Đồng Yên giảm kỷ lục, cơ hội nào cho lao động Việt sang Nhật?

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau giai đoạn đóng cửa vì dịch bệnh, từ tháng 3/2022 đến nay, thị trường Nhật Bản mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại. Thị trường xuất khẩu lao động vừa hồi phục thì việc Yên Nhật mất giá đã giáng một đòn mạnh xuống các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Việt Nam.
Sputnik

Đồng Yên trượt giá, các đơn hàng đi Nhật giảm 40-50%

Do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, từ tháng 3/2022 đến nay tỷ giá đồng yên đã giảm mạnh, mất giá tới khoảng 20%. Ngày 14/7, tỷ giá Yen/USD ghi nhận mức thấp nhất trong 24 năm qua, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất từ đầu năm đến nay.
Trao đổi với Sputnik, anh Trần Tùng - Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Cung ứng nhân lực Cip.Co cho biết:

“Khi đồng Yên giảm, nhiều người lao động không đổi ra USD mà đợi cho đến khi đồng Yên tăng lên thì họ mới quy đổi gửi tiền về Việt Nam. Do dòng tiền không dịch chuyển đi đâu nên cũng không ảnh hưởng gì”, - anh Tùng nói với Sputnik.

Xét về ảnh hưởng từ phía doanh nghiệp, chia sẻ với Sputnik, chị Hồng Hạnh - Giám đốc một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên đồng Yên Nhật xuống thấp nhất trong suốt 15 năm kể từ khi công ty triển khai đơn hàng sang Nhật. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến lượng lao động tuyển chọn sang Nhật làm việc khi nhu cầu người lao động sang Nhật không còn cao như trước.

“Nếu như trước đây người lao động được 10 Man (tương đương 21-22 triệu VND), thì thời điểm này chỉ còn khoảng 16 triệu. Đồng Yên giảm khiến tiền lương lao động người Việt quy đổi sang tiền Việt giảm rất nhiều. Điều này ảnh hưởng tới mong muốn của người lao động đi Nhật. Người lao động không đi, các đơn hàng không thực hiện được, nên ảnh hưởng tới tiến độ của các đơn hàng”.

Sau giai đoạn đóng cửa vì dịch bệnh, từ tháng 3/2022 đến nay, thị trường Nhật Bản mở cửa tiếp nhận lao động nước ngoài trở lại. Thị trường vừa hồi phục, song việc Yên Nhật mất giá đã giáng một đòn mạnh xuống các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang thị trường này.
Đồng yên Nhật hóa ra yếu hơn đồng rúp?

“Ví dụ như thời điểm trước dịch Covid 19 (năm 2018, 2019), một đơn hàng phía Nhật lấy 6 người thì có khoảng 30 người lao động đăng ký tham 18 gia. Sau đó, công ty chúng tôi lọc ra lấy 18 người. Còn với thời điểm hiện tại, cũng vẫn đơn hàng như vậy, doanh nghiệp chúng tôi chỉ cung cấp cho phía Nhật được 8 người. Thậm chí những đơn hàng khó như đơn hàng xây dựng, lấy 6 người chỉ có 6 người ứng tuyển. Tức là, gần như không có sự lựa chọn người lao động nữa, mà người lao động lựa chọn đơn. Thậm chí, nhiều đơn hàng không thể triển khai được do không có đủ người”, - chị Hạnh bày tỏ với Sputnik.

Mặc dù đơn hàng xuất khẩu lao động sang Nhật tăng mạnh, song nhiều lao động còn chần chừ, đắn đó. Trong đợt dịch, các doanh nghiêp Việt Nam vẫn làm việc với phía Nhật Bản để có thể tuyển dụng online và vẫn lựa chọn được người lao động. Tuy nhiên thời điểm này, chị Hạnh khẳng định tuyển người lao động khó hơn so với đợt dịch Covid-19.

“Trước đây doanh nghiệp giải quyết rất nhanh các đơn hàng, không có tồn đọng. Nhưng hiện phải bỏ đi 40-50% đơn hàng. Có những đơn hàng như xây dựng giàn giáo hoặc đơn hàng nữ tuyển rất khó và gần như không tuyển được người. Những ngành nghề như ngành về thực phẩm, công xưởng, CNC, cơ khí,... sẽ dễ tuyển hơn”.

Đối với thị trường Đài Loan, hiện đồng tiền cũng sụt giảm nhưng không ảnh hưởng gì đến người lao động, mà chỉ ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp. Do kinh tế Đài Loan đang không ổn định, xí nghiệp cũng không có nhiều việc, do đó không tuyển nhiều lao động Việt Nam. Đồng nghĩa, lượng người đi Đài Loan nhiều nhưng không có đơn hàng.

Nhật Bản vẫn là thị trường tiềm năng

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, từ đầu năm đến ngày 15/6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người. Trong đó, Nhật Bản chiếm 62%, Đài Loan chiếm 30%, Hàn Quốc 2,3%...
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có gần 500.000 lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Việc Yen Nhật mất giá mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của lực lượng lao động này. Hiện thu nhập của lao động Việt Nam tại Nhật, sau khi trừ hết chi phí, dao động từ 15-25 triệu đồng, tùy từng ngành nghề. Mức lương này vẫn tương đối tốt so với làm công nhân ở Việt Nam, kể cả khi tỷ giá giảm.
Đề nghị Nhật Bản miễn hai loại thuế chỉ áp dụng với lao động Việt
Theo ước tính của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, mặc dù tỷ giá yên Nhật giảm, song đây vẫn là thị trường xuất khẩu tiềm năng nhất của lao động Việt Nam. Mặc dù chi phí khá cao, thời gian đào tạo dài, song các doanh nghiệp cho biết, ưu điểm của xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật là có đơn hàng rồi mới đào tạo, nên tỷ lệ xuất cảnh thường lên tới 100%. Còn với trường hợp đào tạo chờ để tuyển dụng, thì tỷ lệ xuất cảnh cũng lên tới gần 90% do thị trường đang phục hồi tốt. Năm nay, ước tính xuất khẩu lao động của các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh, mức thấp nhất cũng gấp 2,5 lần năm ngoái.
Nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước tăng nhanh sau dịch bệnh là cơ hội thuận lợi để tăng cường đưa lao động đi làm việc ở các thị trường nước ngoài. Với tình hình hiện tại, việc thực hiện kế hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là hoàn toàn khả thi.
Thảo luận