Đó là quan điểm do chuyên gia phân tích Dimitris Stafakopoulos Giáo sư Đại học Pantheon bày tỏ trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bùng phát leo thang đột ngột sau ngày 23 tháng 8, mà như tuyên bố của Ankara, khi các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ của NATO trên vùng trời Biển Aegean, các chiến đấu cơ đã bị «sa vào lưới radar» của tổ hợp S-300 thuộc hệ thống phòng thủ Hy Lạp đồn trú trên đảo Crete. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dự định nêu ra ở cấp NATO cáo buộc máy bay quân sự của Hy Lạp phạm lỗi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Hy Lạp sẽ phải trả "giá đắt" nếu nước này "đi xa hơn".
"Hiện thời Thổ Nhĩ Kỳ nói nhiều hơn và làm ít hơn. Nhưng dù vậy vẫn không khiến chúng tôi yên tâm. Tôi giả định rằng sẽ không xảy ra xung đột vũ trang, tuy Hy Lạp đã sẵn sàng cho khả năng này và cố gắng không để diễn ra điều gì tương tự, nhưng còn bởi chỉ một xung đột nhỏ cũng có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng, dẫn đến sự sụp đổ của NATO, nếu mà hai quốc gia thành viên va chạm với nhau", - chuyên gia Stafakopoulos nói.
Theo lời ông, nhiều khả năng NATO sẽ «xoắn tai cả hai nước» để cảnh cáo và yêu cầu tự thu xếp với nhau cho ổn thoả.
Thổ Nhĩ Kỳ đang dần chuyển hướng sang Âu-Á
Theo quan điểm của GS Stafakopoulos, cuộc chiến ở Ukraina đã chỉ ra cho nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thấy điểm yếu của phương Tây trong lĩnh vực tự chủ lương thực và nhiên liệu năng lượng, cũng như phơi bày đà suy giảm nhân khẩu học ở châu Âu. Trong khi đó, theo lời GS, Thổ Nhĩ Kỳ đang dần chuyển hướng sang Âu-Á, nơi mà nước này coi là lãnh thổ tự nhiên của mình, là địa bàn có tiềm năng về lương thực, nhiên liệu năng lượng và duy trì tốc độ tăng trưởng nhân khẩu học. Tổng thống Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phát triển và tồn tại trong tình hình hiện nay, khác biệt với thế giới phương Tây - bao gồm cả Hy Lạp - sẽ biến mất sau 30-40 năm nữa bởi những nguyên nhân hiện thực như thiếu thốn lương thực, nhiên liệu năng lượng và khủng hoảng nhân khẩu học.