Bài viết của Sputnik phân tích về thực trạng và tác động từ tình hình này.
«HIMARS» là đủ
Bằng lời nói, Nhà Trắng hứa hẹn hỗ trợ quân sự vô điều kiện cho Kiev. Nhưng trên thực tế, trong chính giới Washington không có sự thống nhất về vấn đề này. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Lực lượng Vũ trang là Jack Reed công khai bày tỏ mối nghi ngờ về sự cần thiết phải gửi chiến đấu cơ đến Ukraina. Trước đó, xin nhắc, Hạ viện Hoa Kỳ đề xuất phân bổ 100 triệu USD để dạy các phi công Ukraina lái máy bay tiêm kích của Mỹ.
Phát sinh nghi ngờ là chuyện dễ hiểu. Thứ nhất, các thành tố quan trọng của công nghệ quốc phòng phương Tây có thể lọt vào tay người Nga. Chỉ cần qua những mảnh vỡ và đống đổ nát của một chiếc máy bay bị bắn rơi cũng có thể biết được rất nhiều điều: hiểu tính năng thiết kế và vật liệu sử dụng, nghiên cứu thiết bị vô tuyến điện tử còn sót lại, kiểm tra kỹ lưỡng các phương tiện liên lạc và định vị-điều hướng.
Tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ
© AFP 2023 / FAYEZ NURELDINE
Thứ hai, Washington lo ngại rằng hàng không phương Tây có thể bị thua hệ thống phòng không của Nga, như vậy tự nhiên nó sẽ thành thực tế «phản quảng cáo» trên thị trường vũ khí thế giới.
Thứ ba, đào tạo lái chiến đấu cơ đâu phải là việc chỉ cần một tháng. Ngoài ra, Hoa Kỳ luôn cho dư luận hiểu rõ rằng người Mỹ không mong xung đột leo thang. Mà hiện diện của các máy bay tiên tiến đủ khả năng đánh trúng mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Nga lại có thể dẫn đến cảnh này.
"Cho đến nay, chuyện chuyển giao máy bay của chúng ta cho Ukraina chỉ là trong lời nói. Hiện tại, chúng ta chỉ cung cấp những vũ khí cần thiết để Kiev đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Chiến đấu cơ không thuộc loại thiết bị này. Tính chất hoạt động chiến sự ở Ukraina cho thấy rằng vai trò chính trong giao tranh là pháo binh. Theo nhãn quan của tôi, việc cung cấp các tổ hợp phóng loạt HIMARS và đạn dược cho họ hiện nay là đủ để Lực lượng vũ trang Ukraina có khả năng tấn công vào hậu phương của kẻ thù", - chỉ huy Không lực Hoa Kỳ Frank Kendall nhận xét.
Hồi cuối tháng 8, Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị là Colin Kahl nhấn mạnh rằng ngay cả nếu như Washington quyết định cung cấp máy bay, thì quá trình này sẽ kéo dài trong nhiều năm. Ngoài việc đào tạo nhân sự còn cần xây dựng cơ sở hạ tầng bảo trì. Đó là chưa nói đến khoảng thời gian dài để nghiên cứu chiến thuật sử dụng công nghệ.
Không có phi công
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt có hơn 300 máy bay và trực thăng của Ukraina đã bị phá hủy: một số ở sân bay căn cứ, số nữa bị bắn hạ trên không. Trong phiên chế của Không quân Ukraina còn lại không nhiều máy bay có thể cất cánh. Được biết, một số máy bay đã được nâng cấp cho phù hợp với tên lửa chống radar HARM của phương Tây. Nhưng ngay cả Kiev cũng thừa nhận rằng như vậy không đủ để tác động đáng kể đến diễn biến cuộc chiến.
Hiện hữu vấn đề thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa, là thiếu các phi hành đoàn được đào tạo. Trước đó, nguồn tin trong giới quân sự-ngoại giao thông báo Sputnik rằng các nhân sự bay đủ tiêu chuẩn hầu như đã bị tiêu diệt. Ông này giải thích về tổn thất tàn tích hàng không: Kiev ném vào hoạt động chiến sự cả những học viên dang dở của Học viện Quân sự Kharkov, vốn chưa đủ thời gian hoàn thành khoá đào tạo. Theo lời người cung cấp tin, số tổ lái này bị bắn hạ, nếu không phải ngay trong cuộc xuất kích thứ nhất thì cũng là trong chuyến bay thứ hai.
Chuyên gia quân sự Vladimir Evseev cho biết:
"Ở Ukraina thực tế không còn phi công hạng hai. Ngoài ra, đã rõ về tổn thất những «đại bàng» lão luyện nhất. Trong điều kiện hầu như không có máy bay, các phi công hạng ba có khoảng gián đoạn lớn trong chuyến bay bởi không đủ thiết bị. Thành phần đội bay đang xuống cấp. Và thậm chí khi giả định rằng từ nơi nào đó sẽ chuyển tới những mẫu máy bay mới, thì ắt là sẽ bị bắn hạ ngay trong trận chiến đầu tiên. Hãy lưu ý đến kinh nghiệm chiến đấu gần nhất của không quân Ukraina - các máy bay thậm chí không hoạt động theo cặp mà chỉ đơn lẻ. Phương pháp đó làm tăng khả năng bị bắn hạ".
Dự trữ đang cạn kiệt
Tuy nhiên, nếu Không lực Hoa Kỳ hiện chưa vội chuyển giao máy bay hiện đại, thì các loại vũ khí khác bơm đến Kiev như dòng chảy bất tận. Hơn thế nữa, các thành viên NATO đã thoả thuận về những chuyến cung cấp mới.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố phân bổ gói viện trợ mới trị giá 675 triệu USD. Trong đó bao gồm tên lửa dẫn đường chính xác GMLRS dành cho hệ thống tên lửa phản lực phóng loạt HIMARS, 4 pháo 105mm cùng với đạn dược, 100 xe bọc thép HMMWV, 50 xe y tế, tổ hợp tên lửa chống radar, hệ thống chống tăng, thiết bị rải mìn từ xa, bộ dụng cụ quan sát ban đêm và những trang thiết bị khác.
Chất đạn cho Ukraina tại căn cứ liên hợp McGuire-Dix-Lakehurst, Mỹ
© Ảnh : SrA Matt Porter/U.S. Department of Defense
Cả các đồng minh châu Âu cũng hưởng ứng lời hô hào này. Ba Lan và các nước Baltic nhất trí chuyển thêm cho Ukraina các lô hàng đạn dược, Pháp cung cấp pháo tự hành CAESAR 155 mm, Anh đảm bảo cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraina hệ thống rocket phóng loạt M770, xe bọc thép Mastiff và tên lửa phòng không Starstreak. Còn Đức hứa chuyển giao hệ thống phòng không Iris-T với radar và UAV trinh sát. Và cấp trực tiếp từ số vừa xuất xưởng, vì dự trữ của Đức đã vơi cạn.
Trong khi đó, Kiev không ngừng đòi hỏi thêm nhiều vũ khí và thiết bị quân sự hơn nữa. Thế mà các đồng minh và nhà tài trợ của Ukraina, nhất là ở EU, đang ngày càng khó đáp ứng nhu cầu. Bởi vấn đề nan giải hiện thực là không thể không gây phương hại cho khả năng phòng thủ của chính nước họ.