Sau chuyến thăm và làm việc tại TP.HCM và Bến Tre, ông John Kerry nhận thấy cuộc sống của người dân địa phương đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu.
Đặc phái viên Mỹ chia sẻ ông nhìn thấy sự chưa đồng bộ ở nhiều tỉnh, bao gồm Bến Tre nơi ông vừa thăm, trong việc xây dựng hệ thống truyền tải nối nhà máy điện năng lượng tái tạo với lưới điện quốc gia.
Theo ông, đây là sự lãng phí vì dù điện gió và điện mặt trời có thể cung cấp khoảng 25% nhu cầu năng lượng của Việt Nam, trên thực tế nó chỉ đang đóng góp khoảng 4%.
“Ở TP.HCM, hiện tượng ngập lụt triều cường có những tác động lớn đối với cơ sở hạ tầng cũng như người dân. Hiện nay chúng tôi cũng đang rất nỗ lực để thực hiện các giải pháp nâng cao việc thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng chuỗi cung ứng thực sự là vấn đề rất lớn”, ông Kerry chia sẻ và đặc biệt lưu ý tới TP.HCM và Bến Tre là 2 địa phương chịu tác động tiêu cực nhất.
Mỹ sẵn sàng giúp đỡ
Theo đó, ông Kerry cũng bày tỏ thiện chí của Mỹ trong việc hỗ trợ tài chính, giúp thúc đẩy tài chính quốc tế và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Đồng thời đánh giá đây sẽ là một quan hệ mang tính đối tác.
Trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về những hỗ trợ của Mỹ cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại COP26. Ông John Kerry khẳng định nếu Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26, phía Mỹ cố gắng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các bước đi này để giúp Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Đề cập đến Quy hoạch điện 8 của Việt Nam, ông Kerry cho rằng kế hoạch này chưa đáp ứng được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
"Bản thân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu đánh giá lại bản kế hoạch này", ông Kerry đề cập đến yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng trước, trong đó người đứng đầu Chính phủ Việt Nam yêu cầu làm rõ về giá của năng lượng tái tạo trước khi phê duyệt.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ rằng Việt Nam sẽ mất bao lâu để chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch, ông Kerry cho biết "quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ mất một thời gian dài, có thể là vài thế hệ để xây dựng, đưa các luật vào thực thi, cơ sở hạ tầng...".
Nhưng theo cựu ngoại trưởng Mỹ, điều có thể tạo ra sự khác biệt lớn chính là Việt Nam phải bám sát lộ trình của mình, cần làm ngay việc tăng nguồn cung cấp năng lượng sạch, nhanh chóng giảm lượng phát thải và giải quyết vấn đề khí methane.
Rất vui nếu VinFast xây nhà máy ở bang California
Chia sẻ về việc sản xuất xe điện tại Mỹ của VinFast, ông John Kerry cho biết bản thân ông hiện đang đi xe ô tô điện, độ tin cậy cao, rất êm và tốt cho môi trường.
Xe điện là một phần trong quá trình chuyển đổi năng lượng, quá trình này sẽ mất một thời gian để xây dựng và nghiên cứu. Ông Kerry đưa ra ví dụ Ford và General Motos đang chi nhiều trăm tỉ USD để sản xuất xe điện. Tại châu Âu, Mỹ xe ô tô đốt trong thường có thời hạn sử dụng 10 - 12 năm, sau đó sẽ cần phải chuyển sang xe điện. Dần qua các thập kỷ thì đến năm 2050, chúng ta sẽ nỗ lực để mức phát thải ròng có thể bằng không.
Do đó, ông John Kerry cho biết nước Mỹ rất hoan nghênh và chào mừng các doanh nghiệp như VinFast đầu tư vào sản xuất xe điện nói chung và công nghệ xanh nói riêng.
Ông Jake Levine, Giám đốc phụ trách biến đổi khí hậu thuộc Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC), ngân hàng phát triển của Mỹ, trong cuộc họp báo cũng cho biết DFC rất vui nếu VinFast xây nhà máy ở bang California (Mỹ). Chúng tôi muốn hỗ trợ họ ở đây để giúp tạo ra ngành sản xuất xe điện nội địa cho Việt Nam.