Có 4 thị trường lớn nhất thế giới gồm Mỹ, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc đã chi tới 27 tỷ USD nhập khẩu điện thoại, linh kiện từ Việt Nam.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý, xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm cần thận trọng với biến động tỷ giá hối đoái và yếu tố lạm phát.
Xuất khẩu điện thoại, linh kiện tiếp tục dẫn đầu
Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết, 8 tháng năm 2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam tiếp tục dẫn đầu, đạt 40 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, các thị trường chủ lực của Việt Nam đều tăng nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam.
Trong đó, theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, linh kiện sang thị trường Mỹ đạt 9,25 tỷ USD, tăng 48%.
Tiếp đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 8,97 tỷ USD, tăng 11%.
Riêng sang EU đạt 4,61 tỷ USD, giảm 5%. Xuất khẩu điện thoại, linh kiện sang Hàn Quốc đạt 3,88 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương cho biết, tổng cộng 4 thị trường này nhập gần 27 tỷ USD điện thoại, linh kiện Việt Nam.
Cùng với đó, trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 8 đầu năm 2022 đạt 4,94 tỷ USD, tăng 25,4% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng/2022 đạt 36,71 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới
Như vậy, riêng nhóm hàng điện thoại - linh kiện và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện mang về trị giá xuất khẩu gần 77 tỷ USD sau 8 tháng cho Việt Nam.
Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn là các thị trường đứng đầu, nhập nhiều điện thoại, linh liện “made in Vietnam”.
Cụ thể, tính chung 8 tháng năm 2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 10,12 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu linh điện, điện thoại sang thị trường Trung Quốc đạt 7,7 tỷ USD, tăng 16%.
Nhóm mặt hàng này xuất sang thị trường EU đạt 4,88 tỷ USD, tăng 19%, qua thị trường Hồng Kông đạt 3,83 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 2,29 tỷ USD, giảm 2%.
Các năm trở lại đây, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Đặc biệt, Việt Nam đã thu hút một lượng lớn vốn FDI vào đầu tư sản xuất điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử.
Hầu hết các hãng điện tử lớn trên thế giới đều đã hiện diện tại Việt Nam với cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao như: Samsung, LG, Foxconn, Luxshare, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng đã đưa Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử.
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử.
Trong đó, các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết đang tạo cơ hội cho nhiều hãng điện tử lớn mở rộng quy mô để tận dụng cơ hội về ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất khẩu.
Cùng với đó, như Sputnik đã phân tích, thương chiến Mỹ - Trung, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và tình trạng bất ổn trên toàn cầu càng làm cho tính ổn định của thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, từ đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư rời Trung Quốc đổ sang Việt Nam cũng tăng cao hơn.
Bộ Công Thương nhận định, xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại Việt Nam.
Việt Nam nên cẩn trọng tỷ giá ngoại tệ và lạm phát
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho hay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 9/2022 đạt 26,34 tỷ USD, giảm 25,7% so với kết quả trong nửa cuối tháng 8/2022.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 364,89 tỷ USD, tăng 15,9%. Trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 161,15 tỷ USD, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2021.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nửa đầu tháng 9 đạt 12,75 tỷ USD, lũy kế 9 tháng (đến 15/9) đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2021.
Một số nhóm hàng tăng mạnh như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,3 tỷ USD; hàng dệt may tăng 5,35 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,84 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD so cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng lưu ý, tỷ giá ngoại tệ và lạm phát có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam dù hiện đạt 2 con số, nhưng rủi ro với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối cùng năm 2022 cũng không ít.
Các chuyên gia lưu ý, tỷ giá biến động chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá đồng nội tệ trước sức ép của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh đó, lạm phát của các nước đang lên rất cao. Nhiều nước phải sử dụng công cụ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Điều này đã đẩy các nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái và tác động trước mắt là làm cho sức mua tại nhiều thị trường giảm.
Bộ Công Thương cũng xác định trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết.
Cùng với đó, Bộ Công Thương khuyến khích doanh nghiệp thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu tìm kiếm thị trường mới và thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn hơn.
Theo Bộ Công Thương, việc tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của các thị trường xuất khẩu khắt khe và khó tính, đảm bảo uy tín cho hàng hoá Việt Nam.