Lục địa già đang tìm kiếm giải pháp từ những nguồn nhiên liệu khác cho sưởi ấm, mà viên nén gỗ là một ứng viên sáng giá.
Trong bối cảnh đó, ngành viên nén gỗ Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn để mở rộng sản xuất và phát triển thị trường.
Mới đây, cơ quan tư vấn thuế của Chính phủ Việt Nam đã đề xuất áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này, ở mức từ 5% đến 10%.
Cơn ác mộng mùa đông của châu Âu
Theo một nghiên cứu của Yakov&Partners, các nước châu Âu sẽ phải đối diện với một mùa đông 2022 nhiều khó khăn nếu không có nguồn cung khí đốt của Nga.
Châu Âu đã đạt được tỷ lệ lấp đầy các kho chứa khí đốt dưới lòng đất ở mức cao (85% đến giữa tháng 9) bằng cách tăng nguồn cung từ các nhà cung cấp thay thế và giảm tiêu thụ khí đốt trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, châu Âu vẫn chưa thể vượt qua sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
“Để đáp ứng như cầu về nhiên liệu xanh cho đến cuối năm 2022, các quốc gia châu Âu sẽ cần duy trì nguồn cung cấp khí đốt từ Nga hoặc cắt giảm mức tiêu thụ thêm 7-12 tỷ m3, điều chỉ có thể thực hiện được khi đóng cửa một phần hoặc toàn bộ ngành công nghiệp. Hiện nay châu Âu đã ngừng 70% công suất sản xuất phân đạm, 25% sản xuất nhôm, 5% sản xuất thép và tình trạng này sẽ còn tiếp diễn ngay cả trong trường hợp mùa đông không quá lạnh”, - Yakov&Partners dự báo.
Ước tính, Liên minh châu Âu (EU) có thể thiếu hụt ít nhất 10 tỷ m3 khí đốt cho mùa đông sắp tới, khi các nhu cầu về sưởi tăng lên.
Mức thiếu hụt này được tính toán kể cả trong điều kiện mùa đông không quá lạnh giá, duy trì khối lượng nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) kỷ lục, sử dụng tối đa khối lượng khí đốt từ các kho chứa dự trữ dưới lòng đất và tiết kiệm tiêu thụ.
Trong trường hợp nhu cầu khí đốt hoá lỏng ở Trung Quốc tiếp tục phục hồi, mùa đông lạnh giá và kéo dài, các sự cố làm gián đoạn chuỗi cung ứng xảy ra thì tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa và châu Âu có thể thiếu tới 20-30 tỷ m3 khí đốt.
Viên nén gỗ - Vị cứu tinh cho mùa đông châu Âu
Như Sputnik đã đưa tin trước đó, bối cảnh như vậy đã khiến sản phẩm viên nén gỗ được nhiều quốc gia chú ý. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của châu Âu dự kiến sẽ tăng khi mùa đông sắp tới. Đây chính là cơ hội cho các sản phẩm mới như viên nén gỗ Việt Nam được xuất sang EU.
Viên nén gỗ có độ ẩm thấp, độ tro thấp và nhiệt lượng phát ra cao, an toàn cho sức khỏe người sử dụng nên ngày càng được ưa chuộng trên những thị trường yêu cầu nhiệt độ cao.
Viên nén gỗ được xem là một dạng năng lượng tái tạo trung tính carbon. Do đó, các nhà máy điện có thể chuyển đổi hệ thống sử dụng nhiên liệu than sang hệ thống đốt viên nén hoặc sử dụng đồng thời cả than và viên gỗ nén làm nguyên liệu.
Trong công nghiệp, người ta còn dùng viên nén gỗ quy mô lớn để làm tăng giá trị nhiệt của chất thải và làm giảm lượng phát thải ô nhiễm.
Trong sinh hoạt, người dân châu Âu có thể dùng viên nén gỗ trong các lò sưởi nhỏ và hệ thống cung cấp nước nóng như một giải pháp thay thế cho lò sưởi điện hay khí đốt.
EU mất đi nguồn cung khí đốt Nga là cơ hội của viên nén gỗ Việt Nam
Theo báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách” vừa được Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) công bố, việc nhu cầu cầu và giá viên nén gỗ tại thị trường quốc tế tăng cao đã tạo cơ hội cho viên nén Việt Nam mở rộng sản xuất và thị trường xuất khẩu.
Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Forest Trends, cho rằng viên nén gỗ chỉ mới xuất hiện chưa tới 10 năm, nhưng đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu cực kỳ nhanh.
Trong năm 2018, xuất khẩu viên nén đã tăng 67% về khối lượng và tăng 120% về giá trị so với năm 2017, cán mốc 362 triệu USD về giá trị xuất khẩu.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ Việt Nam đạt 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng viên nén xuất khẩu đã tương đương 67,33% tổng lượng viên nén xuất khẩu trong năm 2021.
Giá xuất khẩu viên nén cũng đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022, lên gần 150 USD/tấn, tăng hơn 27% so với giá bình quân năm 2021.
Mặc dù hiện Việt Nam chưa phải là quốc gia cung cấp viên nén lớn cho các nước EU khi có đến gần 100% lượng viên nén của Việt Nam được xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo TS. Tô Xuân Phúc, lượng và giá viên nén xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhu cầu sử dụng viên nén tại các nước EU tăng đột biến.
"Các nước EU quay lưng lại với nguồn khí đốt từ Nga khi xung đột Nga – Ukraina nổ ra, dẫn đến viên nén nhập khẩu đang được sử dụng để thay thế cho nguồn cung khi đốt đã mất đi này. Cầu và giá viên nén tại EU tăng cao, tạo ra sức hút từ các nguồn cung lớn đặc biệt là từ Mỹ - quốc gia xuất khẩu viên nén lớn nhất trên thế giới", - ông Phúc phân tích.
Trong bối cảnh mùa đông sắp đến, EU đang tăng cường nhập khẩu viên nén để đáp ứng nhu cầu sưởi, ngành viên nén của Việt Nam sẽ có lợi thế từ sự thay đổi cung – cầu mặt hàng này trên thế giới.
Thêm vào đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đang chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Chính vì thế, nhu cầu sử dụng viên nén tại các quốc gia này sẽ còn tăng trong tương lai.
Trong một diễn biến mới đây, Trung Quốc cũng đang có động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén. Dự kiến, nhu cầu viên nén tại đất nước tỷ dân cũng sẽ tăng mạnh.
Chính phủ Việt Nam sẽ áp thuế viên nén gỗ?
Theo ghi nhận của Viforest, hiện Việt Nam có trên 300 cơ sở sản xuất viên nén. Nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu đến từ 2 nguồn chính.
Cụ thể, nguồn nguyên liệu thứ nhất là từ phụ phẩm của thu hoạch rừng trồng, bao gồm gỗ nhỏ, chủ yếu là cành, ngọn, đầu mẩu gỗ vụn, bìa bắp.
Ước tính, nguồn nguyên liệu rừng trồng trong nước chiếm khoảng trên 90% trong tổng lượng cung nguyên liệu cho sản xuất viên nén hiện nay của Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu thứ 2 là từ nguồn dăm bào, mùn cưa, gỗ vụn thu mua từ các xưởng, các cơ sở chế biến đồ gỗ. Nguồn cung này hiện chiếm khoảng dưới 10% tổng lượng cung gỗ nguyên liệu cho cả ngành viên nén.
Năm 2022, do thiếu nguyên liệu đầu vào, một số doanh nghiệp sản xuất viên nén phải sử dụng nguyên liệu “tạp” hơn, đồng thời mở rộng mạng lưới thu mua nguyên liệu đầu vào ở các địa bàn xa hơn.
Viforest khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu viên nén (kể cả các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ, dăm, ván ép… có sử dụng gỗ rừng trồng) cần chủ ý tạo lập ra các vùng nguyên liệu, bằng cách liên kết với các hộ dân trồng rừng.
Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập cho biết, thuế xuất khẩu viên nén Việt Nam hiện vẫn là 0%. Gần đây, Chính phủ đang xem xét khả năng áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này. Cơ quan tư vấn thuế của Chính phủ gợi ý mức thuế có thể đưa ra là 5% hoặc 10%.
Cơ quan tư vấn thuế cho rằng, nguyên liệu làm viên nén sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng đầu vào và không qua chế biến sâu nên cần hạn chế xuất khẩu, nhằm đảm bảo giữ lại nguồn nguyên liệu trong nước.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan, ban ngành, bao gồm Viforest, Tổng cục Lâm nghiệp và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phản đối đề xuất áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng này.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, nguyên liệu sản xuất viên nén không hề cạnh tranh với nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ. Nguyên liệu sử dụng để sản xuất viên nén hiện nay chủ yếu là nguồn phế phụ phẩm của ngành gỗ. Nếu bán được mùn cưa, vỏ bào,… các cơ sở chế biến gỗ sẽ có thêm thu nhập.
“Nếu áp dụng thuế xuất khẩu viên nén tại thời điểm hiện tại không những có thể gây lãng phí đối với nguồn nguyên liệu này mà còn trực tiếp tác động tiêu cực tới các bên tham gia chuỗi, bao gồm các hộ trồng rừng, các cơ sở xẻ bóc gỗ, và các cơ sở sản xuất đồ gỗ. Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ không nên áp thuế xuất khẩu viên nén”, - Chủ tịch Viforest chia sẻ.
Vifores cũng đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp triển khai nghiên cứu về mặt hàng viên nén gỗ, đồng thời quy hoạch ngành viên nén, từ nguyên liệu, sản xuất, xuất khẩu để phát triển bền vững, hài hòa giữa các lĩnh vực chế biến, xuất khẩu dăm gỗ, và viên nén.
Theo dự báo của các chuyên gia có kinh nghiệm, rất có thể chỉ trong vài năm nữa, xuất khẩu viên nén sẽ đem về cả tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho Việt Nam.