Đồng Việt Nam suy giảm kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp chính sách tiền tệ?

Theo Bloomberg, đồng tiền nội tệ của Việt Nam (VND) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục gây nên nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam sẽ can thiệp để kiềm chế đà giảm giá trị VND và đưa ra chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt.
Sputnik
Tỷ giá USD/VND biến động mạnh tuần qua và chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam đang thu hút sự chú ý của giới phân tích tài chính trong nước cũng như quốc tế.

Đồng Việt Nam thấp kỷ lục

Theo Bloomberg, tiền đồng của Việt Nam hôm thứ Sáu (16 tháng 9) đã suy yếu kỷ lục. Theo đó, giá trị của VND so với USD đã xuống mức thấp nhất mọi thời đại, vượt cả mốc “sàn” trước đó từng được thiết lập vào năm 2020.

“Tiền đồng của Việt Nam đã giảm tới 0,16% xuống 23.650 đồng/USD vào thứ Sáu, mức thấp nhất kể từ năm 1993”, - theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Như Sputnik đã đề cập, hôm 16/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm quy đổi Đồng Việt Nam so với USD ở mức 23.283 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm tăng ba phiên liên tiếp trong tuần giao dịch từ 12-16/9 với tổng mức tăng là trên 39 đồng.
Cùng với đó, tỷgiá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chốt phiên cuối tuần được giữ ở mức 22.550 đồng (mua vào) và 23.400 đồng (bán ra). Cùng với đó, với biên độ dao động +/- 3% theo tỷ giá trung tâm, giá sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch hôm nay dao động trong vùng 22.585-23.981 đồng/USD, mức tăng rất mạnh và là kỷ lục trong 3 năm qua cho thấy đà giảm giá mạnh của đồng Việt Nam đối với đô la Mỹ.

“Đồng tiền (VND) cũng chịu áp lực khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất củng cố sức mạnh đồng đô la Mỹ”, - Bloomberg phân tích.

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp?

Mạnh Hùng, một chuyên gia phân tích của TVI, một công ty nghiên cứu và đầu tư cổ phiếu có trụ sở tại Hà Nội cho biết thế yếu và đà giảm của VND có thể được kìm ở mức hiện tại vì “Ngân hàng Nhà nước có thể sẵn sàng bán USD ra thị trường nhằm để ổn định tỷ giá tiền đồng”.
Thực tế, các thị trường mới nổi như Việt Nam đang phải vật lộn với sự sụt giảm mạnh của đồng tiền quốc gia ngay cả khi các Chính phủ các nước đều đã nỗ lực đưa ra phản ứng kịp thời và chính sách tài khoá, tiền tệ hợp lý với việc đồng bạc xanh Hoa Kỳ tăng giá.
Đồng peso của Philippines chạm mức thấp kỷ lục vào thứ Sáu trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu nghiêm trọng. Tỷ giá NDT ở thị trường trong nước Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng 7 ăn 1 đô la Mỹ trong phiên giao dịch hôm 16/9 vừa qua.
Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẵn sàng bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, như lời Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định hồi tháng 8.
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được cho là đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ.
Qua đó đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, tuy nhiên vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Tỷ giá USD/VND lập đỉnh lịch sử, chuyện gì đang xảy ra với Đồng Việt Nam?

Tỷ giá USD/VND: Việt Nam cần giữ giá trị đồng tiền

Như đã biết, vào đầu tuần mới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp chính sách định kỳ (ngày 20 và 21/9).
Cũng vì động tĩnh của FED mà biến động tỷ giá ở Việt Nam ngày càng mạnh, nhiều mốc kỷ lục mới đang được thiết lập.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn sâu có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều có những bước đi “đệm trước”, chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá, tránh gây “sốc” thị trường và điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt.
Như Sputnik đưa tin, đề cập quan điểm tại phiên thảo luận tổng thể Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 ngày 18/9 với sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá vì đây là phòng tuyến quan trọng cho "trận đánh" lạm phát.
Lập trường “Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá” này ông Phước cũng đã lưu ý tại Hội nghị về ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam với Thủ tướng hôm 12/9.

“Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá”, - TS. Trương Văn Phước nêu rõ.

Nói về việc “bảo vệ thành trì” chống lạm phát, nguyên quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia lập luận giữ tỷ giá ổn định là “phòng tuyến sông Cầu cho lạm phát”.

“Nếu vỡ phòng tuyến tỷ giá này thì lạm phát sẽ tràn vào, vô cùng khó khăn”, - ông Phước so sánh.

Phân tích tình hình tỷ giá hiện nay, ông Phước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đứng trước 2 khó khăn. Đó là, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam thì không dễ dàng gì.
Do đó, TS. Trương Văn Phước đề nghị, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển vào trong tương lai.

“Đây là vấn đề cân nhắc và sự đánh đổi đó là hết sức cần thiết cho Việt Nam”, - chuyên gia lưu ý.

“Việt Nam chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ”

TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thì lên tiếng cảnh báo, dòng vốn tháo chạy sẽ mạnh mẽ, nếu nới lỏng hơn nữa tỷ giá hơn nữa thời gian tới.
Là một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, ông Võ Trí Thành nêu quan điểm cho rằng, với áp lực lạm phát như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần thận trọng với cung tiền và cần kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%.
Theo TS. Thành, đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, khi đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Trong khi đó, GS.Andreas Hauskrecht, từ Đại học Indiana, Hoa Kỳ cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam không nên hạ giá thấp tiền đồng.
Theo chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước không có chính sách can thiệp, để đồng nội tệ Việt Nam bị mất giá quá sâu, sẽ gây nên rủi ro tài chính.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong tháng cuối năm 2022 và 2023, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sẽ ngày càng rõ rệt hơn.

“Yếu tố này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD”, - chuyên gia Hauskrecht cảnh báo.

Cho rằng, đồng tiền Việt Nam thời gian tới sẽ tăng mạnh so với euro và các đồng tiền khác. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, chung quy lại, Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, cũng không tăng lãi suất bởi có thể gây bất ổn tài chính.
Về vấn đề này,Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt đảm bảo tăng trưởng chung của hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
“Kinh tế Việt Nam đang tương đồng với Nhật Bản thập niên 1970”
Mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay cho rằng, Việt Nam phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái, khả năng tiền đồng sẽ tiếp tục mất giá đáng kể và kiến nghị, Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Việt Nam nên dùng các công cụ tài chính thận trọng, an toàn”, - GS Hauskrecht khuyến nghị.

Thảo luận