức Thọ”, báo cáo nêu rõ.
Bên cạnh đó, Ban thường vụ Huyện ủy Đức Thọ cũng sẽ kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan trong việc tham mưu, quyết định thành lập Hội Tướng lĩnh.
Trước đó, UBND huyện Đức Thọ đã ra quyết định cho phép thành lập Hội Tướng Lĩnh huyện Đức Thọ.
Ngày 13/8, Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ đã tổ chức đại hội đại biểu lần thứ nhất nhiệm kỳ 2022 – 2027, bầu 7 người vào Ban chấp hành Hội.
Được biết, huyện Đức Thọ có 48 tướng lĩnh là con em tại quê hương và 8 tướng lĩnh là con rể (gồm 44 tướng quân đội, 12 tướng công an).
Ngay sau đó, trong dư luận nảy ra nhiều ý kiến trái chiều về việc này. Có người đặt câu hỏi về tính pháp lý vì đây là tổ chức hội đầu tiên và duy nhất ở Hà Tĩnh, chưa từng có tiền lệ. Một số người khác thì cho rằng hội mang tính phô trương, hình thức…
Liên quan đến vụ việc, một lãnh đạo UBND huyện Đức Thọ cho biết huyện đã hủy bỏ quyết định cho phép thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ vì tạo ra dư luận không tốt, cũng như chưa đảm bảo các quy định.
“Về quyết định cho phép thành lập Hội Tướng lĩnh, chúng tôi căn cứ theo Nghị định 45 của Chính phủ và Quyết định số 55 của UBND tỉnh về cấp phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh. Tuy nhiên, theo quy định thì người đứng đầu thuộc diện Ban Bí thư quản lý thì phải xin phép, nhưng người này đã nghỉ hưu rồi và thiếu lý lịch của người đứng đầu. Còn việc hoạt động của hội thì không có vấn đề gì cả”, - vị này nói với báo Thanh Niên.
Bí thư huyện Đức Thọ nói gì?
Trước đó, ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ từng khẳng định, về mặt pháp lý, Hội Tướng lĩnh Đức Thọ tuân thủ đúng theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; và Quyết định 55/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Nghị định 45 của Chính phủ, hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng.
Hội viên sẽ hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Hồ sơ lập hội gồm có: Đơn đề nghị thành lập hội; Dự thảo Điều lệ; Danh sách Ban vận động thành lập hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; Lý lịch tư pháp người đứng đầu Ban vận động thành lập hội; Văn bản xác nhận nơi dự kiến đặt trụ sở hội.
Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền cho phép thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.
“Hội Tướng lĩnh Đức Thọ có đầy đủ thủ tục pháp lý theo Nghị định 45 của Chính phủ và Quyết định 55 của UBND tỉnh”, - ông Trần Quang Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, việc thành lập Hội Tướng lĩnh Đức Thọ là nguyện vọng chính đáng của các hội viên.
Theo đó, Đức Thọ là vùng “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống hiếu học nổi tiếng với các địa danh như “làng tiến sĩ”, gia đình quân nhân… Hội được thành lập sẽ tăng cường sự đoàn kết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về phương hướng hoạt động, hội nhắm đến các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Ngay tại Đại hội lần thứ nhất, hội đã vận động và trao 200 triệu đồng hỗ trợ Quỹ Khuyến học huyện Đức Thọ để trao quà, khuyến khích học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Hội cũng sẽ kết nối với Hội Cựu chiến binh,
Đoàn thanh niên…để hướng về quê hương, kể cả tham gia xây dựng nông thôn mới. Từng hội viên sẽ có cơ hội phát huy sở trường trong các lĩnh vực công tác của mình để giúp đỡ địa phương.
“Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực. Những hoạt động ý nghĩa của hội đã thể hiện ở ngay đại hội lần thứ nhất”, - Bí thư huyện Đức Thọ khẳng định.
Theo ông Tuấn, những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội chỉ là những ý kiến mang tính cá nhân.
Đặc biệt, Bí thư huyện Đức Thọ đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nếu những quan điểm đó có nội dung trái với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, bôi nhọ lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, xúc phạm cá nhân, tổ chức.