Đáng chú ý, đại diện Chery Automobile cho biết hãng xe Trung Quốc muốn xây nhà máy tại Việt Nam và tạo nên những mẫu xe được nội địa hoá dành riêng cho người Việt.
Ở một diễn biến khác, số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập về từ Trung Quốc tăng mạnh từ năm ngoái.
Xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam ghi nhận lượng xe nhập khẩu kỷ lục nhất từ trước đến nay với 18.279 ô tô nguyên chiếc, đạt kim ngạch lên tới 385,4 triệu USD.
Như vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam là 96.239 xe, kim ngạch đạt 2,25 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ 2021, lượng xe nhập khẩu vẫn giảm 8,8%, kim ngạch giảm 4%.
Indonesia hiện là nhà cung cấp xe ô tô lớn nhất vào thị trường Việt Nam, lần lượt xếp tiếp theo là Thái Lan và Trung Quốc.
Theo đó, số ô tô nhập khẩu từ Indonesia đạt 10.360 xe trong tháng 8, đưa quốc gia này vượt mặt Thái Lan để trở thành nhà cung cấp ô tô lớn nhất cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Tổng cộng, đến hết tháng 8, Indonesia đã xuất sang Việt Nam 38.469 chiếc ô tô, đạt kim ngạch 556 triệu USD.
Lần lượt ở các vị trí tiếp theo là Thái Lan với 37.748 xe, kim ngạch 749,3 triệu USD và Trung Quốc – 13.198 xe với kim ngạch 535,87 triệu USD.
Việt Nam nhập xe gì từ Trung Quốc?
Đáng chú ý, số xe nhập từ thị trường Trung Quốc đã tăng vọt từ năm 2021, lên đến 22.750 chiếc, tăng mạnh 207% so với năm 2020.
Như vậy, tính chung 3 thị trường nói trên đã đưa vào Việt Nam 90.136 xe, chiếm đến 93,66% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo dữ liệu của Hải quan, phần lớn xe nhập từ Trung Quốc là các loại ô tô tải và ô tô chuyên dụng. Do đó, giá bình quân nhập khẩu xe từ quốc gia láng giềng phương Bắc cũng lớn hơn giá bình quân xe nhập từ các thị trường châu Á khác.
Một đặc điểm nữa, xe nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu qua đường bộ. Do đó, việc vận chuyển là rất thuận tiện.
Trong 8 tháng đầu năm, Cục hải quan Cao Bằng đã ghi nhận, có đến 6 tháng lượng xe nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam qua Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lùng (Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng) đạt gần 10.000 chiếc. Trong đó, 3 tháng Ba, Tư, Năm có lượng xe được thông quan cao nhất, lần lượng 3.078, 3.335 và 1.360 xe.
Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã góp vào thu ngân sách hải quan của tỉnh Cao Bằng lên gần 2.000 tỷ đồng, chiếm 90% tổng thu ngân sách của Cục Hải quan Cao Bằng trong 8 tháng của năm.
Trước đó, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ ở biên giới phía Bắc đa phần đều làm thủ tục ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn).
Từ cuối năm 2021, vì phía Trung Quốc siết kiểm dịch Covid-19, việc xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Hữu Nghị gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải chuyển nhập khẩu ô tô về qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng).
Nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc tăng mạnh
Ngoài ô tô, các mặt hàng linh kiện và phụ tùng ô tô của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đã cho thấy đà tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Trong nửa đầu tháng 8, Việt Nam đã bỏ ra gần 749 triệu USD để mua phụ tùng, linh kiện ô tô từ Trung Quốc, tăng mạnh 33% so với cùng kỳ năm ngoái - đứng thứ 2 thị trường nhập khẩu linh kiện và phụ tùng của Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường dẫn đầu về mặt hàng này, với kim ngạch đạt 878,66 triệu USD, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Xếp thứ 3 là Thái Lan với 535,6 triệu USD, giảm 8% cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, trong tháng 7, Việt Nam chi 120 triệu USD nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô từ Hàn Quốc, chi 111 triệu USD nhập khẩu từ Trung Quốc, chi 80 triệu USD nhập khẩu từ Thái Lan, và chi 78 triệu USD để nhập khẩu từ Nhật Bản.
Hãng xe Trung Quốc Chery muốn xây nhà máy ở Việt Nam
Một thông tin vô cùng đáng chú ý khác liên quan đến xe Trung Quốc đó là việc hãng xe Chery Automobile có tham vọng lắp ráp sản xuất xe ngay tại Việt Nam.
Thực tế, việc xây dựng nhà máy ngay từ đầu, song song với kinh doanh bán xe mới vốn không phải là điều hiếm. VinFast đã xây nhà máy quy mô lớn ở Hải Phòng và bán các mẫu xe lắp ráp như Fadil, Lux A2.0, Lux SA2.0 và gần đây là VF e34.
Cụ thể, ngày 6/9, tại cuộc phỏng vấn trực tuyến với báo VnExpress, ông Jeff Liu - Phó giám đốc Chery Automobile quản lý khu vực Đông Âu và châu Á – Thái Bình Dương, cho biết hãng có tham vọng bán xe lắp ráp tại Việt Nam, kế hoạch bán ra sản phẩm đầu tiên vào 2023.
Tương tự, ông Tocy Tang, giám đốc Chery Việt Nam, cũng khẳng định hãng này muốn xây nhà máy tại Việt Nam chứ không chỉ nhập khẩu xe về bán.
“Vì muốn đầu tư cơ sở lắp ráp xe ở đây nên chúng tôi cần thời gian để chọn đối tác phù hợp”, - ông Tang nói.
Đại diện hãng xe cho biết, Chery muốn tạo nên những mẫu xe được nội địa hóa dành riêng cho người Việt và tối ưu hóa tiềm lực thị trường. Trước đó, nhiều thương hiệu xe con Trung Quốc như BAIC, Hồng Kỳ, Brilliance... cũng đã bán sản phẩm ở Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ thông qua một nhà phân phối tại Hải Phòng.
Các hãng này có hệ thống showroom khá ít và cũng chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội và TP. HCM.
Đáng chú ý, Hongqi gây được tiếng vang lớn khi các mẫu limousine chuyên dùng phục vụ nguyên thủ Trung Quốc - Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt được cộng đồng đam mê xe hơi ở Việt Nam quan tâm thảo luận, thậm chí là so sánh với các sản phẩm xe điện quốc dân VinFast.
Đặc điểm chung của các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc là giá thành rẻ hơn nhiều so với các đối thủ từ Nhật hay Hàn, xét trong phân khúc đồng kích thước, trong khi các tiện nghi, trang bị lại phong phú hơn.
Theo đại diện Chery, khách hàng chọn các hãng này thường là những người ưu tiên giá và trải nghiệm công nghệ, không đặt nặng vấn đề thương hiệu.
Tuy nhiên, hãng xe Trung Quốc cũng hiểu được việc đầu tư xây dựng nhà máy thường tốn nhiều chi phí, hàng triệu USD, bao gồm lắp đặt thiết bị, đào tạo nhân lực, tìm kiếm các đối tác nội địa... Cùng với đó doanh số một hay nhiều mẫu xe của hãng cần đủ lớn, khoảng trên 10.000 xe/năm như cách các hãng Nhật, Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam.
Đặc biệt, kế hoạch lắp đặt nhà máy của Chery đầy tham vọng nhưng điều đáng trăn trở nhất chính là câu hỏi về mức độ đón nhận của thị trường, bởi chính Chery cũng thừa nhận xe Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận khách Việt vì “người Việt có thành kiến với xe Trung Quốc”. Doanh số của các mẫu xe Trung Quốc hiện không có số liệu cụ thể.
Đại diện Chery Automobile Tocy Tang cho rằng, thương hiệu mới Omoda thuộc Chery sẽ mở đầu cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, dự kiến vào 2023. Omoda 5, chiếc crossover ở phân khúc B sẽ bán đầu tiên cho khách Việt Nam.