Việt Nam và Thái Lan ‘bắt tay nhau’ cùng tăng giá gạo, sẽ thuyết phục cả Ấn Độ

Quan chức cấp cao Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ có cuộc họp quan trọng nhằm hợp tác tăng giá gạo xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Sputnik
Đặc biệt, cả Việt Nam và Thái Lan, trong kế hoạch dài hạn của mình, đều định thuyết phục Ấn Độ cùng hợp tác tăng giá gạo thay vì “cạnh tranh” giành đơn hàng xuất khẩu gạo.

Thái Lan và Việt Nam bắt tay nhau cùng tăng giá gạo

Thông tin Việt Nam và Thái Lan đồng ý hợp tác tăng giá gạo đã xuất hiện khoảng một tuần nay.

“Việt Nam đã đồng ý hợp tác về xuất khẩu gạo toàn cầu”, - Bangkok Post khẳng định ngày 4 tháng 9 khi thông tin về việc người Thái muốn thúc đẩy nguyên tắc “công bằng” trong điều hành giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới hiện nay.

Đây là thông tin rất đáng chú ý vì cả Việt Nam và Thái Lan đều là những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nếu đạt được sự đồng thuận, cả hai bên đều được hưởng lợi.
Theo Bangkok Post, Thái Lan và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận nhằm cùng tăng giá gạo sản xuất trong nước trên thị trường toàn cầu. Việc đẩy giá gạo là cần thiết trong bối cảnh chi phí tăng cao khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn, Chính phủ Thái Lan cho biết ngày 3/9.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on ngày 3 tháng 9 nhấn mạnh, Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí thúc đẩy hợp tác tăng giá gạo xuất khẩu, bảo đảm công bằng hơn trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao.
Thoả thuận này đạt được dựa trên kết quả trao đổi gần đây giữa cơ quan chức năng hai nước về vấn đề giá gạo xuất khẩu, quan chức Chính phủ Thái nhấn mạnh.

“Thoả thuận được bảo đảm với Việt Nam là đồng thuận đầu tiên thuộc loại này”, - Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan nói, đồng thời cho biết cả hai quốc gia sẽ ngay lập tức thành lập các nhóm đặc biệt để thúc đẩy triển khai kế hoạch này.

Theo quan chức Chính phủ Thái Lan, dự kiến, nhóm công tác đặc biệt của hai nước sẽ sớm tổ chức cuộc họp để thảo luận chi tiết về thỏa thuận hợp tác, với mục tiêu thống nhất các bước triển khai hướng tới việc tăng giá gạo xuất khẩu, phù hợp với chi phí sản xuất tăng cao gần đây ở cả Việt Nam và Thái Lan.
Alongkorn Ponlaboot, cố vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn đàm phán về giá của Thái Lan, trong khi Bộ Nông nghiệp được giao trọng trách tiến hành các cuộc họp nội bộ với sự tham dự của Hiệp hội nông dân, Hiệp hội xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu và các công ty liên quan khác trước khi tổ chức cuộc họp với phía Việt Nam trong thời gian tới.
3 lý do khiến chuyên gia thế giới lạc quan về gạo Việt Nam hơn so với đối thủ Thái Lan

Sẽ thuyết phục cả Ấn Độ

Theo Bộ trưởng Chalermchai, người nông dân sản xuất lúa gạo ở cả hai nước đang chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraina, trong khi giá xuất khẩu gạo cơ bản không thay đổi trong thời gian qua.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng khẳng định, thúc đẩy giá gạo xuất khẩu ở mức công bằng hơn là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các quốc gia xuất khẩu.

Việc Thái Lan và Việt Nam nhất trí hợp tác trong vấn đề này là bước đi đầu tiên”, - Bộ trưởng nhắc lại.

Về lâu dài, cả Việt Nam và Thái Lan dự kiến cũng sẽ đề nghị Ấn Độ và nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác tăng cường hợp tác, thay vì cạnh tranh để điều tiết giá gạo xuất khẩu ở mức hợp lý, qua đó một mặt hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, mặt khác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.

“Trong cuộc họp, tiếp xúc song phương thời gian tới, mọi chi tiết của hiệp định gạo TháiLan -Việt Nam sẽ được thảo luận cụ thể để tất cả các bên nắm được các nội dung cần thực hiện tiếp theo nhằm tăng giá gạo xuất khẩu, phù hợp với chi phí tăngvà các yếu tố khác”, - phía Chính phủ Thái cho hay.

Tình hình của Việt Nam vẫn tốt hơn Thái Lan

Thái Lan hiện là quốc gia xuất khẩu gạo nhiều thứ 3 trên thế giới, sau Ấn Độ và Việt Nam. Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu lượng gạo cao nhất toàn cầu với 19,55 triệu tấn, trong khi Việt Nam xuất khẩu đến 6,24triệu tấn.
Năm 2021, Thái Lan đã xuất khẩu 6,12 triệu tấn và đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn trong năm nay.

“Để thúc đẩy thực hiện thoả thuận, cả Việt Nam và Thái Lan sẽ cần trao đổi để đạt được cơ chế đồng thuận (dạng Hiệp định) liên Chính phủ trong khi tiếp tục cần thuyết phục các nước xuất khẩu gạo khác cùng chung tay đóng góp vào ý tưởng này”, - Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan nói.

Theo ông Alongkorn Ponlaboot, việc đẩy giá gạo lên cao cũng như công bằng hơn là “nhiệm vụ cũng như trách nhiệm” của tất cả các nước đang trồng và xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động canh tác thuỷ nông (trồng lúa) và năng suất trên các vựa lương thực toàn cầu. Do đó, các bên cần “chung tay” để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực.

“Người trồng lúa chịu thua thiệt và cũng không còn đủ năng lực chống chịu lâu trước các diễn biến bất lợi và giá gạo bất bình đẳng trên thị trường nếu họ bị bỏ lại, không nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành chức năng và đồng thuận giữa các bên”, - cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan lưu ý.

Điều mà người nông dân hiện nay thực sự cần đó là được Chính phủ giúp đỡ, cắt giảm chi phí sản xuất và điều hành giá gạo công bằng hơn, hạn chế thiệt hại cho họ.
Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới được dùng nấu cơm tại Văn phòng Nội các Nhật

“Tình thế hiện tại của Việt Nam tốt hơn Thái Lan vì chi phí lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như sản xuất lúa gạo của họ thấp hơn”, - vị quan chức bày tỏ.

Do đó, giới chức Thái Lan đặc biệt hoan nghênh việc “cùng bắt tay” với Việt Nam nhằm đẩy giá gạo toàn cầu tăng hơn thời gian tới, cũng như thuyết phục Ấn Độ, Pakistan tham gia điều hành giá gạo công bằng hơn.
Thảo luận