Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, các quốc gia phải tự chủ về phát triển kinh tế, xã hội đối với đất nước, không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ hay trợ giúp từ bên ngoài. Mỗi nước phải tự bảo vệ mình, tự phát triển, tự cứu lấy chính mình, tham gia hiệu quả vào công việc chung của LHQ.
Quan hệ Việt Nam - LHQ ngày càng phát triển
Như đã biết, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc (LHQ - tổ chức đa phương lớn nhất trên thế giới hiện nay) ngày 20/9/1977. Kể từ đó, Việt Nam luôn là một đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của LHQ.
Ngày 20/9/2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam là thành viên của LHQ, góp phần kiến tạo môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã có những trao đổi với báo chí nhân sự kiện 45 năm Việt Nam là thành viên của LHQ này. Trong đó, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, 45 năm là một chặng đường dài trong quan hệ Việt Nam-LHQ.
“Chúng ta luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của Liên hợp quốc trong những ngày đầu mới trở thành thành viên LHQ trong giai đoạn Việt Nam còn hết sức khó khăn, tái thiết đất nước sau chiến tranh và bắt đầu công cuộc phát triển kinh tế-xã hội”, ông Giang bày tỏ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) và Tổng Thư ký António Guterres.
© Ảnh : UN Photo/Mark Garten
Đại sứ khẳng định, LHQ đã luôn hỗ trợ Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn ấy. Có những thời điểm viện trợ của LHQ lên tới 60% tổng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu bao vây, cấm vận. Trong giai đoạn hiện nay, LHQ cũng luôn là đối tác hàng đầu trong hỗ trợ Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nói về những thành tựu của Việt Nam trong suốt 45 năm là thành viên LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp hết sức tích cực vào nâng cao vai trò của LHQ, xây dựng hệ thống luật pháp quốc tế, xây dựng các chuẩn mực quốc tế để tất cả các nước cùng tuân thủ, vì một xã hội công bằng, phát triển, cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh cho thế giới.
“Có thể nói là trong 45 năm qua, chúng ta đã khẳng định rằng những thành công của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển đất nước cũng chính là những thành công của LHQ, hướng đến mục tiêu một thế giới phồn vinh, thịnh vượng và hòa bình, ổn định cho mọi người dân”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh.
Ông cho biết thêm, đối với những mục tiêu phát triển bền vững hay mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà LHQ đặt ra trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai hết sức tích cực, thành công, cho thấy rằng những mục tiêu của LHQ đề ra cho cộng đồng quốc tế hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Cùng với đó, sự hiện diện của Việt Nam tại các cơ chế và các cơ quan của LHQ ngày càng rõ ràng hơn. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia tích cực, trở thành ủy viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong hai nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, của Ủy ban Kinh tế xã hội của LHQ (ECOSOC) hay tham gia vào những cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO).
Việt Nam cũng 2 lần đảm nhiệm vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế LHQ và gần đây nhất trở thành Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ lần thứ 2. Bên cạnh đó, trên thực tiễn, Việt Nam cũng đã cử quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và ngày càng đóng góp hiệu quả vào duy trì hòa bình, an ninh ở rất nhiều khu vực trên thế giới.
Theo Trưởng Đại diện Việt Nam tại LHQ, những đóng góp của Việt Nam cũng thể hiện rõ ở chỗ Việt Nam từ một nước phải nhận viện trợ của LHQ, kém phát triển, hiện nay đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình, trình độ phát triển tương đối cao và đang tiếp tục triển khai các mục tiêu lớn lao của LHQ trong thời gian tới.
“Chúng ta có thể tự hào rằng trong hơn 40 năm qua, quan hệ Việt Nam-LHQ ngày càng phát triển, với đường lối đối ngoại đúng đắn, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đóng góp cho LHQ cũng như LHQ hỗ trợ cho Việt Nam”, Đại sứ cho hay.
Theo ông Giang, đây là mối quan hệ hai chiều và sẽ đem lại những lợi ích hết sức thiết thực cho không chỉ Việt Nam mà còn cho khu vực và thế giới.
Tự cứu lấy chính mình
Theo Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ), càng tham gia sâu vào công việc chung của LHQ và công việc chung của các cơ chế đa phương, càng thấm thía một điều là “các quốc gia phải làm chủ vận mệnh của mình”.
Theo phân tích của Đại sứ Đặng Hoàng Giang, một quốc gia không thể đóng góp cho sự nghiệp chung nếu như quốc gia đó vẫn còn nghèo đói, vẫn còn khó khăn, vẫn còn chậm phát triển. Một quốc gia cũng không thể nào đóng góp hiệu quả cho cơ chế đa phương cũng như LHQ nếu như quốc gia đó chìm trong bạo lực, chìm trong xung đột.
“Chính vì vậy, yếu tố then chốt quan trọng là các quốc gia phải làm chủ vận mệnh của mình. Tự chủ ở đây chính là tự chủ về phát triển kinh tế, xã hội đối với đất nước, không thể trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ hay trợ giúp từ bên ngoài”, ông Giang chỉ rõ.
Để làm được, trước hết, theo Đại sứ, mỗi nước phải tự bảo vệ mình, tự phát triển, tự cứu lấy chính mình, tham gia hiệu quả vào công việc chung của LHQ. Yếu tố này cũng thể hiện ở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.
“Chúng ta có độc lập, tự chủ thì trong cơ chế đa phương chúng ta mới không bị lôi kéo, dẫn dắt”, Đại sứ lưu ý.
Theo nhà ngoại giao, có độc lập, tự chủ mới có thể đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp chung trên lập trường, nguyên tắc, đóng góp vào xây dựng các biện pháp và giải pháp, xử lý được các vấn đề toàn cầu.
“Ở đây, chúng ta hết sức thấm thía cơ đồ, vị thế và vai trò của quốc gia trên trường quốc tế ảnh hưởng, tác động chi phối tới những đóng góp của ta trong các cơ chế đa phương”, ông Giang chia sẻ và cho biết, cũng từ sự đóng góp hiệu quả tại các cơ chế đa phương này, chúng ta có thể tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, cơ đồ của đất nước.
Điểm thứ hai mà Đại sứ Đặng Hoàng Giang coi đánh giá “hết sức quan trọng” đó là Việt Nam tham gia LHQ và các cơ chế đa phương dựa trên lẽ phải.
Ông lý giải, điều này chính là đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ dựa trên luật pháp quốc tế, đóng góp vào việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng những nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương LHQ như bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng chủ quyền quốc gia.
“Không can thiệp vào công việc nội bộ mỗi nước, không sử dụng vũ lực đe dọa các nước để đảm bảo cho các cơ chế đa phương vận hành một cách hiệu quả”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu rõ.
Điểm thứ ba, theo ông Đặng Hoàng Giang, phải đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của cộng đồng quốc tế.
“Một quốc gia không thể vị kỷ chỉ bảo vệ lợi ích cho mình, phải hài hòa lợi ích của mình với lợi ích chung và như vậy mới có thể giải quyết được những vấn đề toàn cầu”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nêu quan điểm.
Ưu tiên của Việt Nam
Những thành công của Việt Nam tại LHQ đóng vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Từ góc nhìn của mình, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng, một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các vấn đề toàn cầu đặt ra hết sức gay gắt, việc đóng góp vào các công việc chung của LHQ cũng như các diễn đàn đa phương, hay nói cụ thể hơn là đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới cũng chính là đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, phát triển cho quốc gia mình.
“Có thể thấy rõ điều này qua việc chúng ta không thể nào đảm bảo môi trường nước mình hòa bình, ổn định nếu như các quốc gia xung quanh khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột”, Đại sứ dẫn chứng.
Theo ông Giang, Việt Nam không thể đảm bảo mình an toàn trước dịch bệnh khi các quốc gia xung quanh còn đang hứng chịu hậu quả dịch bệnh. Hay trong vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam hay bất kỳ nước nào cũng không thể an toàn khi cả thế giới đang chịu các nguy cơ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Do đó, đóng góp vào giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng chính là đảm bảo cục diện, môi trường hòa bình ổn định cũng như đảm bảo điều kiện để chúng ta phát triển ổn định, bền vững.
Theo Đại sứ, qua việc đóng góp vào các công việc chung Việt Nam có thêm bạn bè, xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, từ đó giúp tăng thêm nguồn lực phát triển đất nước.
“Tôi cho rằng đây là yếu tố hết sức then chốt, có ý nghĩa, tạo đà cho chúng ta tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương giải quyết các vấn đề toàn cầu”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định.
Trong bối cảnh thế giới hiện đang phải đối mặt với rất nhiều cuộc khủng hoảng đan xen, vừa là những thách thức về hòa bình, an ninh, vừa là những thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, theo Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, mục tiêu lớn tại các diễn đàn đa phương của Việt Nam vẫn là làm sao để duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới và của chính đất nước.
Tiếp đó là phải làm sao đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm. Để đạt được hai mục tiêu này thì tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại LHQ, Việt Nam phải làm sao tìm mọi cách hợp tác cùng các nước để giải quyết các vấn đề chung. Ông Giang cho rằng có một số nội dung cần thúc đẩy.
Thứ nhất là đảm bảo duy trì đoàn kết quốc tế, giải quyết các vấn đề toàn cầu. Thứ hai, tiếp tục đề cao các giá trị, vai trò của luật pháp quốc tế để các nước phải tuân thủ, xây dựng luật lệ chung, quy định chung trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Thứ ba, cùng gánh vác, chia sẻ trọng trách xây dựng thế giới, đưa ra những sáng kiến, đề ra những biện pháp xây dựng một thế giới an toàn, ổn định, phục vụ lợi ích của tất cả các dân tộc.