Luận điệu của HRW, các thế lực thù địch, phản động rằng Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ tự do dân chủ, tự do ngôn luận và kiểm soát internet trước thềm Đại hội XIII của Đảng là chiêu bài dân chủ nhằm can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam.
Thấy gì trong báo cáo nhân quyền về Việt Nam?
Vừa qua, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã công bố báo cáo 2021 trong đó có đề cập vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Bản báo cáo của HRW như mọi khi, như một bài hát cũ rích, giai điệu không có gì mới và lời lẽ thì như “đấm vào tai” người nghe khi liên tục lặp lại điệp khúc chống phá và xuyên tạc như cũ.
“Chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp những người cổ vũ cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2020, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội”, báo cáo nhân quyền 2021 của HRW ca thán.
Hãy nhìn vào việc Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19 với mục tiêu “sẵn sàng hy sinh lợi ích về kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân” để hiểu, con người, quyền và lợi ích của người Việt được chính quyền Hà Nội đặt lên hàng đầu bởi đó là trung tâm của sự phát triển. Đất nước có hùng cường đến đâu, người dân trước tiên cũng cần được tự do, ấm no và hạnh phúc.
Trong báo cáo của mình, HRW chỉ trích việc các cơ quan chức năng của Việt Nam đã bắt giữ, truy tố ít nhất 24 người vì vi phạm các tội về an ninh quốc gia “được định nghĩa quá rộng và mơ hồ”, chẳng hạn như tuyên truyền chống Nhà nước, hoặc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân…
Ông John Sifton, Giám đốc pháp lý của HRW còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi nhận định, năm 2020 là thêm một năm “tồi tệ” nữa đối với nhân quyền ở Việt Nam. Theo vị này, suốt năm 2020, công an đã bắt giam nhiều blogger, nhà hoạt động nhân quyền bất đồng chính kiến và khởi tố, xét xử nhiều người đã chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận cơ bản – nói lên suy nghĩ cá nhân của mình.
Báo cáo nhân quyền của HRW cho rằng, Việt Nam gia tăng trấn áp những người cổ vũ tự do dân chủ, tự do ngôn luận và kiểm soát internet trước thềm Đại hội XIII của Đảng cũng như khi bầu thế hệ lãnh đạo mới.
Trong đó, tổ chức này lưu ý đến việc Công an Việt Nam bắt giữ hai nhà báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, gồm các ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, vào tháng 5 và tháng 6/2020.
Báo cáo cũng nêu việc bắt “cựu tù binh chính trị” Trần Đức Thạch, một thành viên của tổ chức dân sự “Hội Anh em Dân chủ”, hay việc cơ quan chức năng bắt giữ ba cộng tác viên của “Nhà xuất bản Tự Do”, gồm Cấn Thị Thêu, một cựu “tù nhân lương tâm” (theo HRW) và hai con trai, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng như việc bắt giữ người đồng sáng lập Nhà xuất bản Tự Do, blogger độc lập nhà báo Phạm Đoan Trang.
Đáng chú ý, HRW lên án việc Facebook, Google, Youtube và mạng xã hội “đồng lõa” với chính quyền siết chặt kiểm soát và gia tăng trấn áp trên không gian mạng, tăng cường kiểm soát an ninh mạng.
Trước “miếng mồi ngon”, cơ hội tốt, tổ chức phản động Việt Tân đã lợi dụng ảnh hưởng của Báo cáo của HRW tạo nhiều tấm thiệp gửi đến các đối tượng mà Việt Tân coi là là “tù nhân lương tâm” như Lê Đình Lượng, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Năng Tĩnh, Hoàng Đức Bình…
Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”
Giới chức và dư luận Việt Nam nhìn chung, coi báo cáo của tổ chức theo dõi nhân quyền HRW là một “chiêu trò mang màu sắc chính trị” và các tổ chức phản động nhằm mục đích bôi nhọ, hạ uy tín nhằm chống phá đất nước Việt Nam.
Thực tế, khái niệm “tù nhân lương tâm” là chiêu bài của HRW và một số tổ chức, cá nhân phản động chống đối sử dụng nhằm kích động, thu hút sự chú ý của dư luận và gây sự lầm tưởng số đối tượng này vì đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền mà bị bắt giữ, xử lý ở Việt Nam.
“Tù nhân lương tâm” cũng là cách gọi và chiêu trò không xa lạ gì của tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International – AI). Thông “con bài” dân chủ này cũng như đối tượng phản động, các thế lực thù địch bên ngoài luôn tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép lên chính quyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm mong gây bất ổn chính trị, gây mất an ninh trật tự, đòi chuyển biến, chuyển hóa thể chế, chế độ chính trị ở Việt Nam.
Chính quyền Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” hay “tù chính trị”.
“Ở Việt Nam không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Gần đây nhất, ngày 10/4, trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cũng đã trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Theo đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân.
“Các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các tiến triển tích cực của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người.
“Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao thẳng thắn.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt, để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Ai nói Việt Nam không đủ năng lực ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ?
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin trước đó, ngày 22/2/2021, phát biểu tại phiên họp cấp cao mở đầu Khóa họp 46 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên Hợp Quốc (LHQ), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ với tư cách ứng cử viên của ASEAN.
Ngay sau thông báo của chính quyền Việt Nam, nhiều nước thành viên LHQ đã lên tiếng ủng hộ vì cho rằng những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam thời gian qua liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền con người là rất đáng ghi nhận. Việt Nam có đủ cơ sở, tiền đề, nền tảng và hoàn toàn xứng đáng để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tuy nhiên, một số thế lực thù địch, phản động cũng như các cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, cũng nhân dịp này, đồng thời dẫn chứng báo cáo của các tổ chức như Ân xá Quốc tế AI hay theo dõi nhân quyền HRW lại lên tiếng chỉ trích Việt Nam không xứng đáng hay dùng luận điệu, Hà Nội không thể chỉ dựa vào thành tựu chiến thắng Covid-19 mà có thể xóa hết “tẩy trắng” những vấn đề tồn tại về nhân quyền.
Thời gian qua, những đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực chung của thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19 là không thể phủ nhận. Chính quyền Hà Nội đã hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế, đề xuất và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh với mục đích nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa và ứng phó các dịch bệnh trên toàn cầu. Tại các phiên họp, thảo luận của Hội đồng Nhân quyền, từ góc độ quan điểm quốc gia, đoàn Việt Nam cũng đã tích cực tham gia phát biểu, tham vấn tại các phiên thảo luận chuyên đề và đối thoại.
Thành tựu của chính quyền Việt Nam về công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới là điều được đông đảo các nước thành viên LHQ ghi nhận. Việt Nam được cộng đồng quốc tế coi là “hình mẫu” trong công tác phòng chống dịch Covid-19, vượt qua đói nghèo, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân “để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ cho biết, việc ASEAN đặt niềm tin cho Việt Nam tham gia vào Hội đồng nhân quyền, một tổ chức quan trọng của LHQ, đã thể hiện sự thống nhất trong ASEAN cũng như sự tín nhiệm của ASEAN đối với Việt Nam.
“Có được điều này chính là nhờ những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước, đạt được qua việc ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đàm quyền công dân, quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp sửa đổi năm 2013”, Tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an dẫn chứng, chỉ số phát triền con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990 - 2019, đưa Việt Nam nằm trong danh sách các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Trong khi đó, theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của LHQ năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019.
“Các chuyên gia LHQ nhận định, chỉ số của Việt Nam đã tăng vượt bậc, bắt nguồn từ những ưu tiên, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển quyền con người, thúc đẩy bình đẳng xã hội”, theo Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn.
Vị lãnh đạo khẳng định, ngoài những điều trên, các thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những điểm sáng của Việt Nam và được quốc tế ghi nhận. Chia sẻ trên VOV, Tướng Sơn cho biết, năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015). Đồng thời, việc triển khai giảm nghèo bền vững hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm còn khoảng 2,7%.
Lãnh đạo Cục Đối ngoại Bộ Công an khẳng định, việc thực hiện quyền con người theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đã được Việt Nam triển khai hết sức nghiêm túc và hiệu quả. Trong chu kỳ I và II, Việt Nam đã trình bày và bảo vệ thành công báo cáo quốc gia, đồng thời tiếp thu những đóng góp của các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, còn một điều không thể không nhắc tới, đó là những kinh nghiệm, nỗ lực của Việt Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2018, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2020-2021) và vai trò chủ tịch ASEAN 2020, đã tạo tiền đề, cơ sở để củng cố niềm tin của các nước ASEAN trong việc đề cử Việt Nam đại diện cho ASEAN ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
“Hồ sơ đẹp” là thế nhưng vẫn có một số trang mạng nước ngoài, thế lực thù địch, phản động đăng tải những thông tin xấu, phủ nhận những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam, vu khống rằng Việt Nam không đủ năng lực ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Thậm chí, còn xuyên tạc, tuyên truyền, nói xấu chế độ, chính quyền Việt Nam, vu cáo Hà Nội vi phạm tự do ngôn luận, xâm phạm và thiếu bảo vệ quyền con người.
“Việc ta xử lý vấn đề nhân quyền là đảm bảo pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với các quy ước, công ước của quốc tế về vấn đề nhân quyền mà Việt Nam tham gia”, theo Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an.
Tướng Sơn chỉ rõ, bất cứ hành vi lợi dụng quyền tự do để xâm phạm lợi ích của đất nước, tổ chức và cá nhân đều bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Điều 19 về công ước, về quyền dân sự, chính trị năm 1966 nêu rõ, quyền tự do ngôn luận phải có một số hạn chế nhất định. Các hạn chế này được quy định bằng pháp luật, tôn trọng các quyền, uy tín của người khác, nhằm bảo vệ quốc gia, trật tự xã hội. Tự do ngôn luận không phải quyền tự do tuyệt đối.
“Các thế lực thù địch lên án Việt Nam bắt giữ những đối tượng tự xưng là “cây bút đấu tranh cho dân chủ” thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do công dân với mọi hình thức”, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Việt Nam xứng đáng ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ
Đại sứ Saadi Salama, nhà ngoại giao Palestine đồng thời là Trưởng Đoàn Ngoại giao tại Việt Nam khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề mở cửa, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho những người sinh sống, làm việc ở Việt Nam.
“Người dân có thể tìm thấy mọi thông tin ở trên mạng, có thể dùng được cả Facebook, Youtube và các mạng xã hội khác mà không gặp bất kỳ vấn đề gì”, Đại sứ Salama nhấn mạnh.
Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam nêu rõ, Hà Nội mong muốn làm bạn của tất cả quốc gia để khẳng định giá trị của quyền con người. Việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 là cơ hội rất quan trọng đối với Việt Nam.
“Có thể nói, việc ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời nó cũng khẳng định rằng, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng để ứng cử vào tổ chức này”, Đại sứ Saadi Salama kết luận.