“Mục tiêu đã được tuyên bố về tham vọng giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt từ Nga giai đoạn 2022-2023 là không thể thực hiện được nếu không có việc ngừng sản xuất trên diện rộng”, - các chuyên gia nhận định.
Họ lý giải rằng mặc dù có tin các kho dự trữ được bơm đầy, nhưng châu Âu vẫn chưa khắc phục được tình trạng phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu xanh cho đến cuối năm 2022, các quốc gia thuộc khu vực này cần duy trì nguồn cung cấp khí đốt của Nga hoặc cắt giảm mức tiêu thụ thêm 7-12 tỷ mét khối, một mục tiêu mà muốn thực hiện được cần phải chấm dứt hoàn toàn hoặc một phần hoạt động của một số ngành.
"Hiện tại, 70% công suất sản xuất phân đạm ở châu Âu đã dừng hoạt động, sản xuất nhôm giảm 25%, sản xuất thép giảm 5%", - công ty Yakov và Partners ước tính.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng rất có thể quá trình này còn tiếp diễn ngay cả khi mùa đông năm nay không lạnh lắm.
Các chuyên gia thừa nhận châu Âu đã làm rất tốt việc đa dạng hóa nguồn cung. Đến tháng 9, có thể đảm bảo lượng bơm đầy trung bình của các khó chứa khí đốt dưới lòng đất đạt 85% do gia tăng nhập hàng từ các nhà cung cấp thay thế và giảm tiêu thụ khí đốt, chủ yếu trong ngành công nghiệp. Nguồn cung cấp LNG tăng 30% so với năm 2021. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng gia tăng tốc độ giao hàng nhanh hơn nữa để thay thế cho các nguồn cung cấp từ Nga vào năm 2022 đang gặp trở ngại do công tác hậu cần, chủ yếu là các hạn chế kỹ thuật đối với việc tiếp nhận LNG vào EU, lý do là thiếu nhiều cơ sở thiết bị đầu cuối kết nối vào mạng lưới đường ống phân phối.
"Khi duy trì được việc giảm mức tiêu thụ khí đốt như bây giờ, các nước châu Âu vẫn thiếu khí đốt cho mùa sưởi ấm 2022/2023 ít nhất là 10 tỷ mét khối, ngay cả trong trường hợp thời tiết ôn hòa vào mùa đông, giữ được khối lượng nhập khẩu LNG ở mức cao nhất và dùng hết toàn bộ lượng khí đốt dự trữ trong các kho chứa dưới lòng đất của họ", - các chuyên gia phân tích.
Họ nhắc lại rằng các nhà phát triển mỏ khí đá phiến ở Mỹ đã tuyên bố rằng khả năng tăng nhanh nguồn cung cho châu Âu vào mùa đông tới là hạn chế. Ngoài ra còn có các nguy cơ khác, như nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc phục hồi, thời tiết mùa đông lạnh giá hoặc chuỗi cung ứng thay thế bị gián đoạn.
"Nếu rủi ro xảy ra, lượng thâm hụt có thể tăng lên đến 20-30 tỷ mét khối. Tất cả những điều đó cho thấy các nước châu Âu sẽ tiếp tục giảm tiêu thụ hoặc sẽ buộc phải tăng mua hàng từ Nga", -các nhà phân tích kết luận.