Điều đáng chú ý nhất chính là con tàu trọng tải cỡ lớn với tính năng kỹ thuật cao này sẽ được chính đơn vị trong nước của Việt Nam – Công ty Đóng tàu Bạch Đằng, thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ SBIC thực hiện để phục vụ hoạt động vận tải ở vùng biển quốc tế.
Công ty Đóng tàu Bạch Đằng đặt ky đóng mới tàu hàng 17.500T
Bộ Giao thông vận tải vừa thông tin về việc Công ty đóng tàu Bạch Đằng đặt ky đóng mới tàu hàng 17.500 tấn.
Theo đó, ngày 21/9, tại Hải Phòng, đã diễn ra lễ đặt ky, đóng mới tàu chở hàng trọng tải 17.500 tấn.
Theo thông tin được công bố chính thức, đây là tàu trọng tải lớn, tính năng kỹ thuật cao, hoạt động ở vùng biển quốc tế do đơn vị trong nước đảm nhiệm thi công.
Tàu hàng do Công ty Đóng tàu Bạch Đằng đặt ky đóng mới có ký hiệu SS-12 do đơn vị của chính Việt Nam thực hiện đóng mới.
Xin nhắc lại rằng, Công ty Đóng tàu Bạch Đằng là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC)và chủ tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải Minh Thắng, đây cũng là doanh nghiệp trong nước.
Như vậy, tàu chở hàng tải trọng 17.500T này hoàn toàn do Việt Nam đóng mới và thiết kế, phụ trách các tính năng kỹ thuật.
Đảm bảo tính năng kỹ thuật cao
Được biết, tàu SS-12 17.500 tấn là sản phẩm có tính chất đặc thù, thuộc chủng loại tàu chở hàng tổng hợp, được thiết kế hoạt động ở vùng biển quốc tế, cấp không hạn chế.
Một số thông số chính của tàu như chiều dài lớn nhất 148,68m; rộng 23m, chiều cao mạn 14,5m.
Bộ GTVT cho biết, tàu được thiết kế bởi Công ty Cổ phần thiết kế và dịch vụ kỹ thuật tàu thủy Việt - Hàn và hướng đến nhiệm vụ hoạt động vùng biển quốc tế cấp không hạn chế nên đòi hỏi rất cao về tính năng kỹ thuật, tính năng khai thác yêu cầu phải thỏa mãn tiêu chuẩn qui phạm đóng tàu Biển vỏ thép Tiêu chuẩn Việt Nam dưới sự giám sát các cấp của Đăng kiểm Việt Nam mà trực tiếp là Chi cục Đăng kiểm số 10 tại Hải Phòng.
Tại buổi đặt ky đóng mới, đại diện lãnh đạo Công ty Đóng tàu Bạch Đằng cho biết, việc hợp tác thi công đóng mới tàu hàng trọng tải 17.500 tấn sẽ tạo điều kiện cho nhà máy đóng tàu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức điều hành, có cơ hội tham gia vào thị trường đóng tàu với giá trị kinh tế cao.
“Chúng tôi cam kết đảm bảo thi công đóng mới tàu hàng 17.500T đạt đúng tiến độ kế hoạch đề ra”, - lãnh đạo Công ty Đóng tàu Bạch Đằng khẳng định.
Dự kiến, tàu sẽ hạ thủy sau 11 tháng thi công.
Việt Nam đang hoàn thiện đội tàu biển quốc tế
Như đã biết, ngành đóng tàu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam xác định là ngành cơ khí trọng điểm, ngành công nghiệp lớn có vai trò, tính chất then chốt trong kết cấu phát triển công nghiệp đất nước.
Trên thực tế, những năm qua, cùng với xu thế chung của đất nước, nhu cầu vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng cao, tạo điều kiện để ngành công nghiệp đóng tàu có nhiều cơ hội về thị trường.
Cùng với đó, hiện nay, ngành công nghiệp đóng tàu ở Việt Nam đã trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm với hệ thống các nhà máy đóng tàu từ Bắc vào Nam. Theo QĐND, Việt Nam hiện đã đóng được các tàu chuyên dụng, tàu có sức chở lớn đến 53 nghìn tấn và hướng tới đóng tàu 110 nghìn tấn, tàu chở 4900 xe ô tô, các tàu chở container..
Nhằm để thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Việt Nam sẽ cần đầu tư hơn nữa vào ngành công nghiệp đóng tàu cũng như phát triển đội tàu biển quốc tế chuyên nghiệp và đủ mạnh.
Bởi chỉ với riêng ngành đóng tàu, đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển/sông, công nghiệp quốc phòng, dầu khí, khai thác thủy, hải sản, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia.
Theo ông Bùi Văn Trung, Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam thông tin trên TTXVN, trong khi đội tàu container trên thế giới đã có gần 6.350 tàu với tổng sức chở 25,5 triệu Teus, tổng trọng tải 305,9 triệu DWT thì đội tàu container của Việt Nam hiện nay vẫn còn “quá nhỏ bé”. Theo vị chuyên gia, hiện Việt Nam chỉ có 10 công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 Teus, tổng trọng tải 548.236 DWT.
Trong số này, có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 Teus đến dưới 600 Teus, chỉ có thể chạy ở trong nước. 17 tàu có trọng tải từ 600 Teus trở lên có thể chạy các tuyến khu vực nội Á.
Trong khi đó, theo chuyên gia hàng hải, cơ cấu đội tàu của Việt Nam hiện chưa hợp lý vì trọng tải nhỏ là một trong những yếu tố khiến đội tàu biển trong nước khó cạnh tranh với các đơn vị vận tải quốc tế. Trong khi xu hướng thế giới phát triển tàu trọng tải lớn để tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt là đội tàu container và tàu chuyên dụng.
Theo ông Trung, hiện nay, vận tải biển Việt Nam vẫn phát triển ở 3 phân khúc, chủ yếu là nội địa, châu Á và vượt đại dương chưa đáng kể, đồng thời, chưa có nhiều đội tàu quy mô lớn, tải trọng cao.
Mặc dù vậy, ngoài những khó khăn này thì, đánh giá về tiềm năng phát triển đội tàu biển quốc tế Việt Nam không phải là không có cơ sở.
“Quy mô đội tàu của Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 28 trên thế giới”, - ông Trung khẳng định.
Cùng với đó, hiện đã có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tàu chuyên dụng trọng tải lớn như tàu dầu thô trọng tải đến 320.000 DWT, nhiều tàu chở hàng rời chuyên dụng trên 100.000 DWT.
“Đây chính là cơ sở để đội tàu trong nước từng bước chuyển đổi theo xu hướng thế giới với tàu trọng tải lớn hơn nhằm tối ưu hóa chi phí vận tải”, - Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu Việt Nam thông tin.
Các chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải cũng lưu ý rằng, do đội tàu quốc tế của Việt Nam yếu nên thiếu chủ động, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao đang đặt vấn đề cấp thiết về phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục đã tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng “Đề án phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam” nhằm đảm bảo thị phần vận tải nội địa và từng bước nâng nâng cao thị phần vận tải quốc tế.
Được biết, đề án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 2022-2026 thực hiện tổng thể các chính sách về đổi mới cơ chế, tài chính, nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên, nhằm phát triển đội tàu biển ven bờ, kết nối vận tải ven biển với một số nước trong khu vực, từng bước thiết lập một số tuyến container trong khu vực nội Á.
Ở giai đoạn 2026-2030, sẽ tập trung hỗ trợ một số hãng tàu container Việt Nam để có tiềm lực đủ mạnh, có thể vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường xa, đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết với nhau trong khai thác hàng hóa container, tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, đề án sẽ giúp lĩnh vực hàng hải của Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ nhờ củng cố “nội lực” từ đội tàu vận tải biển quốc tế.