Cơ hội gạo Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ liên quan nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và có giải pháp ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân Việt Nam.
Sputnik
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đánh giá đây là cơ hội chưa từng có để đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại ngũ cốc đang tạo động lực giúp gạo Việt Nam tăng cả lượng, giá trị trong năm 2022.

Việt Nam “nghiên cứu việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo”

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 6263/VPCP-KTTH ngày 21/9/2022 về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Công văn của Chính phủ nêu rõ, ngày 15/9/2022, báo Kinh tế Sài Gòn có có đưa thông tin “Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo?”: Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022).
Cùng với đó, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).
Nguyên nhân chính của lệnh cấm xuất khẩu gạo này là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực toàn cầu.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo bất ngờ của Ấn Độ giúp Việt Nam hưởng lợi
Đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu bài báo nêu trên.
Ngoài ra, theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ này phải kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung nếu vượt thẩm quyền.

Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2022 Việt Nam xuất khẩu 718.081 tấn gạo, tương đương 339,56 triệu USD.
Gạo Việt được xuất khẩu với giá trung bình 472,9 USD/tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng 19% kim ngạch, nhưng giá giảm nhẹ 3,4% so với tháng 7/2022. So với tháng 8/2021 thì tăng mạnh 44,4% về lượng, tăng 40% kim ngạch nhưng giảm 3% về giá.
Tính chung trong 8 tháng năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,79 triệu tấn, tương đương trên 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về khối lượng, tăng 9,9% về kim ngạch so với 8 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 486,5 USD/tấn, giảm 9%.
Về thị trường, hiện Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,89 triệu tấn, tương đương 1,06 tỷ USD.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 11,5% trong tổng kim ngạch, đạt 520.445 tấn. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 8/2022 tăng rất mạnh 96% về lượng và tăng 82% kim ngạch so với tháng 7/2022, đạt 54.223 tấn, tương đương 26,47 triệu USD.
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế đối với các loại gạo khác
Xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường FTA RCEP đạt 3,23 triệu tấn, tương đương 1,54 tỷ USD, tăng 24% về lượng, tăng 13,9% kim ngạch.
Xuất khẩu sang các thị trường CPTTP đạt 377.271 tấn, tương đương 185,45 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 12,2% kim ngạch.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thống kê ngày 26/8 vừa qua cho thấy, giá gạo xuất khẩu 5% tấm, 25%, tấm của Việt Nam lần lượt ở mức 393 USD/tấn và 378 USD/tấn. Mức giá này đều thấp hơn các mức giá 418 USD/tấn, 397 USD/tấn của gạo Thái Lan cùng loại. Tuy vậy, giá gạo Việt Nam ghi nhận cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan.
Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện khoảng 479 USD/tấn, giảm khoảng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, Việt Nam đủ lượng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch Xuất khẩu đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Cơ hội chưa từng có để Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới

Như Sputnik đã thông tin, Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cùng với Ấn Độ và Thái Lan. Đồng thời, là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với 24,5% thị phần.
Trước đó, chính quan chức Ấn Độ cũng lên tiếng cho rằng, giá gạo Ấn Độ với mức thuế cao hơn sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và có khả năng khiến người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam, cộng thêm lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây thiệt thòi rất lớn.
Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu. Vì vậy, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể là cơ hội để Việt Nam và Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu.
Trước đó, đánh giá về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cũng cho biết, đây là cơ hội để gạo Việt Nam chiếm lĩnh thị trường.
Việt Nam vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo: Tại sao không?
Cụ thể, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, mã HS 10064.000, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022. Chính sách mới của Ấn Độ đã ngay lập tức tác động đến thị trường gạo thế giới.
Khảo sát tại các sàn giao dịch lớn cho thấy, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam đang ở đà tăng mạnh. Động thái này của Ấn Độ được dự báo thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm nguồn thay thế tăng cao, đồng nghĩa với việc giá gạo sẽ được nâng lên, bởi nguồn cung khan hiếm.
“Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại ngũ cốc đang tạo động lực giúp gạo Việt Nam tăng cả lượng, giá trị trong năm 2022”, - Thương vụ cho hay.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu với gạo Việt ngày càng tăng có thể thúc đẩy giá gạo tăng theo, sự sụt giảm số lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tăng xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới và tăng giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới.
“Đây là cơ hội chưa từng có để đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới”, - Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ lưu ý.
Thảo luận