Vì sao Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài “quan tâm đặc biệt”?

Việt Nam hiện nay đang sở hữu nhiều lợi thế lớn giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại thị trường trong nước.
Sputnik
Những yếu tố chủ yếu có thể kể đến như: môi trường kinh doanh thuận lợi, sự ổn định chính trị, chính sách phát triển kinh tế nhất quán và cơ sở hạ tầng được cải thiện.

Tăng trưởng cao bất chấp dịch bệnh và biến động thế giới

Mới đây, tờ The Times vừa có bài viết, trong đó cho rằng tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành sản xuất, thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ, Việt Nam tạo ra hàng trăm tỉ USD quần áo, đồ điện tử, đồ nội thất và nhiều loại hàng hóa khác. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Chiếm ưu thế ở Việt Nam là ngành sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài, với 73% kim ngạch xuất khẩu của năm 2021 là đến từ các công ty quốc tế. Vừa qua, Foxconn, nhà cung ứng chính của Apple, đã công bố kế hoạch chi 300 triệu USD để xây dựng nhà máy mới ở Bắc Giang, hứa hẹn tạo ra 30.000 việc làm.
Xuất khẩu cũng là một động lực tích cực góp phần vào đà tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam, thường duy trì ở mức 7%/năm trong 10 năm qua.
Mặc cho những biến động như xung đột Nga-Ukraina, đại dịch và lạm phát, ngành sản xuất ở Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Một nhà cung cấp lớn khác của là Apple Luxshare Precision (Trung Quốc) cũng đã công bố kế hoạch bắt đầu sản xuất Apple Watch tại Việt Nam. Các sản phẩm này trước đây chỉ được sản xuất độc quyền tại Trung Quốc. Đây là dấu chỉ cho sự chuyển dịch sản xuất bắt đầu vào tháng 1/2018, khi Mỹ áp đặt các mức thuế đầu tiên đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, cho biết các công ty quốc tế và cả các công ty Trung Quốc cũng đang xoay sở chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, nước tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do.
Với hơn 10 Hiệp định Thương mại tự do quốc tế đã được ký kết, bao gồm cả với Liên minh Châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, Chính phủ Việt Nam là một đối tác quan trọng trong cộng đồng thế giới. Khi chuyển sang Việt Nam, các công ty không chỉ được hưởng lợi từ việc tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, mà còn sang các thị trường khác. Mỹ cũng là thị trường lớn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt 96,3 tỉ USD trong năm 2021.
Ngoài ra, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng được cải thiện cũng là những yếu tố góp phần vào sự thu hút đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, lao động của Việt Nam tương đối rẻ và người lao động Việt Nam có kỷ luật và năng lực tốt.
Việt Nam tăng đầu tư ra nước ngoài

Hướng đi của Việt Nam

Từ sau Đổi mới, Việt Nam chào đón các công ty phương Tây đầu tư vào sản xuất, đồng thời chọn lọc hơn trong loại hình đầu tư. Ông Lê Hồng Hiệp cho biết, Việt Nam cố gắng tránh các dự án đầu tư sử dụng nhiều tài nguyên hoặc lao động, đồng thời tìm kiếm các công ty công nghệ cao để làm tăng thêm giá trị và giúp Việt Nam nâng cấp năng lực của mình.
Các ví dụ bao gồm Foxconn; Intel - công ty vận hành một nhà máy sản xuất chip lớn tại TP.HCM; Lego đang xây dựng nhà máy trị giá 1 tỉ USD tại Bình Dương; và Samsung, tập đoàn đã đầu tư hơn 18 tỉ USD, đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất của mình.
Việt Nam coi khoản đầu tư như vậy là đôi bên cùng có lợi, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như tăng cường cho vị thế địa chính trị của Việt Nam. Dù vậy, quá trình phát triển của Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức lớn. Ví dụ, công nhân từ các lĩnh vực có kỹ năng tương đối thấp như dệt may không được đào tạo về các quy trình chính xác cần thiết để sản xuất, như Apple Watch hoặc điện thoại thông minh Samsung. Lực lượng lao động không được chuẩn bị tốt cho những công việc công nghệ cao này và sẽ mất thời gian đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng cho họ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là Việt Nam vẫn có một lượng lao động dồi dào, vốn là thách thức đáng kể mà nhà đầu tư sẽ gặp phải ở bất kỳ đâu.
Đáng chú ý, việc dồn sự tập trung vào công tác cải thiện cơ sở hạ tầng ở miền Bắc đã khiến các khu vực miền Nam, bao gồm TP.HCM và Bình Dương, gặp bất lợi. Trong khi Hà Nội và các tỉnh lân cận có khu công nghệ cao được kết nối với các cảng biển và biên giới Trung Quốc bằng mạng lưới đường cao tốc, thì các cảng và sân bay ở miền Nam lại tắc nghẽn, đường cao tốc quá đông đúc và thiếu đầu tư.

Điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, có 45% các nhà đầu tư và kinh doanh châu Âu tại Việt Nam được khảo sát cho biết rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam.
Trong khi đó, có 76% ý kiến cho rằng sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III.
Vừa qua, tập đoàn Bosch đã quyết định mở rộng đầu tư một trung tâm phần mềm mới tại Hà Nội, như là trọng tâm phát triển giai đoạn tới.

"Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe những khó khăn vướng mắc từ doanh nghiệp cũng như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút vốn FDI. Chúng tôi đã tiếp đón rất nhiều nhà đầu tư và chuyên gia mỗi tuần kể từ sau khi Việt Nam mở cửa trở lại", - ông Guru Mallikarjuna - Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết.

Về phần mình, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, cho biết nhiều doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư tại châu Á. Nhiều công ty đang hoạt động ở Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội mới ở châu Á khác và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho họ.
Việt Nam và Ấn Độ trong cuộc chiến thu hút đầu tư nước ngoài: nước nào thành công hơn?
FDI tại Việt Nam trong 8 tháng qua đạt 12,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức cao kỷ lục ngay cả khi so với thời điểm trước dịch Covid-19. Tăng trưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam cao hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác, Ngân hàng đầu tư Maybank ghi nhận.

"Việt Nam đã công nghệ hóa một cách nhanh chóng và trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là một môi trường kinh doanh thuận lợi, có sự ổn định chính trị, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại", - ông Brian Lee Shun Rong, chuyên gia của Ngân hàng đầu tư Maybank, đánh giá.

Thảo luận