Theo một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ với VNExpress, dù nhìn vào con số tuyệt đối, nửa đầu năm nay, người dân gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn hẳn so với hai năm Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn vẫn không theo kịp với tăng trưởng tín dụng.
Tính đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng gần 10% trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Tăng trưởng tín dụng nhanh hơn nhiều so với huy động vốn khiến chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ tín dụng của hệ thống xuống thấp nhất 5 năm.
Theo SSI, cập nhật đến hết tháng 7, quy mô huy động vốn của hệ thống ngân hàng thậm chí thấp hơn dư nợ tín dụng giải ngân ra nền kinh tế. Trái với diễn biến tăng gửi tiền ở nhóm khách hàng cá nhân, khối doanh nghiệp có xu hướng rút bớt tiền từ hệ thống ngân hàng để đưa vào hoạt động kinh doanh.
Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của tổ chức kinh tế chỉ tăng 3,61% so với đầu năm – là mức tăng nửa năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Tốc độ huy động vốn không bắt kịp với tăng trưởng tín dụng từ đó, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Không chỉ riêng lãi suất huy động tiền gửi chịu áp lực, lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng cũng liên tục đi lên. Tính đến ngày 21/9, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên tới 4,61% một năm trong khi cách đây hai tháng chỉ ở mức 0,96%.
Trên thực tế, có thể thấy rằng động thái liên tục bán ngoại tệ và hút tiền đồng của Ngân hàng Nhà nước khiến thanh khoản tiền đồng kém dồi dào.
Tuy nhiên, như Sputnik thông tin, tại Hội nghị về công tác điều hành tín dụng dưới sự chủ trì của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ngày 16/9 vừa qua, đa số các ý kiến đánh giá việc điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có tỷ lệ phân bổ theo chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng tránh việc phân bổ cào bằng. Nếu tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến nguy cơ chạy đua lãi suất giữa các tổ chức tín dụng và an toàn hệ thống.
“Nền kinh tế trong nước đang chịu nhiều áp lực do tác động lan tỏa của biến động kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn một cách hợp lý nhất để vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo phục hồi và tăng trưởng”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng bản thân tổ chức cũng phải đối mặt với nhiều áp lực lớn, do đó việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng để tránh ảnh hưởng đến lạm phát là điều tất yếu. Đồng thời, các ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả phát triển và thu hút vốn trung và dài hạn từ các kênh khác như trái phiếu, chứng khoán và thu hút đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế không nên quá phụ thuộc vào vốn tín dụng với bản chất kinh tế chủ yếu phục vụ vốn ngắn hạn và lưu động.