Theo Công an Quy Nhơn, nguyên nhân tử vong của giáo viên trường THCS Hải Cảng là do uống thuốc tự tử.
Tìm thấy thi thể cô giáo mất tích ở Bình Định
Tối qua, ngày 24/9, Công an thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định xác nhận lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân V.T.H.P (33 tuổi, huyện Phù Cát, Bình Định).
Theo thông tin từ cơ quan chức năng và gia đình xác nhận, cô P. là giáo viên Trường THCS Hải Cảng trên địa bàn.
Cụ thể, theo nhà chức trách, sau 4 ngày mất tích, cơ quan chức năng Bình Định phát hiện thi thể cô giáo V.T.H.P. nằm ở bãi đất trống phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn cùng bức thư tuyệt mệnh.
Trước đó, khoảng 14h chiều ngày 24/9, người dân phát hiện thi thể một người phụ nữ tại bãi đất trống ở giáp ranh khu vực 3 và khu vực 6, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn.
Gần thi thể của người phụ nữ còn có xe máy mà cô giáo V.T.H.P thường sử dụng và ba lô đựng tài liệu dạy học liên quan đến trường THCS Hải Cảng trên xe.
Trước đó, gia đình cô giáo P. đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm vì nghi cô giáo đã mất tích nhiều ngày.
Đến ngày 23/9, gia đình cô P. đến Công an phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn trình báo về việc cô giáo này mất tích nhiều ngày chưa về nhà.
Theo lời kể của các giáo viên Trường THCS Hải Cảng, ngày 20/9, sau khi dạy xong tiết 1 buổi sáng, cô P. có ra ngoài bằng xe máy. Sau đó, họ không thấy cô quay lại dạy các tiết còn lại của buổi sáng và buổi chiều cùng ngày theo thời khoá biểu.
Sự thật đau xót trong lá thư tuyệt mệnh của cô giáo Bình Định tự tử
Đến sáng 25/9, Công an TP Quy Nhơn (Bình Định) đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân cô giáo V.T.H.P. (33 tuổi, ngụ huyện Phù Cát) tử vong.
Bước đầu điều tra, Công an TP Quy Nhơn xác định nguyên nhân cô giáo P. tử vong là do uống thuốc tự tử.
Đặc biệt, qua khám nghiệm hiện trường, Công anphát hiện bức thư tuyệt mệnh của nạn nhân.
Nội dung bức thư đề cập những vấn đề “nóng” liên quan đến áp lực công việc dạy học, những sự thật đau xót khiến một nữ giáo viên phải nghĩ quẩn sau thời gian dài sống trong áp lực và nợ nần của gia đình.
Lá thư tuyệt mệnh được cho là của cô giáo P. lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những “mặt trái” của nghề giáo - một trong những nghề vốn luôn được coi là cao quý nhất trong xã hội Việt Nam.
Theo lá thư tuyệt mệnh của cô P., hiện nay, nghề giáo lại hết sức áp lực tứ phía, phụ huynh, nhà trường, bộ môn, lãnh đạo các cấp, thi cử, chuyên môn. Áp lực đến mức nghẹt thở.
“Sau những áp lực công việc mà giáo viên phải làm lên lớp, giảng dạy, chủ nhiệm, kế hoạch bài dạy, ra đề thi, chấm kiểm tra, ráp phách và sau cùng so điểm. Hồi hộp không biết có tên mình sai sót trong đó không. Trong khi thời gian quá ít mà lượng công việc quá nhiều”, - thư tuyệt mệnh của cô giáo ở Bình Định có đoạn.
Nói về nguyên nhân phải uống thuốc tự tử để “ra đi”, nữ giáo viên cho biết:
“Những công việc trên em đều làm được hết. Cẩn thận được hết. Nhưng có một việc mà em không thể chấp nhận được đó là điều khiến em phải ra đi hôm nay”.
Đặc biệt, trong lá thư tuyệt mệnh còn nêu rõ rằng, cô giáo P. không cần một ai là giáo viên đến viếng đám tang của mình. Đồng thời, nếu có cơ hội được sống kiếp sau, cô P. không muốn theo nghề cao quý này nữa.
“Nếu em được sống các kiếp tiếp theo, em không bao giờ ước một cái nghề cao quý này cả…”, - lá thư tuyệt mệnh với vết mực nhoè chữ có đoạn.
Lương thấp, áp lực công việc của giáo viên lại quá lớn
Vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin năm học vừa qua, cả nước có 1,6 triệu giáo viên các cấp, nhưng có tới 1% giáo viên xin nghỉ việc.
Cần phải lưu ý rằng, 1% giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tương đương với khoảng 16 nghìn giáo viên các cấp học hiện nay tại Việt Nam, theo số liệu sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, một số tỉnh có số lượng giáo viên nghỉ việc nhiều như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… gây khó khăn cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nguyên nhân chính gây ra làn sóng giáo viên nghỉ việc được cho là chế độ chính sách tiền lương, thưởng thấp, trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) ngày càng cao, áp lực công việc lớn từ nhiều phía (ngành, nhà trường cơ quan, phụ huynh học sinh…) khiến nhiều giáo viên dù tâm huyết với nghề và rất yêu trẻ nhưng cũng chán nản và khó gắn bó lâu dài.