Chuyên gia: Bà Truss ắt sẽ lộ rõ thiếu nghệ thuật ngoại giao

MOSKVA (Sputnik) - Ngày 6 tháng 9, thay thế ông Boris Johnson ở vị trí Thủ tướng Anh sẽ là cựu Ngoại trưởng Liz Truss, nữ chính khách 47 tuổi với tính khí bất trị và danh tiếng không đồng nhất. Bà sẽ trở thành thủ lĩnh Đảng Bảo thủ và là người phụ nữ thứ ba đứng đầu Chính phủ Anh, sau Margaret Thatcher và Theresa May.
Sputnik
Cuộc bỏ phiếu giữa các thành viên trong đảng đã diễn ra suốt mấy tuần lễ.
Tuyên bố của Liz Truss vào ngày 24 tháng 8 rằng bà ta sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp khiến các đồng minh của bà bị sốc, và Truss bắt đầu từ bỏ quan điểm của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, trong số các thành viên của đảng cầm quyền (hơn 140.000 người tham gia), Liz Truss đã giành được 57,4% phiếu bầu, đánh bại đối thủ là cựu Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak.
Ngày 5 tháng 9, kết quả bỏ phiếu được công bố trong buổi phát sóng trực tiếp trên Youtube từ dạ tiệc chiêu đãi của Đảng Bảo thủ.
Ngày 6 tháng 9, sau cuộc gặp với ông Boris Johnson và Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh tại Scotland, bà Liz Truss có bài phát biểu đầu tiên khi nhậm chức Thủ tướng, sau đó sẽ công bố thành phần của Chính phủ mới được thành lập. Ngày 7 tháng 9 diễn ra cuộc họp đầu tiên của tân nội các, và vào buổi chiều, tân Thủ tướng cần tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại Quốc hội. Đang chờ đợi là bài nói của nữ diễn giả sẽ dành chủ yếu cho cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và những biện pháp của Chính phủ để đấu tranh chống hậu quả suy thoái.
Hồi tháng 3, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh có trụ sở tại London đã công bố bản báo cáo, với lời cảnh báo rằng Vương quốc Anh có nguy cơ đối mặt với tình trạng tuột dốc sút giảm mức sống mạnh nhất kể từ những năm 1950.
Theo các dữ liệu chính thức, lạm phát ở Anh vào tháng Bảy đã tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự leo thang lạm phát như vậy khiến giá thực phẩm, nhiên liệu và điện tăng vọt. Như đánh giá chính thức của Ngân hàng Trung ương Anh, đến mùa thu, tỷ lệ lạm phát ở Vương quốc có thể vượt quá 13%. Như vậy, bà Truss sẽ phải đối mặt với những thách thức như Ukraina, Brexit và tăng cao chi phí sinh hoạt, - như phản ánh của các phương tiện truyền thông Anh.
"Các bạn Anh, giữ cho vững nhé!" Người Pháp thương hại người Anh sau khi Truss trúng cử

Liệu Liz Truss có sẵn sàng đương đầu với những thách thức này?

Sputnik nêu câu hỏi đó với bà Elena Ananyeva lãnh đạo trung tâm Nghiên cứu Anh tại Viện Châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga.

“Đảng Bảo thủ vẫn còn đó, tương ứng là chính sách của đảng này sẽ được tiếp nối. Nhưng như vậy không có nghĩa là sẽ thiếu những điểm nhấn. Nếu như quan điểm của ông Sunak là chống lại điều đó, thì ngược lại, bà Truss hứa hẹn giảm thuế ngay trong những ngày đầu tiên trên ghế Thủ tướng, phù hợp với chính sách của đảng Bảo thủ. Thế nhưng đương nhiên giảm thuế đi kèm với gia tăng ngân sách Nhà nước và nợ công. Tôi nghĩ Truss khó lòng đương đầu nổi với khủng hoảng kinh tế và giảm sút mức sống – tình trạng đó có vẻ vượt quá khả năng của bà. Về chuyện khắc phục hậu quả của Brexit, thì sau 10 năm hiện diện trong thành phần EU, Anh đã kết hợp luật và quyền của mình vào hệ thống pháp lý trong EU. Và bây giờ tân Thủ tướng và ban lãnh đạo Vương quốc sẽ cần không ít thời gian để xét lại, sửa đổi luật pháp…”, - chuyên gia Elena Ananyeva nhận xét.

Hồi tháng 7, bà Truss đã hứa đến cuối năm 2023 sẽ bãi bỏ tất cả 2.400 luật còn lại của EU đang có hiệu lực ở nước này, vì rằng theo quan điểm ​​của bà, luật EU cản trở sự phát triển của doanh nghiệp Anh.
Trong chính sách đối ngoại, Liz Truss là người cứng rắn theo tinh thần của Thatcher và Reagan. Bà ta đã rất ráo riết trong việc thúc đẩy các chính sách của Boris Johnson và tán thành tăng chi tiêu quốc phòng của Anh, ủng hộ bơm vũ khí hạng nặng cho Ukraina, hướng tới gia tăng vai trò của Anh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, muốn mở rộng hoạt động của NATO và củng cố vai trò của G7 đến mức để cơ cấu này thay thế Liên Hợp Quốc. Bà cũng kêu gọi ngăn ngừa không để xảy ra khả năng Anh phụ thuộc vào Trung Quốc.

«Với cách nhìn cứng nhắc đen-trắng của bà ta về thế giới, rõ ràng Truss là chính khách thiếu vắng nghệ thuật ngoại giao. Về chính sách đối ngoại, tân Thủ tướng sẽ hành động phù hợp với Chiến lược toàn diện về Quốc phòng, Ngoại giao và Phát triển Quốc tế, công bố năm 2020 với tiêu đề «Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh». Văn kiện đặt ra những nhiệm vụ chính mà London dự định thực hiện cho đến năm 2030. Cho đến nay quan hệ Anh-EU vẫn căng thẳng, chủ yếu là theo tuyến kinh tế. Anh có bang giao đặc biệt với Hoa Kỳ: họ là những đồng minh thân cận nhất, nhưng đồng thời giữa họ cũng chẳng ít xích mích rạn nứt. Cụ thể, là tranh cãi theo Nghị định thư về Bắc Ireland. Với nguồn gốc xuất thân Ireland của mình, ông Biden chống lại những thay đổi trong Nghị định thư này. Ghi nhận bước ngoặt nghiêm trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ Chiến lược An ninh Quốc gia. Vào thời làm Thủ tướng, ông Cameron từng mơ tới một «kỷ nguyên vàng» trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ đã «dội gáo nước lạnh» cho người Anh, và họ đi theo con đường của «chủ nghĩa tân Đại Tây Dương». Cùng với Australia và Hoa Kỳ, Anh tham gia tạo lập AUKUS, có trọng tâm chống Trung Quốc. London cũng đang tạo ra các liên minh của riêng mình, ví dụ như Anh - Ba Lan – Ukraina», - chuyên gia Elena Ananyeva tiếp tục đề tài đàm đạo.

Nhà báo kể chuyện bà Truss rơi vào tình huống khó xử khi nhắc đến Johnson và Ukraina
Sau 2 năm nữa, tại Vương quốc Anh cần tổ chức tổng tuyển cử, và theo quan điểm của chuyên gia Elena Ananyeva, khó tin chắc rằng lúc đó phe Bảo thủ vẫn nắm quyền. Nhưng bây giờ đảng Bảo thủ đang chiếm đa số ghế trong nghị viện, và do đó hẳn là nhiều quyết định của Chính phủ sẽ được thông qua không mấy khó khăn.
Thảo luận