Việt Nam có một tương lai tươi sáng

Vào tuần này, các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài đưa tin về thành công ấn tượng của Việt Nam sau khi Ngân hàng Thế giới WB dự báo Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng châu Á năm 2022.
Sputnik
Những thành công trong nền kinh tế, các vấn đề chính sách đối nội, bảo vệ môi trường, hợp tác Nga-Việt - các chủ đề này sẽ được đề cập đến trong chuyên mục hàng tuần "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".

Việt Nam dẫn đầu tăng trưởng châu Á

Tờ The Diplomat viết rằng, Ngân hàng Thế giới WB vừa nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, từ mức 5,3% hồi tháng 4, trong khi đó dự kiến tốc độ tăng trưởng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 3,2%. Nguyên nhân chính của tình trạng này có thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm hơn do chiến lược “zero COVID” cực kỳ nghiêm ngặt. Cụ thể, WB đã giảm mạnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 2,8% (để so sánh - 8,1% năm ngoái) và 4,5% vào năm 2023.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng WB, thành công của Việt Nam là sự kết hợp của các biện pháp ngăn chặn COVID-19 hiệu quả, lợi thế về nhân khẩu học và vị trí đặc quyền của đất nước trong cơ cấu nền kinh tế khu vực và thế giới. Cần phải lưu ý rằng, vào tháng 4, WB đã dự đoán mức tăng trưởng GDP năm nay chỉ 5,3%. Theo WB, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022. Dự báo cho Indonesia được giữ nguyên ở mức 5,1%, còn Malaysia, Philippines và Thái Lan thì được nâng lên. Nikkei Asia đưa tin: ở Việt Nam, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh và tiêu dùng tư nhân phục hồi.
Nguyên nhân nào giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á?
Nhưng, tờ báo cảnh báo những rủi ro, bao gồm sự suy giảm thị trường xuất khẩu chính và tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam bắt đầu sản xuất chip bán dẫn trong nước. Reuter đưa tin, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT), vừa ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Công ty đặt mục tiêu thâm nhập thị trường chip Châu Á - Thái Bình Dương với kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào năm 2023, trong đó Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ là các thị trường trọng điểm. Trung tâm Toàn cầu về Vận chuyển, Công nghệ và Dịch vụ Tài chính Singapore sẽ giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm các trung tâm dữ liệu và quản lý tài sản kỹ thuật số, các mạng kết nối mọi người và doanh nghiệp trực tuyến, theo Business Times. Hãng thông tấn Nga Krasnaya Vesna đưa tin rằng, trong 9 tháng đầu năm 2022, có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021.
WB: Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, Chính phủ không vay nợ nhiều
Lexology gọi Việt Nam là nơi lý tưởng để sản xuất chất bán dẫn. Ấn phẩm viết rằng, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,52% trong giai đoạn 2021-2025. Theo thời gian, ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam nhờ vị trí chiến lược của nước này, cũng như nhờ lợi thế về giao hàng, nhân công có sức cạnh tranh và chi phí sản xuất. Một lợi thế lớn nữa là các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi đáng kể từ 13 hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, Nikkei Asia không chia sẻ suy nghĩ tích cực của báo chí thế giới. Ấn phẩm viết rằng, những hạn chế trong Nghị định số 53 về bản địa hóa dữ liệu có thể ảnh hưởng đến an ninh mạng và ngăn cản quá trình mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước, một động lực chính của tăng trưởng, thương mại, tạo việc làm, đổi mới và năng suất. Tờ The Star đưa tin, trong 9 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 1,87 triệu lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch Việt Nam vẫn đặt mục tiêu năm 2022 đón khoảng 65 triệu lượt khách, và mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam bắt đầu vào những tháng cuối năm.

Về con người và đàn voi

Nhiều hãng truyền thông nước ngoài đưa tin về việc Việt Nam đang chuẩn bị các quy định mới để hạn chế các tài khoản mạng xã hội nào có thể đăng tải nội dung liên quan đến tin tức trong nước. Theo Reuters, Chính phủ Việt Nam thông qua quyết định này bởi vì tần suất và mức độ tin giả ngày càng gia tăng. Tình trạng này làm dấy lên lo ngại rằng, người dùng nhầm lẫn, hoang mang, không nhận diện tin giả trên mạng xã hội.
Mongabay viết về cách giải quyết xung đột giữa con người và động vật hoang dã và nêu một ví dụ về mối quan hệ giữa người dân trong vùng và voi rừng tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Gtreview đưa tin rằng, một nhóm gồm 26 tổ chức môi trường có ảnh hưởng đang thúc giục Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) không tài trợ dự án nhà máy điện khí LNG Chân Mây ở Thừa Thiên - Huế. Theo kết quả phân tích các kịch bản chuyển đổi năng lượng khác nhau, Việt Nam có thể chuyển sang năng lượng sạch mà không cần xây dựng nhà máy LNG mới.

Việt Nam tiếp tục gắn kết quan hệ với Nga

Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) sẽ quay một số phim tài liệu về St.Petersburg. Thành phố Saint Petersburg kết nghĩa với TPHCM. Ông Nikolai Bondarenko, Phó Chủ tịch Hội đồng lập pháp TP Saint Petersburg, đang ở thăm Thành phố Hồ Chí Minh, đã đạt được thỏa thuận này tại các cuộc gặp gỡ với đối tác Việt Nam, theo Zaks.
Nga sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam
Hai bên đã thảo luận về việc phát triển quan hệ thương mại, du lịch và hỗ trợ cộng đồng người Việt ở St.Petersburg. Và Scientific Russia đưa tin về kết quả cuộc gặp giữa Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hai bên đã quyết định tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nhà khoa học Nga và Việt Nam.
Thảo luận