Giám đốc truyền thông của Gasum, bà Olga Vyasyanen nói với tờ báo rằng công ty tiếp tục nhập khẩu khí hóa lỏng từ Nga sang Phần Lan, việc giao hàng bằng đường biển được thực hiện trung bình 2,5 lần mỗi tháng. Gasum có hợp đồng cung cấp LNG dài hạn ký riêng với Gazprom Export, trong đó không có điều khoản thanh toán bằng đồng rúp như trường hợp cung cấp theo đường ống.
"Về vấn đề này, hợp đồng vẫn còn hiệu lực nên chúng tôi tiếp tục nhập khẩu", - bà Vyasyanen nói.
Ở đây nói về mô hình được gọi là hợp đồng "lấy hoặc trả tiền", theo đó công ty cam kết mua một khối lượng LNG nhất định hàng năm từ Nga.
“Điều này có nghĩa là chúng tôi nhận khí đốt và trả tiền thanh toán, hoặc chúng tôi không nhận hàng nhưng vẫn phải trả tiền”, - người phát ngôn của Gasum giải thích.
Theo chuyên gia chuyên về thị trường khí đốt Heikki Lindfors, việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sẽ chỉ dừng lại khi có "lệnh trừng phạt về chính trị". Ông cho biết, theo mô hình hợp đồng "lấy hoặc trả tiền", việc mua bán vẫn phải tiếp tục: việc ngừng nhập khẩu không giảm bớt thu nhập của Nga từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, mà ngược lại chỉ làm thu nhập đó tăng thêm.
“Như vậy hóa ra chúng ta buộc phải trả tiền mua khí đốt trong mọi trường hợp, kể cả khi Nga bán lượng khí đốt ấy cho các nước khác và nhận được nguồn thu thậm chí còn lớn hơn từ việc đó”, ông Lindfors cảnh báo.
Trước đó, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết Helsinki có thể nhanh chóng ngừng nhập khẩu tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch của Nga, còn Bộ trưởng Quản lý tài sản nhà nước Tytti Tuppurainen hồi tháng 8 nói rằng nên ngừng nhập khẩu LNG từ Nga, bởi vì Phần Lan, cũng như toàn bộ châu Âu, "không nên phụ thuộc” vào nguồn năng lượng của Nga.