Tuy nhiên, con đường mà Việt Nam đang đi không chỉ trải hoa hồng, Hà Nội gặp phải rất nhiều thế lực chống phá, ngăn cản cơ hội đại diện cho ASEAN ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tới đây.
Việt Nam xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Việt Nam đã chính thức ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 với nhiều quyết tâm, cam kết, ưu tiên và nỗ lực. Đại diện cho khu vực Đông Nam Á, Hà Nội cũng nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN khi đồng thuận bầu Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này.
Trước nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam cũng đã từng được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực để bảo vệ quyền con người và cải thiện cuộc sống của người dân. Do đó, theo giáo sư Carl Thayer, trường Đại học New South Wales (Australia), thuộc trường Đại học New South Wales của Australia tin rằng, Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực nếu tiếp tục được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Theo ông Thayer, không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia ASEAN tín nhiệm đề cử Việt Nam là đại diện cho mình tham gia Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Những đóng góp của Việt Nam trong khuôn khổ ASEAN trong vấn đề nhân quyền, những việc mà Việt Nam đã làm được để cải thiện cuộc sống của người dân và đảm bảo thực hiện các quyền của người dân trong suốt những năm qua được thể hiện qua các con số thống kê cụ thể chính là những bằng chứng rất rõ ràng cho thấy Việt Nam xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025”, VOV dẫn lời giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh.
Thành công, nỗ lực của Việt Nam là không thể phủ nhận
Việt Nam có nhiều nỗ lực thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững và đang trên đường đạt được các mục tiêu này, theo ông Thayer chia sẻ với TTXVN. Vị chuyên gia cho biết, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc về việc thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam đang được xếp hạng thứ 51 trong tổng số 165 quốc gia đang nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững với số điểm nhận được là 72.8%.
Trong đó, ở mục tiêu phát triển bền vững thứ nhất, Việt Nam đang được đánh giá là đang trên lộ trình hoàn thành mục tiêu này. Với mục tiêu thứ hai, Việt Nam đang từng bước có những cải thiện để đạt được mục tiêu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang được đánh giá rất cao ở Chỉ số lan tỏa được dùng để đánh giá chính sách của một quốc gia dựa trên tác động tới môi trường và xã hội thông qua thương mại, kinh tế - tài chính và an ninh khi được đánh giá tới 96.4% điểm.
Với những nỗ lực và thành tựu này, ông Carl Thayer cho rằng, Việt Nam sẽ có những đóng góp tích cực và thiết thực khi trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vì vậy có thể cung cấp những lời khuyên thiết thực về chính sách trong các vấn đề phức tạp về nhân quyền khi được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc”, ông Thayer khẳng định.
Chuyên gia Úc cũng cho rằng, những thành quả về phát triển, kinh tế xã hội của Việt Nam không chỉ làm cho nhà nước vững mạnh hơn mà đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong đời sống xã hội của người dân.
Trong giai đoạn 2011 đến 2020, trong 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6%. Trong năm 2020, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong 6 nước này tăng trưởng dương với tốc độ 2,9%.
Dẫn kết quả việc thực hiện Chiến lược xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam công bố vào năm 2002, ông Carl Thayer khẳng định, những thành tựu phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng làm giảm số lượng người nghèo đói tại Việt Nam.
Carl Thayer nhắc lại, tỷ lệ các hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 15,5% vào năm 2008 và 7,6% vào năm 2013, và với các tiêu chí mới thì tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam chỉ còn 2,75% vào năm 2020.
“Kết quả này là bằng chứng rõ nét cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số và sống ở vùng sâu, vùng xa”, ông Thayer nêu rõ.
Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, Việt Nam không chỉ đóng góp vào nỗ lực của khu vực và thế giới trong việc kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà còn có nhiều hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Theo GS. Carl Thayer, với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, trong bối cảnh việc đi lại giữa các nước bị hạn chế, Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo khi tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN để bàn cách phối hợp.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở đó, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã thay mặt các nước phát triển phát biểu tại Liên Hợp Quốc đề nghị các nước chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ giúp các quốc gia ứng phó với Covid-19 và tiếp cận vaccine công bằng.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đã rất thành công trong năm đầu tiên ứng phó với dịch bệnh và nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế cung cấp vaccine và triển khai các biện pháp giãn cách xã hội khi cần thiết để giảm sự lây lan của dịch bệnh và giúp người dân nâng cao việc bảo vệ sức khỏe.
Theo Carl Thayer, Việt Nam đã thực hiện chính sách ngoại giao vaccine để có đủ số vaccine cần thiết cung cấp cho người dân. Việt Nam cũng đã ban hành các biện pháp giãn cách xã hội khi cần thiết và kết quả của nó là Việt Nam đã nhanh chóng từ bỏ chính sách zero Covid và ứng phó thành công với biến thể Omicron.
“Vì những đóng góp tích cực này mà Việt Nam được chọn là nơi đặt trung tâm Kiểm soát dịch bệnh khu vực của Mỹ”, ông Carl Thayer nói.
Được quốc tế tin tưởng
Đối với nhóm yếu thế là phụ nữ, GS. Carl Thayer cho rằng Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện cuộc sống, gia tăng cơ hội và sự đóng góp của phụ nữ trong xã hội.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vào năm 2021-2030 để gia tăng sự đóng góp của phụ nữ tại nơi làm việc, tăng số lượng lãnh đạo là nữ giới lên đến 27% vào năm 2025 và giảm tỷ lệ việc nhà mà phụ nữ phải đảm nhiệm cũng như bảo vệ phụ nữ trong các vụ bạo lực gia đình.
“Những thành tựu đã đạt được trong mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội đang tạo ra một đất nước Việt Nam có nhiều tiềm năng và được cộng đồng quốc tế tin tưởng”, Carl Thayer bày tỏ.
GS. Carl Thayer cho rằng, một trong những biểu hiện rõ nét nhất của điều này chính là việc nhận được sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế thông qua số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.
Ông Thayer trích dẫn số liệu cho biết, tính đến tháng 5/2022, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 10.4% so với năm 2021. Sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế không chỉ được gửi gắm qua việc đầu tư vào Việt Nam còn thể hiện qua việc các quốc gia lựa chọn Việt Nam là đại diện tại nhiều cơ chế đa phương như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 cũng như hai lần Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nhiệm kỳ gần đây nhất là vào năm 2020-2021.
“Mỗi lần đảm nhiệm các cương vị này, Việt Nam lại có thêm những đóng góp cho cộng đồng quốc tế và đều được cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, ông Thayer nhận định.
Vì vậy, theo Thayer, việc Việt Nam ứng cử là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 sẽ tiếp tục trao cho Việt Nam cơ hội.
Đó là cơ hội để Việt Nam có thể đại diện cho các nước thành viên ASEAN nói lên tiếng nói và sự quan tâm của khu vực tới vấn đề nhân quyền cũng như cùng với các thành viên khác của hội đồng góp phần giải quyết những thách thức về nhân quyền mà thế giới đang phải đối mặt.
Bác bỏ định kiến xấu và cáo buộc sai sự thật
Như Sputnik thông tin, hôm 22 tháng 9, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng đã lên tiếng bác bỏ những nội dung sai sự thật về cáo buộc nhân quyền cũng như cản trở quá trình ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Theo đó, trước việc một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Hà Nội đưa ra những cáo buộc đối với tình hình nhân quyền của Việt Nam và việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố đó là những nội dung ‘sai sự thật và định kiến’.
“Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu của một số tổ chức nước ngoài với Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Người phát ngôn nhắc lại, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền cơ bản của con người. Điều này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, vào tháng 3/2022, Việt Nam đã công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III, thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và sự nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.
Đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ, Việt Nam cũng luôn tích cực thể hiện tinh thần hợp tác với các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
“Việt Nam thường xuyên duy trì các cơ chế đối thoại nhân quyền song phương với một số nước, sẵn sàng cung cấp thông tin và trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.