USD nắm ngôi vương, Đồng Việt Nam vẫn mạnh và ‘mũi tên’ nhiều đích của Ngân hàng Nhà nước

FED tăng lãi suất, USD đang nắm ngôi vương nhưng Đồng Việt Nam (VND) sẽ không bị giáng đòn nhờ hàng loạt chính sách kịp thời và khéo léo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Sputnik
Hôm nay, 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có phản ứng đầu tiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đêm qua khiến nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá, trong đó, có đồng tiền nội tệ của Việt Nam (VND).
Thực tế, các quyết sách được đưa ra là một ‘mũi tên’ trúng nhiều đích của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - vừa kiên trì điều hành chính sách tiền tệ, vừa chống lại các diễn biến bất lợi trên thị trường thế giới làm đồng Việt Nam suy giảm kỷ lục, vừa hạn chế được áp lực lạm phát đối với nền kinh tế của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến FED tăng lãi suất

Như Sputnik đưa tin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên biên độ 3% - 3,25% ngày 21/9.
Tin tức, bình luận, phân tích, đánh giá về việc FED tăng lãi suất và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng được lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bàn thảo nhiều nhằm đưa ra quyết sách phù hợp cho Việt Nam hôm nay.
Cần nhắc lại, đây là lần tăng lãi suất thứ năm trong năm nay và là lần thứ ba liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm. Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của Fed tính từ tháng 1/2008.
Kinh tế Việt Nam tăng vượt mong đợi, NHNN can thiệp thành công ‘cứu’ tiền Đồng
FED tăng lãi suất đem lại kỳ vọng về cơ hội “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế đang chìm sâu vào suy thoái của Hoa Kỳ và giúp đồng bạc xanh nắm ngôi vương, mạnh lên rõ rệt, gây ảnh hưởng lớn đến chính sách tiền tệ và điều hành kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đến chiều ngày 21/9, phản ứng đầu tiên của Việt Nam trước động thái tăng lãi suất không lấy gì làm bất ngờ của FED đã được công bố cụ thể.
Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiên trì các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, bà Hồng nhấn mạnh, “ổn định không có nghĩa là cố định” mà Việt Nam sẽ theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.

Tiền Việt Nam không mất giá nhiều so với USD và vẫn đang ổn định

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, sau động thái tăng lãi suất đêm qua của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đồng tiền nhiều nước trên thế giới đều mất giá so với USD.
Lãnh đạo NHNN dẫn chứng, như Euro mất giá 1,31%, bảng Anh 0,95%, nhân dân tệ của Trung Quốc suy giảm 0,44%.
“Tính trung bình từ đầu năm đến năm các đồng tiền trên thế giới mất giá rất mạnh như: đồng Yên mất giá 25%, euro 13,5%, bảng Anh 20%, Bath Thái 11,95%, won 17,57%... trong khi đó, tiền VND chỉ mất giá khoảng 3,8%”, - thống đốc cho biết.
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 21/9, đồng USD đã tăng 15% so với cuối năm trước và 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Hồng nhấn mạnh, đây là mức tăng mạnh nhất trong 38 năm qua và cũng chính là nguyên nhân khiến cho việc các đồng tiền khác mất giá mạnh so với đồng USD của Hoa Kỳ.
“Trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới”, - theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.
Đồng tiền Việt Nam suy yếu kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước 'tiến thoái lưỡng nan'
Bà Hồng lưu ý rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam “có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra”.
“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ”, - thống đốc khẳng định lại tinh thần ổn định không có nghĩa là cố định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành

Trong chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra các quyết định điều chỉnh lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngay ngày mai, 23 tháng 9.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định 1606 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đều được điều chỉnh tăng thêm 1%. Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tái cấp vốn 5,0%/năm. Lãi suất tái chiết khấu 3,5%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài 6,0%/năm.
Đồng Việt Nam mất giá kỷ lục và cuộc họp 7 tiếng của Ngân hàng Nhà nước
Cũng trong ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành quyết định 1607 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm (tăng 0,3%). Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0%/năm lên 5%/năm.
Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm (tăng 1%). Cả hai quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành được thực hiện cho đến hết thời hạn.
“Trong trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định 1607/QĐ-NHNN”, - quyết định lưu ý.
Đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng hàng loạt lãi suất điều hành bao gồm trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn…
Quyết định điều chỉnh tăng lãi suất lần này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam diễn ra ngay trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp trong năm nay và cho biết sắp tới sẽ tiếp tục tăng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 40 năm.
Đồng Việt Nam suy giảm kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp chính sách tiền tệ?
Theo các chuyên gia kinh tế, tại Việt Nam, khi FED tăng lãi suất, về lý thuyết sẽ tác động tới sức ép tỷ giá USD cao hơn.
Tuy nhiên, như đã thấy, với quan điểm điều hành của Chính phủ và các chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước – đó là mũi tên với nhiều đích – vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế được lạm phát.

FED tăng lãi suất ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?

Sau khi FED có động thái tăng lãi suất, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính phân tích, việc đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam đó là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Thịnh nhấn mạnh, “giữ ổn định tiền tệ là cốt lõi”.
“Nếu duy trì tương đối tỷ giá VND/USD thì chỉ số lạm phát cơ bản sẽ ở mức thấp, kìm giữ giá các hàng hóa khác, bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp từ nay đến cuối năm và cả những năm tiếp theo”, - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Chuyên gia tài chính ngân hàng này chỉ rõ, thực tế, việc FED nâng lãi suất lên 0,75% đã nằm trong dự báo của các nhà đầu tư và chuyên gia trong thời gian vừa qua, do đó phản ứng của thị trường là “bình thườngvà không quá sốc”.
“Tất nhiên, Mỹ tăng lãi suất sẽ làm tăng giá trị USD, thu hút vốn đầu tư về Mỹ. Việc tăng giá trị USD cũng làm giảm tương ứng giá trị của các đồng tiền khác trên thế giới. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành tỷ giá hối đoái của mỗi quốc gia”, - PGS. Thịnh cho biết.
Tỷ giá USD/VND lập đỉnh lịch sử, chuyện gì đang xảy ra với Đồng Việt Nam?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, USD tăng dẫn đến vay nợ trên trường quốc tế tăng lãi suất, gây sức ép tăng lãi suất đến Việt Nam, đây cũng là bài toán mà Ngân hàng Nhà nước cần giải quyết. Theo VTC News dẫn quan điểm vị chuyên gia cho biết, một khi nếu không thể giữ ổn định tỷ giá thì mức trượt giá của VND so với USD nên khống chế để không vượt quá 2%.
“Tôi cho rằng cách điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay là đúng đắn, không những ổn định mà thậm chí là nâng cao tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng USD. Nếu có biến động thì cao nhất cũng chỉ mất giá 2%”, - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá.
Theo chuyên gia, cùng với đó, để duy trì tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đang can thiệp bằng nhiều biện pháp, trong đó có can thiệp bằng bán USD trong thời gian gần đây.
Thực tế, với dự trữ ngoại hối khá dồi dào, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực can thiệp thị trường để duy trì tỉ giá tương đối. Trong dài hạn, USD sẽ sớm ổn định. Giữ tỷ giá bảo đảm lạm phát cơ bản ổn định, từ đó, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát chung dưới 4% đi đôi với bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.
“Giữ ổn định tỷ giá đồng Việt Nam so với USD là một chính sách cực kỳ quan trọng để ổn định lạm phát cơ bản, từ đó góp phần ổn định giá cả hàng hóa trên thị trường và đảm bảo chỉ số lạm phát ở mức thấp”, - ông Thịnh lưu ý.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, FED tăng lãi suất, USD tăng giá, Việt Nam sẽ chịu một số tác động nhưng không quá lớn.
Theo ông Lực, đầu tiên, việc này sẽ khiến chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng USD tăng lên. Ngoài ra sẽ tác động một phần tới tỷ giá. Cuối cùng là việc này có thể tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một quần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.
Không bất ngờ với ‘nước cờ’ mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Mặc dù vậy, theo TS. Lực, khả năng dịch chuyển vốn ở Việt Nam không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn.

“FED tăng lãi suất sẽ chỉ tác động một phần nhỏ, không đáng kể đến tiến trình phục hồi kinh tế Việt Nam”, - TS. Cấn Văn Lực nêu rõ, kể cả xảy ra suy thoái kinh tế, Việt Nam cũng sẽ ít nhiều bị tác động, nhưng khả năng là rất thấp.

Về lo ngại ảnh hưởng đến xuất khẩu, ông Lực cho rằng, ở mỗi kỳ tăng lãi suất của Fed, hầu như lần nào cũng vậy, doanh nghiệp xuất khẩu thì vui vì USD tăng giá, được hưởng lợi từ khoản chênh lệch, còn doanh nghiệp nhập khẩu thì buồn vì phải chi phí cao hơn.
“Tuy nhiên, hiện tại tỷ giá đồng USD tại Việt Nam không tăng quá mạnh, có thể nói là tương đối ổn định do đó, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu cơ bản vẫn bình thường”, - TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Việt Nam cũng không cần phải quá lo lắng, vì hiện nay đã giữ ổn định được tỷ giá đồng Việt Nam so với USD, mà hợp đồng xuất nhập khẩu thì có đến 70% là bằng USD. Giữ ổn định được tỷ giá đồng nghĩa với việc giữ ổn định lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở, dù FED tăng lãi suất nhưng chúng ta không được hoang mang, dao động; không lơ là, chủ quan mất cảnh giác; chủ động nắm bắt tình hình, bình tĩnh, tự tin, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành kinh tế.
Thủ tướng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên, trước mắt nghiên cứu hướng tăng lãi suất huy động; ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.
Như vậy, có thể thấy rằng, bất chấp việc FED tăng lãi suất hay nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ và xu hướng tăng trưởng chậm lại chung của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thảo luận