Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, bất chấp dịch bệnh Covid-19, thu hút FDI của tỉnh vẫn đạt nhiều thành tựu. Đặc biệt, những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Sếp LEGO nêu lý do chọn Việt Nam xây nhà máy tỷ đô
Ngày 15/9, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo chuyên đề về “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam đã tiết lộ lý do chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á để xây dựng nhà máy tỷ đô đặt ở Bình Dương.
Theo ông Elnef, dự án đầu tư tỷ USD của LEGO tại Bình Dương là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Ásau Trung Quốc (như Sputnik trước đó đã thông tin). Bàn về lý do chọn Việt Nam, sếp LEGO khẳng định việc rót đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương để thực hiện dự ánlà vì chứng kiến những năm qua, Việt Nam có thị trường tốt, đón nhận các nhà đầu tư nồng nhiệt.
“LEGO nhìn thấy những điều kiện tốt nhất để xây dựng một nhà máy hiện đại, phù hợp định hướng sản xuất kinh doanh của tập đoàn với mục tiêu trung hòa carbon”, ông Preben Elnef cho biết.
Về việc chọn Việt Nam để mở nhà máy, đại diện LEGO lý giải thêm rằng, không phải xuất phát từ tận dụng chi phí lao động giá rẻ, mà hãng nhìn thấy sự phát triển ở thị trường Việt Nam, đồng thời có thể mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó đáp ứng nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
Dù thực tế hiện nay, giá các món hàng LEGO được xem là khá cao so với thu nhập của người Việt, tuy nhiên, theo ông Preben Elnef, LEGO chọn Việt Nam để đầu tư với lý do quan trọng gần gũi với trẻ em, tạo điều kiện chơi và học hỏi; sự hiện diện của một nhà máy ở đây sẽ giúp thêm nhiều trẻ em tiếp cận được với trò chơi này.
Ông Preben Elnef cũng khẳng định quá trình lựa chọn nơi đặt nhà máy rất mất thời gian và Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á mà tập đoàn này đầu tư xây dựng nhà máy, bởi có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu.
Cùng với đó, Bình Dương có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua với hạ tầng phù hợp trong mối liên hệ với khu vực và quốc tế, đảm bảo cho tầm nhìn phát triển của LEGO tại nhà máy trong 20 năm tới.
Sếp LEGO khẳng định, không chỉ xây dựng nhà máy và bán sản phẩm, LEGO đầu tư tại Việt Nam với mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, công ty sẵn sàng đón các đoàn tham quan nhà máy để tìm kiếm cơ hội làm ăn với tập đoàn LEGO tại Việt Nam.
“Chúng tôi có một nhóm chuyên trách có nhiệm vụ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. 5 nhà máy khác của LEGO trên thế giới cũng có mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam”, ông Preben Elnef chia sẻ.
Theo lãnh đạo LEGO Việt Nam, trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn cũng luôn ưu tiên các nhà cung ứng địa phương.
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để trở thành nhà cung cấp cho LEGO, ông Preben Elnef lưu ý, không phải quy mô, mà các nhà cung ứng cần tuân thủ các tiêu chuẩn, cùng nhau phát triển bền vững, hướng tới các giá trị bảo vệ môi trường.
Bình Dương: Hội thảo “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam"
© Ảnh : Chí Tưởng -TTXVN
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm CEO LEGO Việt Nam cho hay, hiện tập đoàn đang xúc tiến việc xây dựng nhà máy để phấn đấu đến tháng 7/2024 sẽ có sản phẩm đầu tiên. Cùng với đó, để chuẩn bị cho vận hành nhà máy, LEGO cũng đang xúc tiến tuyển nhân sự tại Việt Nam.
“10 năm nữa Việt Nam sẽ phát triển vượt bật sau khi có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của toàn cầu”, ông Elnef tin tưởng.
Làn sóng tỷ đô đổ về Bình Dương
Xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, địa phương được coi là “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương đã đón làn sóng đầu tư mới tỷ USD trong bối cảnh dịch COVID-19, đem lại tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài dự án LEGO vừa rót vốn hơn 1 tỷ USD vào KCN VSIP III, hàng chục dự án đầu tư mới đang chuyển hướng đến Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng.
Nhờ vào môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
Chỉ tính riêng trong 8 tháng năm 2022, Bình Dương đã thu hút gần 2,6 tỷ USD gồm 49 dự án mới, 13 dự án điều chỉnh tăng vốn và 131 dự án góp vốn mua cổ phần.
Tính lũy kế đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh hiện có 4.064 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 39,6 tỷ USD. Đồng thời, Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau Tp. Hồ Chí Minh.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù dịch bệnh xảy ra trong nhiều năm liên tiếp, kinh tế thế giới vẫn đang trong "vòng xoáy" của dịch COVID-19 nhưng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng cao.
Riêng tại Bình Dương, dù là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh nhưng tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung vẫn có sự tăng trưởng rất khả quan. Đặc biệt, trong 8 tháng năm 2022, Bình Dương ghi nhận sự phục hồi rất mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,36% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,6%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo vẫn là ngành đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2/63 tỉnh thành, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt hạng 6/63; cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) đạt hạng 13/63 tỉnh thành phố. Bình Dương cũng vinh dự nằm trong top 7 địa phương, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Hiện Bình Dương đang chủ động tận dụng cơ hội để đón làn sóng đầu tư mới đang chuyển dịch mạnh mẽ của toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries, thuộc Tập đoàn THACO Trường Hải) cho hay, trước sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần xác định rõ đang hưởng lợi gì, có cơ hội hay không. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhanh chớp lấy cơ hội.
“Hiện nay, riêng về THACO đã đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng với chuỗi 12 nhà máy liên kết thành một chuỗi cung ứng, hệ thống này có 5.000 nhân sự”, ông Tâm nói.
Qua đó cho thấy doanh nghiệp cần hướng đến nắm lấy cơ hội về mô hình liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị… Biến cơ hội thành các hợp đồng, thì doanh nghiệp phải tận dụng các cơ hội.
Tuy nhiên, theo đại diện THACO, cần cơ chế hỗ trợ từ chính quyền, ngân hàng hỗ trợ vay vốn tài trợ và cần có giải giải pháp hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp tìm thấy cơ hội, mở ra sự kết nối, thúc đẩy phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
Đưa “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương ngày càng phát triển
Chia sẻ tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, qua thống kê mới nhất, hiện Bình Dương có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày có 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ có 953 doanh nghiệp, cơ khí có 710 doanh nghiệp. Lãnh đạo Bình Dương đánh giá, đây là cộng đồng doanh nghiệp cần kết nối, hợp tác thành chuỗi cung ứng to lớn, tạo ra giá trị kinh tế quan trọng cho nền kinh tế nâng tầm phát triển mới.
Theo Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh, để ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng nhanh và bền vững. Đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư đang gia tăng và sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bình Dương đã xác định "Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ".
Ông Minh cho hay, tỉnh Bình Dương ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, nâng cao trình độ sản xuất, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, Bình Dương đang tập trung rất mạnh mẽ thực hiện Đề án thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, thể hiện ở việc ban hành và áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển các dự án Khu công nghiệp theo hướng tập trung vào khoa học công nghệ, nghiên cứu hình thành Khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ, để thu hút tất cả doanh nghiệp.
Ông Minh lưu ý, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động, đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
“Cùng với đó, đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ để phục vụ sản xuất, tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành chuỗi cung ứng đa dạng, chặt chẽ, góp phần đưa "thủ phủ" công nghiệp Bình Dương ngày càng phát triển chất lượng và bền vững hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu.