Việt Nam đẩy mạnh phát triển du lịch golf

Sở hữu nhiều thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng cho du lịch golf ở châu Á và cả trên thế giới.
Sputnik
Theo chiến lược do Chính phủ phê duyệt, du lịch golf là một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Thiên đường golf của châu Á

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, từ ngày 15/3, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, cũng là một trong 62 nước trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh do dịch Covid-19.
Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã gần 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt xa mục tiêu 60 triệu khách nội địa năm 2022. Việt Nam còn đón trên 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đạt 24% mục tiêu của năm. Tổng thu từ du lịch đạt trên 356.000 tỷ đồng.
Lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam thuộc top đầu thế giới với mức tăng trưởng nhanh, cho thấy khả năng phục hồi nhanh chóng và sự hấp dẫn, an toàn của du lịch Việt Nam.

"Cùng với sự tăng trưởng về khách du lịch, ngành du lịch Việt Nam cũng liên tục được các tổ chức uy tín và danh tiếng trên thế giới bình chọn là điểm đến tiêu biểu trong khu vực châu Á và trên thế giới, đặc biệt các năm liên tiếp 2019-2021 được vinh danh là ‘Điểm đến golf tốt nhất châu Á’ và 2 năm 2019, 2021 được vinh danh là ‘Điểm đến golf tốt nhất thế giới", - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Điều này đã khẳng định thương hiệu, sức hút và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tổ chức Du lịch Golf thế giới (IAGTO) ghi nhận, hiện có trên 60 triệu người chơi golf trên thế giới. Du lịch golf đứng thứ ba về động cơ du lịch ở châu Á. Hiện cả thế giới có khoảng 700 công ty du lịch golf thuộc 61 quốc gia là thành viên của IAGTO, thực hiện khoảng 2,5 tỷ USD giá trị các hợp đồng cung cấp dịch vụ mỗi năm, cung cấp dịch vụ cho khoảng 1,9 triệu người chơi golf.
Việt Nam là nước có địa hình đa dạng, bờ biển dài với những bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới, đồi núi, cảnh quan hùng vĩ, khí hậu nhiệt đới, ánh nắng chan hòa hầu như quanh năm. Đây là điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển sân golf và loại hình du lịch golf. Từ những thuận lợi trên, Việt Nam được xem là thiên đường golf lý tưởng của khu vực châu Á.
Hô biến 62ha đất sân golf Phan Thiết thành đất đô thị: Tỉnh Bình Thuận làm thế nào?
Những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài. Bên cạnh nguồn thu lớn mang lại cho nền kinh tế, du lịch golf còn mang lại công việc có thu nhập ổn định cho lao động địa phương cùng với nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội khác.

Hấp dẫn phân khúc khách hạng sang

Theo Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng Nguyễn Đức Quỳnh, bộ môn golf ở Việt Nam đang hội nhập với các quốc gia khác.
Đà Nẵng đang có một lượng khách rất lớn tại miền Trung cũng như tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Với các chuyến bay thẳng đang khai thác gần đây, du lịch golf được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục nhanh chóng ngành du lịch.
Hiện Đà Nẵng có 2 sân golf là BRG Đà Nẵng Golf Resort và BanaHills Golf Club. Trong đó, BRG Đà Nẵng Golf Resort là sân golf 36 hố đầu tiên tại Đà Nẵng, hấp dẫn nhiều du khách nội địa và quốc tế.
Hiện Đà nẵng đang mở rộng du lịch golf và du lịch chất lượng cao, nhắm đáp ứng nhu cầu đối với những nhóm khách hàng cao cấp.

"Sắp tới, TP. Đà Nẵng khai thác loại hình du lịch cưới tại các khu nghỉ dưỡng ven biển, phục vụ những nhóm khách hàng chi trả cao. Điều này không chỉ giúp Đà Nẵng giải bài toán nguồn khách vào mùa thấp điểm mà còn tạo cơ hội giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương có trình độ cao", - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình chia sẻ.

Một trong những định hướng trọng tâm trong phát triển của ngành du lịch Việt Nam chính là phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch golf. Điều này đã được nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đi đánh golf làm lây lan Covid-19 bị cách chức, giám đốc vẫn làm giám đốc?
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, việc phát triển du lịch golf sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời thu hút khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, kích thích phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp.

"Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch golf tới du khách trong và ngoài nước, bên cạnh đó khuyến khích, thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch golf, trong việc tổ chức các giải golf, nâng cao chất lượng các tiện ích kèm theo như nghỉ dưỡng, resort, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe", - ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Thảo luận